Quá trình du nhập phật giáo vào việt nam

đang tải dữ liệu....

Nội dung tài liệu: Quá trình du nhập phật giáo vào việt nam

ĐẠI HỌC QUỐC GIA THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH TRƯỜNG ĐẠI HỌC KHOA HỌC XÃ HỘI VÀ NHÂN VĂN -----o0o----- NGUYỄN VĂN THẾ QUÁ TRÌNH DU NHẬP PHẬT GIÁO VÀO VIỆT NAM LUẬN VĂN THẠC SĨ TRIẾT HỌC TP. HỒ CHÍ MINH – 2013 ĐẠI HỌC QUỐC GIA THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH TRƯỜNG ĐẠI HỌC KHOA HỌC XÃ HỘI VÀ NHÂN VĂN -----o0o----- NGUYỄN VĂN THẾ QUÁ TRÌNH DU NHẬP PHẬT GIÁO VÀO VIỆT NAM CHUYÊN NGÀNH TRIẾT HỌC MÃ SỐ: 60.22.80 LUẬN VĂN THẠC SĨ TRIẾT HỌC NGƯỜI HƯỚNG DẪN KHOA HỌC: TS. TRẦN HOÀNG HẢO TP. HỒ CHÍ MINH – 2013 LỜI CAM ĐOAN Tôi xin cam đoan đây là công trình nghiên cứu của tôi dưới sự hướng dẫn của TS. Trần Hoàng Hảo. Kết quả nghiên cứu là trung thực và chưa từng được công bố. Các số liệu, tài liệu, trích dẫn trong luận văn được tra cứu chính xác, có nguồn gốc rõ ràng. Tp. Hồ Chí Minh, ngày 10 tháng 09 năm 2013 Tác giả Nguyễn Văn Thế MỤC LỤC PHẦN MỞ ĐẦU PHẦN NỘI DUNG Chương 1. SỰ DU NHẬP VÀ DIỆN MẠO PHẬT GIÁO Ở VIỆT NAM GIAI ĐOẠN ĐẦU CÔNG NGUYÊN 09 1.1. Hoàn cảnh lịch sử Việt Nam thời kỳ Phật giáo du nhập 09 1.2. Khái quát tư tưởng căn bản của Phật giáo nguyên thủy, tiểu sử các vị truyền giáo đặt nền móng cho Phật giáo Việt Nam và trung tâm Phật giáo Việt Nam giai đoạn đầu Công nguyên 26 1.2.1. Tư tưởng căn bản của Phật giáo nguyên thủy 26 1.2.2. Khái quát tiểu sử các vị truyền giáo đặt nền móng cho Phật giáo Việt Nam 33 1.2.3. Trung tâm Phật giáo Việt Nam giai đoạn đầu Công nguyên 44 1.3. Tiến trình lịch sử Phật giáo du nhập vào Việt Nam giai đoạn đầu Công nguyên 48 1.3.1. Con đường và niên đại Phật giáo du nhập vào Việt Nam 48 1.3.2. Hoạt động truyền giáo ở Việt Nam giai đoạn đầu Công nguyên 58 Kết luận chương 1 67 Chương 2. TƯ TƯỞNG PHẬT GIÁO TRONG QUÁ TRÌNH DU NHẬP VÀO VIỆT NAM GIAI ĐOẠN ĐẦU CÔNG NGUYÊN VÀ VAI TRÒ CỦA NÓ ĐỐI VỚI ĐỜI SỐNG TINH THẦN CỦA NGƯỜI VIỆT 69 2.1. Nội dung tư tưởng cơ bản của Phật giáo Việt Nam đầu Công nguyên 69 2.1.1. Một số tác phẩm lớn của Phật giáo ở Việt Nam giai đoạn đầu Công nguyên 69 2.1.2. Khái quát những nội dung tư tưởng căn bản về giáo lí trong các tác phẩm Phật giáo: Lý hoặc luận, kinh Tứ thập nhị chương, Lục độ tập kinh 79 2.2. Một số đặc điểm chủ yếu của quá trình du nhập Phật giáo vào Việt Nam giai đoạn đầu Công nguyên 88 2.2.1. Phật giáo du nhập bằng con đường tự nguyện, hòa đồng 88 2.2.2. Phật giáo dung hòa với Nho giáo, đạo Lão - Trang và Đạo giáo 93 2.2.3. Phật giáo trong sự cạnh tranh của Nho giáo, đạo Lão - Trang và Đạo giáo 101 2.3. Vai trò của Phật giáo đối với đời sống tinh thần của người Việt 107 2.3.1. Vai trò của Phật giáo trong tư tưởng - xã hội 107 2.3.2. Vai trò của Phật giáo trong văn học 114 2.3.3. Vai trò của Phật giáo trong các phong tục, tập quán 119 2.3.4. Vai trò của Phật giáo trong các loại hình nghệ thuật 125 Kết luận chương 2 132 KẾT LUẬN CHUNG 133 DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO 136 1 PHẦN MỞ ĐẦU 1. Tính cấp thiết của đề tài Tôn giáo ra đời và tồn tại hàng vạn năm nay với nhân loại, là nhu cầu tinh thần của một bộ phận đông đảo nhân dân ở hầu khắp các quốc gia trên hành tinh này. Với con số hàng tỷ người trên thế giới và gần như 100% dân cư ở nhiều nước cụ thể theo các tôn giáo khác nhau đã nói rõ nhu cầu đó. Tôn giáo đã có ảnh hưởng mạnh mẽ đến nhiều mặt đời sống xã hội của con người. Trong những tôn giáo trên thế giới thì Phật giáo là một trong những tôn giáo ảnh hưởng mạnh mẽ nhất, ra đời ở một tiểu vương quốc thuộc Ấn Độ vào khoảng thế kỷ VI trước Công nguyên, sau đó được truyền đi nhiều quốc gia trên thế giới, một số nước chịu ảnh hưởng của Phật giáo đã có những nhận định đúng đắn về vị trí, vai trò của Phật giáo, từ đó chắt lọc những giá trị của nó, góp phần vào việc xây dựng đất nước và đã đạt được những thành tựu to lớn, trở thành một trong những cường quốc lớn trên thế giới hiện nay như Trung Quốc, Nhật Bản… Ở Việt Nam, Phật giáo du nhập vào khoảng đầu Công nguyên. Tư tưởng nhà Phật dần dần len lỏi và thấm sâu vào suy nghĩ của người Việt từ tầng lớp nghèo khổ nhất cho đến tầng lớp quý tộc, kể cả nhà vua. Trải qua mấy chục thế kỷ, Phật giáo vẫn luôn chiếm một vị trí trong kiến trúc thượng tầng, mặc dù không phải là học thuyết chính trị - xã hội như Nho giáo nhưng vẫn để lại dấu ấn của mình trong tư tưởng, chính trị, chi phối đời sống tinh thần của người Việt, ảnh hưởng của Phật giáo trong tư tưởng, văn học, nghệ thuật và trong cả phong tục, tập quán, tâm lí của người Việt Nam, nó gắn liền và đóng góp quan trọng vào sự nghiệp dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam. Chính vì vậy, việc tìm hiểu Phật giáo ở Việt Nam nói chung cũng như quá trình du nhập Phật giáo vào Việt Nam nói riêng, không chỉ góp phần làm cho chúng ta hiểu về cội nguồn văn hóa người Việt mà còn định hướng cho quá trình giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa của dân tộc Việt Nam. 2 Hiện nay, Việt Nam đang trong giai đoạn quá độ lên chủ nghĩa xã hội, sự tồn tại và ảnh hưởng của tôn giáo là tất yếu. Nên việc nghiên cứu về tôn giáo nói chung và Phật giáo nói riêng có ý nghĩa bổ ích cho việc đưa ra những chính sách kinh tế - xã hội, góp phần xây dựng đất nước ngày một giàu đẹp hơn. Vì những lý do trên, tác giả chọn đề tài: “Quá trình du nhập Phật giáo vào Việt Nam” làm luận văn thạc sĩ triết học của mình. 2. Tổng quan tình hình nghiên cứu đề tài Phật giáo là một tôn giáo hình thành ở một tiểu vương quốc thuộc Ấn Độ thời cổ đại, sau đó được truyền bá đi nhiều nơi trên thế giới, những nước Phật giáo đi đến và thâm nhập vào cuộc sống đều chịu ảnh hưởng ít nhiều, từ văn hóa đến nghệ thuật, kiến trúc, đến nếp nghĩ và hành động của con người, sự ảnh hưởng của Phật giáo vẫn còn cho tới ngày nay, với tư cách là bộ phận của kiến trúc thượng tầng Phật giáo có tác động nhất định đến cơ sở hạ tầng sinh ra nó. Ở Việt Nam, Phật giáo thể hiện vai trò và ảnh hưởng của mình từ khi du nhập cho đến ngày nay, gắn liền với quá trình dựng nước và giữ nước của dân tộc ta, vì vậy, Phật giáo nói chung và quá trình du nhập Phật giáo vào Việt Nam nói riêng là một trong những vấn đề được quan tâm nghiên cứu ở những khía cạnh khác nhau. Nghiên cứu điều kiện du nhập, tiến trình lịch sử của Phật giáo: Phải kể đến 3 tập sách của tác giả Nguyễn Lang: Việt Nam Phật giáo sử luận, tập 1, Nxb. Văn học, Hà Nội, 1992; Việt Nam Phật giáo sử luận, tập 2, Nxb. Văn học, Hà Nội, 1994 và Việt Nam Phật giáo sử luận, tập 3, Nxb. Văn học, Hà Nội, 1994. Ba tập sách trên đã trình bày một cách sâu sắc và đầy đủ về niên đại, con đường, tiến trình của Phật giáo trên đất nước Việt Nam cùng những vị tăng sĩ, quan niệm về giáo lý, tư tưởng của Phật giáo Việt Nam qua các thời đại lịch sử. Cuốn Việt Nam Phật giáo sử lược của Thích Mật Thể, Nxb. Tôn giáo, Hà Nội, tái bản năm 2004, trình bày nguồn gốc của Phật giáo, bối cảnh Việt Nam 3 khi Phật giáo du nhập và niên đại du nhập, tác phẩm đã trình bày tiến trình lịch sử của Phật giáo Việt Nam từ khởi nguyên đến thời hiện đại. Cuốn Lịch sử Phật giáo Việt Nam, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, 1988, do Nguyễn Tài Thư chủ biên cũng đã trình bày các giai đoạn của Phật giáo Việt Nam, từ thời kỳ du nhập đến thời kỳ Pháp thuộc, tác phẩm đã chỉ ra cụ thể con đường, niên đại Phật giáo đến Việt Nam, các dòng thiền, các vị thiền sư, tình hình Phật giáo ở mỗi giai đoạn. Và khi nói về các công trình viết về Phật giáo Việt Nam, không thể không kể đến 3 cuốn sách, Lịch sử Phật giáo Việt Nam, tập 1, Từ khởi nguyên đến thời Lý Nam Đế, Nxb. Thuận hóa, Huế, 1999; Lịch sử Phật giáo Việt Nam, tập 2, Từ Lý Nam Đế (544) đến Lý Thái Tông (1054), Nxb. Thành phố Hồ Chí Minh, 2001; Lịch sử Phật giáo Việt Nam, tập 3, Từ Lý Thái Tông (1054) đến Trần Thánh Tông (1278), Nxb. Thành phố Hồ Chí Minh, 2002 của Lê Mạnh Thát, ông đã trình bày khá đầy đủ điều kiện xã hội, con đường, cách thức, tiến trình và những tư tưởng Phật giáo du nhập vào Việt Nam. Viết về lịch sử Phật giáo nói chung có thể kể đến tác phẩm Lược sử Phật giáo của EDWARD CONZE do Nguyễn Minh Tiến dịch và chú giải, Nxb. Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh, 2011. Tác phẩm gồm 333 trang được trình bày bằng hai ngôn ngữ Việt và Anh, đã khái quát được những nét cơ bản của tiến trình phát triển Phật giáo từ khi ra đời đến cuối thế kỷ XX. Viết về lịch sử Phật giáo một cách sinh động, điển hình là cuốn Thế giới Phật giáo phương diện lịch sử văn hóa và minh triết của Điền Đăng Nhiên, do Thích Ngộ Thành dịch, Nxb. Văn hóa Sài Gòn, 2009. Tác phẩm đã dùng những bức tranh để minh họa, giúp cho người đọc dễ nắm kiến thức về lịch sử ra đời và phát triển của Phật giáo. Bên cạnh đó còn nhiều tác phẩm viết về lịch sử Phật giáo Việt Nam và thế giới như: Nguyễn Duy Hinh, với cuốn sách Lịch sử Phật giáo Việt Nam, Nxb. Tôn giáo và Nxb. Từ điển bách khoa, 2009; Lịch sử Phật giáo, Nguyễn Tuệ Chân biên dịch, Nxb. Tôn giáo, Hà Nội, 2008. .v.v. 4 Về nội dung tư tưởng, vai trò của Phật giáo: Ngoài những tác phẩm kể trên của tác giả Nguyễn Lang, Lê Mạnh Thát, Nguyễn Tài Thư, Thích Mật Thể còn phải kể đến những tác phẩm như: Đại cương triết học Phật giáo Việt Nam, tập 1, Từ khởi nguyên đến thế kỷ XIV, của tác giả Nguyễn Hùng Hậu, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, 2002, tác phẩm gồm 3 chương, chương 1 trình bày quá trình du nhập, tiến trình của Phật giáo ở Việt Nam từ khởi nguyên đến Phật giáo thời nhà Trần (thế kỷ XIII - XIV), tác giả dành đến 2 chương còn lại để trình bày thế giới quan và nhân sinh quan Phật giáo nói chung và Việt Nam nói riêng. Cuốn Tư tưởng Phật giáo Việt Nam, của Nguyễn Duy Hinh, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, 1999. Tác phẩm gồm 808 trang viết về sự ra đời, các sự kiện quan trọng của Phật giáo, và trình bày khá công phu tư tưởng Phật giáo Việt Nam buổi đầu du nhập, Phật giáo Đại Việt, Phật giáo giai đoạn chấn hưng và canh tân. Tác phẩm Pháp giáo nhà Phật, Nxb. Tôn giáo, Hà Nội, 2007, của tác giả Đoàn Trung Còn trình bày quan niệm “pháp” của Phật giáo, trình bày quan niệm của Phật giáo về vũ trụ và vạn vật, về tứ diệu đế, niết bàn và tham thiền... Nghiên cứu về Phật giáo có nhiều tác phẩm đi khai thác những khía cạnh khác nhau: Về triết lý Phật giáo, tác giả Đoàn Trung Còn với cuốn Triết lý nhà Phật, Nxb. Tôn giáo, Hà Nội, 2007; Về người sáng lập Phật giáo, ông viết tác phẩm Truyện Phật Thích Ca, Nxb. Tôn giáo, Hà Nội, 2005; Về tăng đồ Phật giáo, ông viết tác phẩm Tăng đồ nhà Phật, Nxb. Tôn giáo, Hà Nội, 2004; Về nghệ thuật và kiến trúc, nghiên cứu mảng này tác giả ROBERT E.FISHER viết tác phẩm Mỹ thuật và kiến trúc Phật giáo, do Huỳnh Ngọc Trảng và Nguyễn Tuấn dịch, Nxb. Mỹ thuật, 1996; tác giả MEHER MCARTHUR với cuốn Tìm hiểu mỹ thuật Phật giáo, do Phạm Quang Định dịch, Nxb. Mỹ thuật, 2005; Tác phẩm Nghệ thuật Phật giáo, do Nguyễn Tuệ Chân biên dịch, Nxb. Tôn giáo, Hà Nội, 2008.v..v... 5 Một số tác phẩm lớn nghiên cứu lịch sử tư tưởng cũng đã dành một số trang nhất định để trình bày về Phật giáo như: Nguyễn Đăng Thục, Lịch sử tư tưởng Việt Nam, tập 1, Nxb. Bộ Văn hóa, Sài Gòn, 1998, đây là tác phẩm triết học trình bày tình hình học thuật, tư tưởng Việt Nam từ khoảng thế kỷ II trước Công nguyên đến nhà Đinh Lê (963 - 1018), đã dành một phần tác phẩm để trình bày ảnh hưởng của Phật giáo Ấn Độ đối với Phật giáo Giao Chỉ, thiền học thời nhà Đường. Cuốn Đại cương lịch sử tư tưởng triết học Việt Nam, tập 1, của tác giả Nguyễn Hùng Hậu, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002; tác phẩm trình bày tư tưởng triết học Việt Nam, đã dành số trang nhất định (từ trang 41 đến trang 152) để trình bày sự du nhập và các thiền phái Phật giáo thời Lý - Trần. Cuốn Lịch sử tư tưởng Việt Nam, tập 1, do Nguyễn Tài Thư chủ biên, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, 1993. Tác phẩm trình bày tư tưởng của người Việt Nam từ thời tiền sử đến thế kỷ XVIII, trong tác phẩm, tác giả đã dành một phần để trình bày về Phật giáo, tình hình Phật giáo Việt Nam khi mới du nhập, thời Lý - Trần, sự phê phán của Nho giáo đối với Phật giáo ở Việt Nam thế kỷ XIV, tư tưởng Phật giáo thế kỷ XVI, XVII và đầu XVIII. Tác giả Nguyễn Hữu Vui (chủ biên) trong cuốn Lịch sử triết học, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2004, đã dành một số trang nhất định (từ trang 113 đến trang 140) để nói về Phật giáo, tác giả đã khái quát những nét cơ bản về sự ra đời, phát triển, quan niệm căn bản của Phật giáo. Về tình hình tôn giáo và chính sách tôn giáo, kế thừa trong sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước hiện nay: Với vai trò của mình, Phật giáo ảnh hưởng nhất định đến quá trình xây dựng và phát triển đất nước, chính vì vậy, phải hiểu tình hình Phật giáo để đưa ra những chính sách phù hợp, vận dụng những giá trị của Phật giáo vào quá trình xây dựng đất nước hiện nay, vấn đề này đã được các nhà nghiên cứu quan tâm và trình bày, có thể kể đến các công trình nghiên cứu sau: Cuốn Phật giáo với văn hóa Việt Nam và Nhật Bản qua một cách tham chiếu, của Nguyễn Thanh Tuấn, Nxb. Viện văn hóa & Nxb. Từ 6 điển bách khoa, 2009, tác phẩm trình bày khái quát về Phật giáo, đặc điểm và ảnh hưởng của nó ở Việt Nam, Nhật Bản, những nét tương đồng và khác biệt giữa Phật giáo Việt Nam và Phật giáo Nhật Bản, đưa ra các vấn đề và phương hướng điều tiết ảnh hưởng của Phật giáo trong đời sống văn hóa Việt Nam hiện nay. Cuốn Tôn giáo và đời sống hiện đại, tập IV, của Trung tâm Khoa học xã hội và nhân văn quốc gia, Viện Thông tin khoa học xã hội, Nxb. Thông tin khoa học xã hội - Chuyên đề, Hà Nội, 2001. Tác phẩm khái quát lịch sử hình thành các tôn giáo lớn hiện đang tồn tại ở Đông Nam Á về quá trình truyền bá, phát triển, giáo lý căn bản và ảnh hưởng của nó, trong đó từ trang 98 đến trang 144 dành để viết về Phật giáo và ảnh hưởng của nó trong thời hiện đại. Cuốn Lý luận về tôn giáo và tình hình tôn giáo ở Việt Nam hiện nay, của tác giả Đặng Nghiêm Vạn, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2005. Tác phẩm trình bày một số vấn đề về lý luận liên quan đến vấn đề tôn giáo ở Việt Nam, đặc điểm, vai trò của tôn giáo, chính sách của Đảng và nhà nước đối với tôn giáo trong thời đại ngày nay. Cuốn Vấn đề tôn giáo trong cách mạng Việt Nam - Lý luận và thực tiễn của Đỗ Quang Hưng, Nxb. Chính trị quốc gia, 2000, tác phẩm nêu ảnh hưởng của chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh đối với quá trình phát triển tư duy lý luận của Đảng về tôn giáo, trình bày con đường xây dựng và hoàn thiện chính sách tôn giáo của Đảng và nhà nước từ năm 1945 đến nay. Ngoài ra còn nhiều tác phẩm, công trình nghiên cứu viết về mảng tình hình tôn giáo và chính sách tôn giáo hiện nay của Đảng và nhà nước như: Tôn giáo và đời sống hiện đại, của Viện Khoa học xã hội Việt Nam, Viện Thông tin khoa học xã hội, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, 2004; Về tín ngưỡng tôn giáo Việt Nam hiện nay, do tác giả Đặng Nghiêm Vạn (chủ biên), Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, 1998; Lý luận về tôn giáo và cuộc sống tôn giáo ở Việt Nam hiện nay, của Học viện chính trị quốc gia thành phố Hồ Chí Minh, Viện Nghiên cứu tín ngưỡng và tôn giáo, Nxb. Tôn giáo, Hà Nội, 2007; Đức DALAI LAMA & 7 CLAUDE CARIERE, Sức mạnh của đạo Phật, Để sống tốt hơn trong ngày nay, Lê Việt biên dịch, Nxb. Phương Đông, 2008. Tác phẩm Phật giáo và cuộc sống, Chân dung và đối thoại, do Nguyễn Bá Hoàn chủ biên, Nxb. Lao động, 2007. Bên cạnh các cuốn sách viết về Phật giáo thì các tạp chí viết về Phật giáo cũng trình bày khá phong phú về nội dung, đề cập đến các mảng khác nhau của Phật giáo, có thể kể đến các tạp chí sau: Tạp chí Nghiên cứu tôn giáo, tạp chí Văn hóa Phật giáo, tạp chí Phật giáo nguyên thủy... Về wedsite, có rất nhiều trang wed viết về Phật giáo như: Làng Mai, Tu viện Quảng Đức, Thư viện hoa sen, Ni giới ngày nay, Con đường giải thoát, v.v… Các trang báo điện tử này đã góp phần rất lớn vào công tác truyền bá và đưa tin tức Phật giáo Việt Nam và Phật giáo quốc tế đến độc giả trong và ngoài nước. Tuy nhiên, hầu như các trang báo điện tử này không hoàn toàn là một tờ báo điện tử chính thức và đúng nghĩa, duy nhất trang Giác Ngộ online (http://www.giacngo.vn) được xem là cơ quan ngôn luận của Thành hội Phật giáo thành phố Hồ Chí Minh. Những công trình nghiên cứu trên đã đạt được một số kết quả nhất định, mang lại bức tranh khá rõ về quá trình Phật giáo du nhập vào Việt Nam, nhưng sự tìm hiểu, nghiên cứu không chỉ dừng lại ở đó. Kế thừa những thành tựu nghiên cứu của những người đi trước, luận văn muốn đóng góp thêm một công trình nghiên cứu về quá trình Phật giáo du nhập vào Việt Nam. 3. Mục đích, nhiệm vụ và phạm vi nghiên cứu của đề tài Mục đích của luận văn: Nhằm làm sáng tỏ hơn quá trình du nhập Phật giáo vào Việt Nam. Nhiệm vụ của luận văn: Để đạt được mục đích trên, luận văn thực hiện những nhiệm vụ sau: Thứ nhất, trình bày, phân tích hoàn cảnh lịch sử và tiến trình lịch sử, sự hình thành Phật giáo Việt Nam giai đoạn đầu Công nguyên. Thứ hai, trình bày, phân tích nội dung tư tưởng cơ bản của Phật giáo du nhập vào Việt Nam trong các tác phẩm Phật giáo: Lý hoặc luận, kinh Tứ thập 8 nhị chương, Lục độ tập kinh; từ đó rút ra những đặc điểm và vai trò của Phật giáo trong quá trình du nhập vào Việt Nam. Phạm vi nghiên cứu của luận văn: Trong khuôn khổ của luận văn cao học, đề tài phân tích về quá trình du nhập Phật giáo vào Việt Nam giai đoạn đầu Công nguyên - từ đầu Công nguyên đến khoảng thế kỷ V. 4. Cơ sở lí luận và phương pháp nghiên cứu Cơ sở lý luận: Luận văn dựa trên cơ sở thế giới quan và phương pháp luận của chủ nghĩa duy vật biện chứng và chủ nghĩa duy vật lịch sử. Phương pháp nghiên cứu: Luận văn được nghiên cứu trên cơ sở thế giới quan và phương pháp luận của chủ nghĩa duy vật biện chứng và chủ nghĩa duy vật lịch sử; đồng thời sử dụng các phương pháp khác như phương pháp logic và lịch sử, phương pháp phân tích và tổng hợp, phương pháp quy nạp và diễn dịch, phương pháp so sánh, … để nghiên cứu và trình bày luận văn. 5. Ý nghĩa khoa học, ý nghĩa thực tiễn của đề tài Ý nghĩa khoa học: Luận văn đóng góp thêm một công trình nghiên cứu về quá trình Phật giáo du nhập vào Việt Nam giai đoạn đầu Công nguyên qua các vấn đề về sự du nhập và diện mạo Phật giáo ở Việt Nam giai đoạn đầu Công nguyên, tư tưởng Phật giáo trong quá trình du nhập giai đoạn đầu Công nguyên và ảnh hưởng của Phật giáo trong đời sống tinh thần của người Việt. Ý nghĩa thực tiễn: Luận văn có thể được sử dụng làm tài liệu tham khảo, phục vụ cho việc nghiên cứu và học tập khoa học Tôn giáo học trong các trường đại học và cao đẳng, và những ai quan tâm về Phật giáo Việt Nam nói riêng và tư tưởng triết học Việt Nam nói chung. 6. Kết cấu của luận văn Ngoài phần mở đầu, phần kết luận và danh mục tài liệu tham khảo thì luận văn được kết cấu thành 2 chương và 6 tiết. 9 Chương 1 SỰ DU NHẬP VÀ DIỆN MẠO PHẬT GIÁO Ở VIỆT NAM GIAI ĐOẠN ĐẦU CÔNG NGUYÊN 1.1. HOÀN CẢNH LỊCH SỬ VIỆT NAM THỜI KỲ PHẬT GIÁO DU NHẬP  Tình hình kinh tế Trong chế độ phong kiến thì đất đai là tài sản quý giá, nó là cơ sở để phát triển kinh tế của xã hội phong kiến, quyền sở hữu đất đai thuộc về nhà vua, chứ không thuộc quyền sở hữu của người nông dân, những người trồng trọt, canh tác chủ yếu trên những mảnh đất ấy, người nông dân chỉ là người làm thuê và phải nộp thuế cho nhà vua. Ở Việt Nam cũng không khác, đất đai thuộc quyền sở hữu của nhà vua, chính sự đô hộ hà khắc, bóc lột nặng nề của nhà Hán đã ảnh hưởng không nhỏ đến sự phát triển kinh tế ở nước ta giai đoạn này. Nông nghiệp: Theo các tư liệu của các nhà nghiên cứu thì người Việt cổ đã biết sản xuất nông nghiệp từ rất sớm vào thời đại đồ đá giữa, trong nền văn hóa Hòa Bình. Tác giả Bùi Huy Giáp trong cuốn Nông nghiệp Việt Nam đưa ra nhận định: “Việt Nam nếu không phải trung tâm xưa nhất xuất hiện cây lúa trồng thì cũng là một trong những trung tâm sớm nhất”[25, tr.25]. Người Việt cổ cũng biết dùng sức trâu bò làm sức kéo, để cày ruộng vào khoảng 1000 năm trước Công nguyên: “việc làm đất bằng cày và trâu kéo đã có từ cuối thời Văn Lang[25, tr.43]. Như vậy, việc dùng sức kéo và cày ruộng đã có từ rất sớm trong lịch sử, chứ không phải đến thời Bắc thuộc mới được thái thú Nhâm Diên dạy dân cày, có chăng đây chỉ là thời kỳ phát triển tiếp theo, kế thừa và tiếp tục phát triển phương pháp cày đất và sức kéo của người Việt cổ. Ngoài việc kế thừa và phát triển việc sử dụng sức trâu kéo, việc dùng công cụ bằng sắt cũng phổ biến từ đầu Công nguyên, trong khi trước Công nguyên đồ sắt được sử dụng ở nước ta rất ít. Với năng suất lao động cao, đồ sắt đã đem lại những thay đổi trong sản xuất nông nghiệp. Dân ta không chỉ biết dùng sức kéo, công cụ bằng sắt mà còn biết dùng phân bón để tăng phì nhiêu cho đất, từng bước phát 10 triển hệ thống thủy lợi. Với việc phát triển của các biện pháp canh tác trên đã xóa bỏ kỹ thuật “hỏa canh thủy nậu”, tạo nên một nền nông nghiệp thâm canh, với lịch sử phát triển lâu dài tiến hành chuyển vụ, tăng vụ, dân ta đã biết trồng lúa hai vụ, đem lại năng suất trong sản xuất nông nghiệp ngày một tăng và trở thành một trong những dân tộc trồng lúa hai mùa rất sớm. Bên cạnh việc trồng lúa thì người Việt thời đó còn trồng các loại cây nông sản. Nghề làm vườn cũng trở nên phổ biến và phát triển: “bấy giờ nước ta nhà nào cũng có vườn trồng rau và cây ăn quả”[82, tr.96]. Để chống sâu bọ phá hoại nhân dân ta đã biết dùng phương pháp “dùng côn trùng diệt côn trùng”[82, tr.97]. Bên cạnh sản phẩm từ trồng trọt, nhân dân ta còn khai thác từ thiên nhiên nhiều loại gỗ quý, đặc biệt trầm hương, các loại tre mây để đan lát, làm nhà…, các loại dược liệu như quế, sa nhân…để chữa bệnh. Cùng phát triển với trồng trọt là chăn nuôi, đã có từ rất sớm trong lịch sử nước ta, đến thời kỳ này đã đạt được những bước phát triển đáng kể, người dân Giao Châu chăn nuôi các loài vật như trâu, bò, lợn, chó, dê, ngỗng, gà vịt…, việc chăn nuôi không chỉ để cung cấp thực phẩm mà còn để cung cấp sức kéo, phục vụ quốc phòng và sản xuất nông nghiệp. Như vậy, nền nông nghiệp thời gian này là nền nông nghiệp thâm canh, bước đầu có sự phân công lao động, kinh tế có sự chuyển biến nhờ sự kế thừa những kinh nghiệm mà từ bao đời để lại, cùng với sự tiếp thu và phát triển kỹ thuật của nền văn hóa bên ngoài, nhưng cũng gặp nhiều khó khăn bởi sự cai trị, sự áp bức bóc lột của bọn phong kiến phương Bắc cả về sức người và sức của. Thủ công nghiệp: Thủ công nghiệp đã tách khỏi nông nghiệp trước thời Bắc thuộc, ở thời kỳ văn hóa Đông Sơn đã đạt được những thành tựu đáng kể “thể hiện sự phân công lao động xã hội khá tỉ mỉ”[82, tr.48]. Đến thời Bắc thuộc nó đã trải qua một quá trình phát triển khá lâu, nhân dân ta đã đúc kết được kinh nghiệm quý báu, kết hợp với sự khéo léo và kỹ thuật du nhập từ phương Bắc, thủ công nghiệp với các ngành như rèn sắt, đúc đồng, chế tạo thủy tinh, gốm, dệt, đan lát...giai đoạn này đã tạo ra những sản phẩm đa dạng hơn, 11 tinh tế hơn trước. Nghề gốm thời kỳ này ngoài gốm thường, đã xuất hiện gốm tráng men, nửa sành nửa sứ. Nghề làm gạch không chỉ làm các loại gạch thường để xây dựng công trình kiến trúc còn có loại gạch hình múi bưởi để xây các vòm cuốn, có gạch tráng men, gạch màu vàng hoặc xanh nhợt. Nghề dệt, đã nuôi tằm với một năm tám lứa kén, ngoài vải bông thô thì cũng đã dệt được vải cát bá loại mịn, vải đay, vải gai, dệt nên những chiếc khăn bông, biết thêu chữ và hoa cỏ, nhân dân ta còn biết dùng tơ chuối và tơ tre dệt thành vải. Nghề làm giấy, nghề này được coi là kết quả của việc giao lưu với văn hóa phương Bắc, người Việt thường viết chữ lên da thú, thanh tre…, trong khi Trung Quốc đã phát minh giấy từ lâu đời và đã du nhập vào nước ta, được nhân dân ta tiếp thu và chế ra nhiều loại giấy vào thế kỷ thứ III. Nghề chế tạo thủy tinh vào thế kỷ III đã thổi được những bình, bát với nhiều màu sắc khác nhau. Việt Nam là nước có nhiều vàng bạc, châu báu, bọn thống trị phương Bắc luôn quan tâm, đẩy mạnh khai thác, vơ vét, chúng đã đưa vào nước ta một số biện pháp kỹ thuật để cải tiến sản xuất hàng xa xỉ, chính vì vậy nghề sản xuất đồ mỹ nghệ phát triển mạnh. Bọn phong kiến phương Bắc coi đây là những báu vật, chúng ra sức khai thác bằng mọi cách, mọi thủ đoạn, bắt nhân dân ta phải lên rừng, xuống biển để tìm kiếm, bất chấp hiểm nguy, và có khi phải đánh đổi bằng mạng sống của mình. Ngoài ra, các ngành thủ công khác cũng khá phát triển như nghề mộc, nghề thuộc da, và nghề nấu rượu, các sản phẩm làm ra cũng đều phải cống nạp cho bọn phong kiến phương Bắc. Không chỉ những sản phẩm làm ra phải cống nạp, mà cả những con người làm ra nó cũng bị cống nạp cho phong kiến phương Bắc, đó là những người thợ giỏi, trình độ tay nghề cao. Chính vì vậy mà nền thủ công nghiệp nước ta dù lâu đời, phong phú, tưởng như phát triển mạnh nhưng thực chất là bị kìm hãm, phá hoại như trong nông nghiệp. Giao thông vận tải và thương nghiệp: Giao thông được coi là yếu tố quan trọng cho sự phát triển thương nghiệp, bởi muốn trao đổi hàng hóa giữa các vùng miền, các nước thì hệ thống giao thông tốt sẽ thuận tiện cho việc vận 12 chuyển hàng hóa, thời kỳ Bắc thuộc nước ta đã xây dựng được một hệ thống đường bộ, và con đường bộ được nhà Hán mở năm 83 để thuận tiện cho việc cống nạp, con đường này từ Hồ Nam vượt Ngũ Lĩnh xuống Quảng Tây và miền lưu vực sông Thương của nước ta. Nước ta với hệ thống sông ngòi dày đặc và đường bờ biển dài nên rất thuận tiện cho việc phát triển giao thông đường thủy, và đã làm ra nhiều loại thuyền khác nhau: “ngoài loại thuyền mảng thường, nhân dân ta chế tạo được những thuyền lớn: thuyền lầu, thuyền có vài chục mái chèo…”[82, tr.99]. Việc tạo ra nhiều loại thuyền như vậy chứng tỏ thời đó đường thủy ở nước ta khá phát triển, việc đi lại từ đồng bằng Bắc Bộ đi lên miền Tây Bắc đã được nhân dân ta dùng cả đường sông lẫn đường bộ. Nước ta nằm trên đường hàng hải quốc tế nên đường biển nước ta cũng khá phát triển: “các nước ở phương Nam và phương Tây muốn giao thiệp với Trung Quốc “đều phải đi theo con đường Giao Chỉ”[82, tr.99]. Chính vì vậy mà nước ta có điều kiện để tiếp xúc, giao lưu với văn hóa của các nước đã theo chân những thương gia đến nước ta, sự giao lưu văn hóa, tín ngưỡng này hoàn toàn tự nhiên, nó được nhân dân ta tiếp thu qua lăng kính của mình. Nền kinh tế nước ta là nền kinh tế tự nhiên, mang tính chất tự cung tự cấp, tuy nhiên với sự phân hóa ngành nghề ngày một phát triển, thể hiện là sự phát triển trong nông nghiệp và thủ công nghiệp, nên sự trao đổi là nhu cầu tất yếu, vì một người chuyên sản xuất một sản phẩm nếu không đem trao đổi với người khác thì họ không thể đáp ứng được những nhu cầu trong cuộc sống hàng ngày được, hơn nữa bọn thống trị phương Bắc với sản phẩm thặng dư mà chúng bóc lột của nhân dân ta cần đem trao đổi. Sự trao đổi chủ yếu giữa các vùng, các khu vực trong nội thuộc Trung Quốc và một số ít được trao đổi với các nước bên ngoài, là các nước ở phương Nam và phương Tây. Sự trao đổi này đã hình thành nên các trung tâm kinh tế, chính trị như Long Biên, đây cũng là nơi trao đổi giữa các vùng và với nước ngoài: “tại những thị trấn lớn của ta lúc bấy giờ như Luy Lâu, Long Biên (Hà Bắc)… đã có nhiều ngoại kiều tới trú ngụ, buôn bán và truyền giáo”[82, tr.99]. Với địa thế thuận lợi, là một trạm mà nhiều 13 thương gia đi qua, hơn nữa nước ta có các cảng tốt để trú ngụ tránh bão, lấy nước ngọt.., nước ta còn có vô vàn những sản vật quý từ thiên nhiên và những sản phẩm được làm ra từ bàn tay khéo léo của con người Việt Nam mà các nước muốn trao đổi. Vì vậy mà việc buôn bán với người nước ngoài thuận lợi, thương nghiệp có sự phát triển đáng kể. Mặc dù giao thông thuận lợi cho việc giao lưu với các thương gia nước ngoài, nhưng có một lực lượng đã kìm hãm sự giao lưu ấy là chính quyền phong kiến phương Bắc, chúng không chỉ bóc lột nhân dân ta mà còn bóc lột cả những thương gia nước ngoài đến trao đổi buôn bán bằng việc đánh thuế cao. Điều này làm cho trao đổi khập khiễng, ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế, tuy nhiên với việc giao lưu với bên ngoài cũng làm cho nền kinh tế nước ta thời kỳ này có những khởi sắc nhất định.  Tình hình chính trị - xã hội Đây là giai đoạn dưới sự thống trị của thế lực phong kiến phương Bắc, làm cho tình hình chính trị nước ta có nhiều thăng trầm, biến động, với nhiều cuộc xâm lăng, chính biến, biết bao xương máu nhân dân ta đã phải đổ xuống để giành lại đất nước mà tổ tiên đã xây dựng nên, mặc dù chính sách cai trị vô cùng tàn ác, thâm độc hòng đồng hóa nhân dân ta, biến nước ta thành một phần lãnh thổ của Trung Quốc nhưng với lịch sử dựng nước và giữ nước của mình đã hun đúc nên lòng yêu nước, thương nòi, quý trọng thành quả của cha ông để lại, dân tộc ta vẫn kiên cường vươn lên, không bao giờ chịu khuất phục. Biết bao triều đại của Trung Quốc tiến hành xâm lược và đô hộ nước ta với những âm mưu và thủ đoạn khác nhau, và thời gian kéo dài khoảng 1000 năm, nhưng vẫn không thể xóa đi tên tuổi nước ta trên bản đồ, mà buộc phải thừa nhận một nước Việt Nam có độc lập, chủ quyền, lãnh thổ riêng và một nền văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc. Các triều đại phong kiến phương Bắc thay nhau đô hộ nước ta từ năm 179 trước Công nguyên. Mở đầu cuộc xâm lược và đô hộ nước ta là nhà nước Nam Việt, do Triệu Đà thành lập năm 206 trước Công nguyên, xâm lược và đô hộ Âu Lạc 68 năm (từ 179 trước Công nguyên đến năm 11 trước Công nguyên), tiếp theo là nhà Tiền Hán (Tây Hán) cai trị nước ta từ năm 111 trước 14 Công nguyên đến năm 08; nhà Tân cai trị nước ta 17 năm (từ 08 đến năm 25); nhà Hậu Hán (Đông Hán) thay thế triều Tân, tiếp tục cai trị nước ta 195 năm (từ năm 25 đến năm 220). Cuối thế kỷ thứ II đầu thế kỷ thứ III, Đông Hán tan rã, diễn ra cục diện Tam quốc gồm 3 nước là Ngụy, Thục và Ngô, nước ta chịu sự đô hộ của nhà Đông Ngô. Năm 280, nhà Tấn diệt nhà Ngô, nước ta thuộc sự đô hộ của nhà Tấn trong vòng 140 năm (từ năm 280 đến năm 420), được thời gian ngắn thì nhà Tấn lại tan rã, hình thành cục diện “Nam Bắc triều”, nước ta chịu sự đô hộ của thế lực phong kiến Nam Triều trong 122 năm (từ năm 420 đến năm 542). Năm 542 Lý Bôn lãnh đạo cuộc khởi nghĩa thành công, giành độc lập cho đất nước trong vòng 60 năm (từ năm 542 đến năm 602). Sau đó nước ta lại rơi vào sự đô hộ của nhà Tùy, trong vòng 16 năm (từ năm 602 đến năm 618). Các triều đại phong kiến không ngừng thay thế nhau, sự bóc lột, đồng hóa nhân dân ta không hề giảm, các triều đại phong kiến phương Bắc duy trì phương thức bóc lột bằng việc bắt cống nạp các sản vật quý giá của nước ta, bằng các thứ tô thuế, bắt nhân dân lao dịch cả tháng trời, đồng hóa, nô dịch dân tộc ta bằng văn hóa Hán. Cách bóc lột rất dã man, tàn bạo đã xô đẩy người dân Việt Nam vào cảnh cực khổ, tủi nhục, nhân dân ta thời đó bị chúng coi như những công cụ để sai khiến, trước cảnh đó nhân dân ta không thể đứng yên chịu nhục mà đã đứng lên khởi nghĩa. Tinh thần yêu nước và độc lập dân tộc của dân tộc Việt Nam gắn bó hữu cơ với nhau, bởi vì con người ta chỉ yêu nước khi ý thức được độc lập dân tộc, yêu dân tộc của mình và mong muốn đem lại độc lập cho dân tộc, điều này được thể hiện qua các câu truyện thần thoại như “con Lạc cháu Rồng”, “Lạc Long Quân và Âu Cơ”…, tuy đây không phải là lịch sử nhưng nó cũng phản ánh suy nghĩ, tư tưởng, tình cảm của dân tộc ta thời ấy. Đến khi hình thành nhà nước đầu tiên của mình (Âu Lạc), được hưởng cuộc sống độc lập, tự do, họ cảm thấy hạnh phúc, khi giặc xâm chiếm thì niềm hạnh phúc ấy bị dập tắt, nó đã gây ra cảm giác căm phẫn, muốn giành lại cho bằng được, điều này thể hiện rằng dân tộc ta đã ý thức cao về độc lập dân tộc. Cũng 15 vì lí do ấy mà nhân dân ta không ngừng vùng lên chống trả quân xâm lược phương Bắc trong mọi giai đoạn, mọi hoàn cảnh. Tóm lại, đây là giai đoạn vô cùng khổ cực của dân tộc ta, nhuốm đầy máu và nước mắt, mâu thuẫn xã hội nảy sinh giữa một bên là bọn phong kiến nhà Hán cùng bè lũ tay sai người Việt, một bên là dân tộc Việt Nam yêu nước, căm thù giặc, hai mặt đối lập này không ngừng đấu tranh với nhau, lúc gay gắt, lúc hòa hoãn, khi bình ổn tạm thời, có lẽ đó là lúc một bên bị mất đi, một bên thắng thế, đó là lúc kẻ thù hòa hoãn, hoặc lúc người Việt đuổi được giặc. Với đất rộng người đông, lực lượng mạnh của mình nên thế lực phong kiến phương Bắc luôn mạnh hơn ta, nước ta đất hẹp hơn, người ít hơn, mặc dù lòng yêu nước lớn và ý chí chống giặc cao nhưng khó chuyển hóa từ nhỏ thắng lớn, yếu thắng mạnh, vì vậy mâu thuẫn kéo dài, xuyên suốt giai đoạn Bắc thuộc. Mâu thuẫn này một mặt loại trừ nguồn gốc và động lực của xã hội Văn Lang cũ, nhưng mặt khác nó lại làm nảy sinh những nguồn gốc và động lực phát triển mới, một mặt nó chắn ngang chiều hướng phát triển của xã hội cũ, mặt khác quy định chiều hướng mới của xã hội mới, trước khi thế lực phong kiến phương Bắc xâm lược và đô hộ thì vai trò thúc đẩy lịch sử tiến lên thuộc các giai tầng trong nước thì bây giờ nó thuộc về những người yêu nước bên trong và thế lực thống trị bên ngoài. Xã hội Việt Nam giai đoạn này diễn ra hai quá trình vận động, phát triển ngược chiều là chiều hướng Hán hóa và chiều hướng chống Hán hóa, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam, trong quá trình chống Hán hóa ấy đã làm cho nhân dân ta chịu cảnh lầm than trước những thủ đoạn thâm độc, tàn ác của chúng, biết bao xương máu của cha ông đã đổ xuống, biết bao sản vật quý báu của đất nước đã bị cướp đi, tình hình xã hội diễn biến phức tạp, rối ren, loạn lạc, trong hoàn cảnh đó Phật giáo du nhập vào Việt Nam như tiếp thêm sức mạnh tinh thần cho người dân Giao Châu trong quá trình chống Hán hóa, khẳng định và giữ gìn bản sắc văn hóa của dân tộc, kế thừa, chắt lọc những cái hay cái đẹp từ những tôn giáo bên ngoài, làm cho nền văn hóa của mình giàu hơn, phong phú hơn, đậm đà bản sắc dân tộc, sẵn sàng đấu tranh để giành độc lập, giành quyền 16 bình đẳng mà tạo hóa đã ban cho mỗi con người, mà cha ông đã bảo vệ, và đã được Phật giáo nêu ra.  Tình hình tín ngưỡng, tôn giáo Giai đoạn đầu Công nguyên, ở Giao Châu có sự tồn tại đan xen giữa tín ngưỡng bản địa và các tôn giáo bên ngoài. Hoạt động tín ngưỡng dân gian Tín ngưỡng đa thần: Người Việt cổ tin tưởng và thờ cúng các lực lượng siêu nhiên, nên nó mang tính đa thần, họ thờ thần linh, các yếu tố, lực lượng liên quan đến hoạt động biểu hiện của tự nhiên nhưng mang tính siêu tự nhiên. Thời kỳ đó do trình độ hiểu biết về giới tự nhiên còn hạn chế, chủ yếu là dựa trên sự quan sát trực tiếp, con người không thể nào lý giải được hết các lực lượng tự nhiên, một ngọn núi cao sừng sững, một con sông với dòng nước lớn dữ dội hay các hiện tượng như sấm, sét, gió to bão lớn, làm cho họ run sợ, từ đó họ tỏ ra cung kính những hiện tượng kỳ bí đó, cho rằng đó là những vị thần, và tín ngưỡng sơ khai xuất hiện. Các hiện tượng trong giới tự nhiên thì đa dạng, vô cùng, rất nhiều hiện tượng mà con người không giải thích được nên sự tôn kính những vị thần trong tự nhiên cũng đa dạng không kém, người Việt cổ thờ thần núi, thần cây, thần đất, thần nước… các vị thần này đan xen, hòa quyện vào nhau. Tín ngưỡng phồn thực: Người Việt cổ biết trồng trọt, chăn nuôi từ rất sớm, mỗi mùa gieo trồng, họ mong mỏi mùa màng được bội thu. Trong chăn nuôi, họ thấy con vật có quan hệ giao phối giữa đực và cái mà dẫn đến sinh sôi nảy nở bầy đàn. Hoạt động nông nghiệp sẽ thuận lợi khi trời đất giao hòa, mưa hòa gió thuận. Khi mưa xuống làm mọi vật tươi tốt, nảy nở và phát triển. Các giống loài qua quan hệ giao cấu mà sinh sôi phát triển. Từ nhu cầu ấm no, đầy đủ, từ sự mong mỏi và quan sát mà người Việt cổ xây dựng hình tượng mang tính tâm linh, hình thành tín ngưỡng phồn thực. Như vậy, tín ngưỡng phồn thực đã ra đời rất sớm, và đến thời Bắc thuộc nó vẫn chiếm một vị trí trong tín ngưỡng của người Việt.

Tìm luận văn, tài liệu, khoá luận - 2024 © Timluanvan.net