Tư tưởng triết học của immanuel kant về biện chứng của quá trính nhận thức và ý nghĩa lịch sử của nó

đang tải dữ liệu....

Nội dung tài liệu: Tư tưởng triết học của immanuel kant về biện chứng của quá trính nhận thức và ý nghĩa lịch sử của nó

ĐẠI HỌC QUỐC GIA THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH TRƯỜNG ĐẠI HỌC KHOA HỌC XÃ HỘI VÀ NHÂN VĂN ĐẶNG THỊ ÁNH NGUYỆT TƯ TƯỞNG TRIẾT HỌC CỦA IMMANUEL KANT VỀ BIỆN CHỨNG CỦA QUÁ TRÌNH NHẬN THỨC VÀ Ý NGHĨA LỊCH SỬ CỦA NÓ LUẬN VĂN THẠC SĨ TRIẾT HỌC THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH - 2013 ĐẠI HỌC QUỐC GIA THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH TRƯỜNG ĐẠI HỌC KHOA HỌC XÃ HỘI VÀ NHÂN VĂN ĐẶNG THỊ ÁNH NGUYỆT TƯ TƯỞNG TRIẾT HỌC CỦA IMMANUEL KANT VỀ BIỆN CHỨNG CỦA QUÁ TRÌNH NHẬN THỨC VÀ Ý NGHĨA LỊCH SỬ CỦA NÓ Chuyên ngành: TRIẾT HỌC Mã số: 60.22.80 Người hướng dẫn khoa học: TS. Ngô Thị Mỹ Dung LUẬN VĂN THẠC SĨ TRIẾT HỌC THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH - 2013 LỜI CAM ĐOAN Tôi xin cam đoan đây là công trình nghiên cứu khoa học độc lập của bản thân dưới sự hướng dẫn của TS. Ngô Thị Mỹ Dung. Những tài liệu tham khảo và trích dẫn sử dụng trong luận văn là trung thực và có nguồn gốc rõ ràng. Tác giả Đặng Thị Ánh Nguyệt 1 MỤC LỤC Trang PHẦN MỞ ĐẦU………………………………………………….…..3 PHẦN NỘI DUNG…………………………………………….13 Chương 1. KHÁI QUÁT QUÁ TRÌNH HÌNH THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN TƯ TƯỞNG TRIẾT HỌC IMMANUEL KANT………………………....13 1.1. Điều kiện kinh tế - xã hội và những tiền đề tác động đến sự ra đời của triết học Immanuel Kant ……………………………..……….……..……13 1.1.1. Điều kiện kinh tế - xã hội………………………………….……….13 1.1.2. Tiền đề lý luận…………………………………………….………..17 1.1.3. Tiền đề khoa học tự nhiên……………………………………….....24 1.2. Các thời kỳ phát triển của triết học Immanuel Kant……………........27 1.2.1. Thời kỳ “Tiền phê phán”……………….…………………………..28 1.2.2. Thời kỳ “Phê phán”…………………………….…………………..32 1.3. Vai trò của nhận thức luận trong triết học Immanuel Kant…...…..….36 Kết luận chương 1………………………………………………..….........42 Chương 2. NỘI DUNG CƠ BẢN VÀ Ý NGHĨA LỊCH SỬ CỦA TƯ TƯỞNG TRIẾT HỌC IMMANUEL KANT VỀ BIỆN CHỨNG CỦA QUÁ TRÌNH NHẬN THỨC……………...………………………………44 2.1. Nội dung cơ bản của tư tưởng triết học Immanuel Kant về biện chứng của quá trình nhận thức………………………….......................................44 2.1.1. Nhận thức cảm tính………………………………………………...44 2.1.2. Nhận thức giác tính………………………………………………...53 2.1.3. Nhận thức lý tính…………………………………………………...63 2.1.4. Biện chứng của quá trình nhận thức……………………………..…69 2.2. Ý nghĩa lịch sử của tư tưởng triết học của Immanuel Kant về biện chứng của quá trình nhận thức…………………………….………...…....81 2 Kết luận chương 2……………………………………………..…….……99 PHẨN KẾT LUẬN……………………………………………………..102 DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO…………………………...…107 3 PHẦN MỞ ĐẦU 1.Tính cấp thiết của đề tài Engels đã từng nói "một dân tộc muốn đứng trên đỉnh cao của khoa học thì không thể không có tư duy lý luận" [6, 489], nhưng muốn phát triển và hoàn thiện tư duy lý luận "thì cho tới nay không còn một cách nào khác hơn là nghiên cứu toàn bộ triết học thời trước" [6, 487]. Năng lực tư duy lý luận không thể đạt được nếu chúng ta không nghiên cứu nền tảng lý luận và phương pháp tiếp cận của các trào lưu triết học khác nhau trong lịch sử nhân loại. Các nhà mácxít đã nhấn mạnh rằng, để có được năng lực tư duy lý luận, người ta chỉ có cách duy nhất là phải nghiên cứu lịch sử triết học một cách cơ bản. Bởi lẽ, triết học chính là sản phẩm tinh túy nhất của mỗi dân tộc, nó phản ánh sâu sắc nhất, đầy đủ nhất thực tiễn xã hội sinh động của mỗi thời đại. Trong dòng chảy của lịch sử triết học, không thể không nhắc đến triết học cổ điển Đức, đỉnh cao của triết học Tây Âu thời cận đại. Triết học cổ điển Đức, mà Immanuel Kant là người sáng lập đã phá vỡ quan niệm siêu hình và phương pháp tư duy siêu hình tồn tại trong nhiều thế kỷ. Vì vậy, việc nghiên cứu triết học Immanuel Kant, trong đó nhận thức luận của ông đóng vai trò quan trọng. Vấn đề nhận thức luận được xem là một trong những vấn đề trọng tâm của cuộc đấu tranh giữa chủ nghĩa duy vật và chủ nghĩa duy tâm trong lịch sử triết học. Việc trả lời cho câu hỏi "Con người có khả năng nhận thức được thế giới hay không?" được xem là một trong những tiêu chí để xác định lập trường triết học duy vật hay duy tâm. Đó cũng chính là điều mà Immanuel Kant đã đặt ra trong nhận thức luận của mình với câu hỏi "Tôi có thể biết được cái gì?”. Kế thừa những tư tưởng tiến bộ của chủ nghĩa duy lý và chủ nghĩa duy nghiệm, Kant đã tạo ra một bước ngoặt trong lịch 4 sử tư tưởng triết học phương Tây. Nhận thức luận của Kant là một trong những tiền đề lý luận để các trào lưu triết học sau nó hình thành, các trào lưu triết học đó đều ít nhiều xoay quanh các vấn đề mà Kant đã đặt ra. Do đó, việc nghiên cứu nhận thức luận của Kant, đặc biệt là tư tưởng của ông về biện chứng của quá trình nhận thức có thể giúp chúng ta hiểu sâu sắc hơn về lịch sử tư tưởng triết học phương Tây nói chung và triết học cổ điển Đức nói riêng, giúp chúng ta nâng cao tư duy lý luận, có cơ sở để tiếp thu tốt hơn những quan điểm về nhận thức trong triết học Mác-Lênin và hiểu thêm những khuynh hướng triết học phương Tây hiện nay. Mặc dù trong những năm gần đây, số người quan tâm đến triết học, nghiên cứu triết học ngoài mácxít tuy có gia tăng những vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu, đòi hỏi của sự nghiệp phát triển lý luận nói chung, triết học nói riêng. Bên cạnh đó, do những nguyên nhân chủ quan và khách quan, việc nghiên cứu về triết học Kant nói chung, nhận thức luận của Kant nói riêng chưa đáp ứng được yêu cầu tìm hiểu chuyên sâu của chương trình đào tạo đại học và sau đại học [13, 21]. Vì vậy, việc nghiên cứu những tư tưởng của Kant về vấn đề nhận thức luận và giá trị của nó sẽ góp phần đáp ứng nhu cầu tìm hiểu chuyên sâu về triết học của Kant nói riêng và triết học cổ điển Đức nói chung. Xuất phát từ những yêu cầu lý luận và thực tiễn trên, tôi đã chọn: "Tư tưởng triết học của Immanuel Kant về biện chứng của quá trình nhận thức và ý nghĩa lịch sử của nó" làm đề tài cho luận văn thạc sỹ của mình. 2.Tổng quan tình hình nghiên cứu đề tài Immanuel Kant là người sáng lập nền triết học cổ điển Đức, nhà văn hóa lớn của phương Tây thế kỷ XVIII – XIX. Tư tưởng triết học của ông đề cập đến nhiều lĩnh vực khác nhau như: toán học, thiên văn, vật lý, đạo đức, thẩm mỹ, tôn giáo, nhân bản học, giáo dục học và các quan điểm chính trị 5 xã hội khác. Có thể chia tài liệu nghiên cứu về triết học Kant thành ba hướng chính: Hướng nghiên cứu thứ nhất là những tác phẩm nghiên cứu về triết học Kant nói chung. Chúng ta đã có khá nhiều sách báo đã đăng tải các công trình nghiên cứu về triết học Kant. Đó là Triết học Kant của Nguyên Sa, tạp chí Sáng tạo số 11 và 12, xuất bản năm 1957, Thử tóm tắt học thuyết Kant của Hòa Nguyên Nguyễn Hóa, tạp chí Bách khoa, số 13, xuất bản năm 1957. Ngoài ra, còn rất nhiều công trình viết về Kant, trong đó đáng chú ý là tác phẩm Triết học Kant của Trần Thái Đỉnh được xuất bản vào năm 1957. Trong tác phẩm này, tác giả đã trình bày triết học Kant thời kỳ phê phán một cách hệ thống thông qua việc phân tích nội dung của bộ ba tác phẩm Phê phán, đó là: Phê phán lý tính thuần túy, Phê phán lý tính thực tiễn, Phê phán năng lực phán đoán . Tác phẩm này đã được Nxb. Văn hóa thông tin tái bản năm 2005. Nhìn chung, trong các tác phẩm trên, các tác giả đã trình bày và phân tích những nội dung cơ bản nhất của triết học Kant như vấn đề nhận thức luận, đạo đức, thẩm mỹ, … đồng thời đưa ra những nhận định, đánh giá về giá trị của triết học Kant cũng như ảnh hưởng của nó tới các trào lưu triết học phương Tây từ đấy về sau. Ngoài ra, triết học Kant còn được trình bày trong những tác phẩm khác như Lịch sử triết học: triết học cổ điển Đức của Viện hàn lâm khoa học xã hội Liên Xô được Nxb. Sự thật xuất bản năm 1992, đây là tác phẩm nghiên cứu riêng về triết học cổ điển Đức cùng với các triết gia tiêu biểu mà Kant là người sáng lập, tác phẩm đã đề cập đến những nội dung cơ bản của triết học Kant như vấn đề nhận thức luận, đạo đức, thẩm mỹ…; trong năm 2001 Nxb. Trẻ xuất bản tác phẩm Lịch sử triết học của TS. Hà Thiên Sơn, GS.TS Nguyễn Hữu Vui trong Lịch sử triết học (Nxb. Chính trị Quốc gia, 1998) đã trình bày khái quát tư tưởng triết học của Kant, trong đó nhận 6 thức luận được xem là một trong những nội dung cơ bản nhất. Ngoài ra còn có tác phẩm Đại cương lịch sử triết học phương Tây của TS. Đỗ Minh Hợp, TS. Nguyễn Thanh, TS. Nguyễn Anh Tuấn do Nxb. Tổng hợp Tp. Hồ Chí Minh xuất bản năm 2006, trong đó đã trình bày một cách khái quát và khá đầy đủ về những nội dung chủ yếu nhất của triết học Kant với hai bộ phận quan trọng nhất là nhận thức luận và đạo đức học. Bên cạnh đó, có thể kể đến tác phẩm Minh triết trong tư tưởng phương Tây của Nguyễn Thu Phong (Hoàng Vũ) do Nxb. TPHCM xuất bản năm 2002. Năm 1997, Nxb. Khoa học xã hội Hà Nội xuất bản tác phẩm I.Cantơ – sáng lập nền triết học cổ điển Đức do GS. Nguyễn Trọng Chuẩn chủ biên, tác phẩm là tập hợp những bài viết của các tác giả trình bày những tư tưởng triết học của Kant, đồng thời đánh giá sự tiếp nhận Kant, mối quan hệ của triết học phương Tây hiện đại nói chung và của một số tác giả nói riêng với triết học Kant, vai trò của Kant đối với sự phát triển của triết học. Năm 2006, Nxb. Thế giới, Hà Nội xuất bản tác phẩm Triết học cổ điển Đức của TS. Lê Công Sự, tác phẩm là sự trình bày về những triết gia lớn của triết học cổ điển Đức, trong đó trình bày những điểm cơ bản của triết học Kant với tư cách là người sáng lập nền triết học này. Ngoài ra, những nghiên cứu của PGS.TS Đinh Ngọc Thạch về triết học cổ điển Đức trong tác phẩm Triết học cổ điển Đức (Tủ sách Đại học Tổng hợp, Tp. Hồ Chí Minh, 1989), về lịch sử triết học phương Tây, trong đó có triết học cổ điển Đức, thể hiện ở cuốn Đại cương lịch sử triết học phương Tây (đại học Tổng hợp Tp. Hồ Chí Minh, 1993) và các chuyên đề triết học sau đại học chuyên triết góp phần làm rõ hơn những đóng góp của triết học Kant đối với nền triết học phương Tây nói chung. Hướng nghiên cứu thứ hai là những tác phẩm nghiên cứu về triết học đạo đức Kant. Nhìn chung, các tài liệu nghiên cứu về triết học đạo đức của 7 Kant trong những năm gần đây đã nhiều hơn trước. Trong kỷ yếu hội thảo quốc tế Triết học cổ điển Đức: Những vấn đề nhận thức luận và đạo đức học do Nxb. Chính trị Quốc gia xuất bản năm 2006 có 23 báo cáo tham luận trong và ngoài nước nghiên cứu về triết học đạo đức học của Kant. Hầu hết các báo cáo đều đề cao tính nhân văn của triết học đạo đức Kant. GS.TS Nguyễn Trọng Chuẩn cho rằng, triết học đạo đức của Kant thấm đượm tính nhân văn, đem lại cho con người một cách nhìn mới hơn về thế giới và về chính bản thân mình. Tinh thần nhân văn và lạc quan đó thể hiện ra như những tư tưởng vượt thời đại nhằm hướng tới các giá trị toàn nhân loại. Các bài nghiên cứu của PGS. TS Nguyễn Thế Nghĩa, PGS. TS Đặng Hữu Toàn, PGS. TS Nguyễn Quang Hưng, ThS Nguyễn Kim Lai, ThS Vũ Thị Thu Lan, TS. Lê Công Sự, TS. Ngô Thị Mỹ Dung v.v.., đã tập trung làm rõ những luận điểm cơ bản của triết học đạo đức Kant, cũng như ảnh hưởng của nó đối với triết học phương Tây đương đại. Bên cạnh đó có thể kể đến công trình nghiên cứu của TS. Ngô Thị Mỹ Dung về Triết học đạo đức của Immanuel Kant và ảnh hưởng của nó đối với triết học Đức thế kỷ XIX (luận án Tiến sỹ Triết học, 2008), luận án là công trình nghiên cứu chuyên sâu về triết học đạo đức Kant được dựa những tài liệu tham khảo chủ yếu bằng tiếng Đức, mang tính chính xác và độ tin cậy cao. Ngoài ra, những điểm cơ bản của tư tưởng Kant về triết học đạo đức cũng được trình bày khái quát trong các tác phẩm thuộc hướng nghiên cứu thứ nhất. Hướng nghiên cứu thứ ba là những tác phẩm nghiên cứu riêng về nhận thức luận của Kant. Trong những năm gần đây, số lượng công trình nghiên cứu về Kant tăng đáng kể, trong đó số lượng công trình nghiên cứu về nhận thức luận của Kant cũng khá nhiều, tập trung vào việc phân tích nội dung nhận thức luận trong triết học Kant và đưa ra những nhận định, đánh giá về đóng góp và ảnh hưởng của nó đối với nhân loại với những tác phẩm nổi 8 bật như : Tác phẩm Triết học cổ điển Đức do PGS.TS Đinh Ngọc Thạch chủ biên, tủ sách Đại học Tổng hợp,Tp. Hồ Chí Minh, năm 1989 đã trình bày nội dung cơ bản của triết học Kant, trong đó có nhận thức luận của ông với các giải thích về những vấn đề như “vật tự nó”, “thế giới hiện tượng”, các phạm trù, các nghịch lý của nhận thức lý tính… một cách khái quát, dễ hiểu. Với tác phẩm I. Cantơ – Người sáng lập nền triết học cổ điển Đức, GS. Nguyễn Trọng Chuẩn chủ biên, Nxb. Khoa học Xã hội, xuất bản năm 1997, tác giả đã tập hợp những bài viết của các nhà nghiên cứu trình bày các tư tưởng cơ bản của triết học Kant về các vấn đề đạo đức, pháp quyền, thẩm mỹ, trong đó nổi bật là vấn đề nhận thức luận, từ đó đưa ra những nhận định về giá trị và hạn chế của nó, đồng thời nêu lên vai trò của triết học Kant đối với sự phát triển của triết học phương Tây. Hay tác phẩm Triết học Immanuin Cantơ (1724-1804), triết học cổ điển Đức thế kỷ XVIII – XIX của GS. Nguyễn Văn Huyên, Nxb. Khoa học Xã hội Hà Nội xuất bản năm 1996, tác phẩm trình bày những tư tưởng cơ bản của triết học Kant thông qua việc nghiên cứu ba tác phẩm lớn của Kant thời kỳ phê phán, đó là Phê phán lý tính thuần túy, Phê phán lý tính thực tiễn, Phê phán năng lực phán đoán, đồng thời đưa ra những đánh giá khái quát của tác giả về triết học Kant. Trong kỷ yếu hội thảo quốc tế Triết học cổ điển Đức: Những vấn đề nhận thức luận và đạo đức học do Nxb. Chính trị Quốc gia xuất bản năm 2006 có 17 báo cáo tham luận trong và ngoài nước nghiên cứu về nhận thức luận của Kant. Các báo cáo đã tập trung làm rõ quan điểm của Kant về quá trình nhận thức và những điểm lưu ý khi nghiên cứu quá trình này. Đáng lưu ý ở đây là ý kiến trao đổi của GS.TS Tô Duy Hợp, PGS.TS Đỗ Văn Khang, PGS. Bùi Dăng Duy và các TS. Dương Văn Thịnh, Nguyễn Anh Tuấn, Nguyễn Vũ Hảo, Phạm Văn Chung, Phạm Thái Việt xung quanh 9 việc hiểu thế nào cho đúng những khái niệm cơ bản của triết học tiên nghiệm Kant: cái tiên nghiệm, cái siêu nghiệm, cái siêu việt, vật tự nó, niệm thức, lược đồ, trí tưởng tượng, các quá trình tổng hợp tri thức, chất thể và mô thức tư duy, thực tiễn, điểm mù lý tính, nan đề và hóa giải nan đề… Tuy còn những ý kiến khác nhau xung quanh những khái niệm trên, nhưng các nhà khoa học đều nhất trí với nhau ở một điểm, những ý kiến khác nhau đó không hẳn là do khó khăn về mặt thuật ngữ mà do cách hiểu của chúng ta về nhận thức luận của Kant còn chưa nhất quán. Ngoài ra, những báo cáo trên cũng đã làm rõ ảnh hưởng của nhận thức luận của Kant đối với sự hình thành, phát triển của triết học Mác và các trào lưu, khuynh hướng triết học phương Tây sau này (như các báo cáo của PGS. Bùi Đăng Duy, TS. Đồ Minh Hợp, PGS.TS Hồ Sỹ Quý, TS. Nguyễn Thanh Tuấn). Tác phẩm Học thuyết phạm trù trong triết học I.Kant của TS. Lê Công Sự được Nxb. Chính trị quốc gia xuất bản năm 2007 đã trình bày về những phạm trù cơ bản của triết học Kant, trong đó có nhận thức luận, cũng đã được phân tích, đánh giá, và tìm ra những ảnh hưởng, tác động của chúng đối với triết học hiện đại và đời sống nhận thức lý luận trong xã hội Việt Nam hiện nay. Tác phẩm Đâu là căn nguyên tư tưởng hay con đường triết lý từ Kant đến Heidegger của GS.Lê Tôn Nghiêm, Nxb. Văn học, xuất bản năm 2009 trình bày những tư tưởng cơ bản của Kant về vấn đề Siêu hình học, về ý nghĩa của nó như triết học về tính hữu hạn và sau cùng, về phương pháp "tiếp thu sáng tạo" của Heidegger đối với các triết gia đi trước. Ngoài ra còn có một số tài liệu nước ngoài nghiên cứu triết học Kant, có thể kể đến như : tác phẩm Element of modern philosophy: Descartes through Kant của W.H.Brenner được xuất bản năm 1989 của Nxb. Prentice Hall, tác phẩm đề cập đến dòng chảy tư tưởng từ Descartes đến Kant, những ảnh hưởng nhất định của triết học Descartes đến tư tưởng của Kant 10 sau này; Các triết thuyết lớn của Dominique Folscheid được Nxb. Thế giới, Hà Nội xuất bản năm 1998 đề cập đến các học thuyết triết học lớn từ cổ đại đến hiện đại, trong đó Kant là một trong những đại biểu nổi bật; tác phẩm Lịch sử phép biện chứng, tập III, phép biện chứng cổ điển Đức của Viện hàn lâm khoa học Liên Xô – Viện triết học do GS. Nguyễn Trọng Chuẩn dịch và chú giải được Nxb. Chính trị Quốc gia xuất bản năm 1998, tác phẩm trình bày những tư tưởng biện chứng của các triết gia lỗi lạc của nền triết học cổ điển Đức, trong đó những tư tưởng biện chứng của Kant được nhấn mạnh vì nó là tiền đề lý luận cho những triết gia sau đó kế thừa và phát triển. Ngoài ra còn có các tác phẩm Lịch sử triết học từ cổ điển đến cận đại của Dagoberts D. Runes, người dịch Phạm Văn Liễn, được Nxb. Văn hóa Thông tin xuất bản năm 2006, cuốn Nhập môn triết học phương Tây, của Samuel Enoch Stumpf và Donald C.Abel, người dịch Lưu Văn Hy, Nxb. Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh xuất bản năm 2004, đây là những tác phẩm nghiên cứu về những quan điểm triết học cơ bản của Kant, trong đó có nhận thức luận và những ảnh hưởng của các quan điểm đó đối với các hệ thống tư tưởng triết học phương Tây sau này. Nhìn chung, tài liệu viết về triết học Kant, trong đó có nhận thức luận, những năm gần đây xuất hiện khá nhiều. Thông qua các giáo trình, tài liệu giảng dạy, cũng như những bài báo cáo tham luận, vấn đề nhận thức luận của Kant đã được giới thiệu một cách tổng quát, đem lại cho người đọc cái nhìn ban đầu và những đánh giá khái quát nhất. Trên cơ sở tiếp thu, kế thừa kết quả các công trình nghiên cứu trên, luận văn sẽ trình bày và phân tích những tư tưởng triết học của Kant về biện chứng của quá trình nhận thức, từ đó đưa ra những nhận định về ý nghĩa lịch sử của nó, góp phần đáp ứng nhu cầu tìm hiểu chuyên sâu về triết học Kant. 11 3. Mục đích và nhiệm vụ của luận văn Mục đích của luận văn là trình bày và phân tích tư tưởng triết học Kant về biện chứng của quá trình nhận thức, từ đó rút ra ý nghĩa lịch sử của nó đối với với sự phát triển của các tư tưởng triết học phương Tây từ đấy về sau. Nhiệm vụ của luận văn là: Thứ nhất, khái quát quá trình hình thành và phát triển tư tưởng triết học của Kant, từ đó làm rõ vai trò của nhận thức luận trong toàn bộ hệ thống triết học Kant. Thứ hai, trình bày và phân tích những nội dung cơ bản tư tưởng biện chứng của quá trình nhận thức theo quan điểm của Kant. Từ đó rút ra ý nghĩa lịch sử của nó đối với sự phát triển tư tưởng triết học phương Tây. 4. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu của luận văn Luận văn không nghiên cứu toàn bộ tư tưởng triết học Kant mà chỉ nghiên cứu về tư tưởng triết học của Kant về biện chứng của quá trình nhận thức và ý nghĩa lịch sử của nó. 5. Cơ sở lý luận và phương pháp nghiên cứu của luận văn Luận văn dựa trên thế giới quan và phương pháp luận của chủ nghĩa duy vật biện chứng và chủ nghĩa duy vật lịch sử, đồng thời còn sử dụng các phương pháp nghiên cứu cụ thể như: phương pháp so sánh và đối chiếu, phương pháp logic và lịch sử, phương pháp phân tích và tổng hợp, để làm rõ nội dung tư tưởng và ý nghĩa lịch sử của tư tưởng của Kant về biện chứng của quá trình nhận thức. 6. Ý nghĩa khoa học và ý nghĩa thực tiễn của đề tài Về ý nghĩa khoa học: luận văn góp phần làm rõ hơn tư tưởng về biện chứng của quá trình nhận thức trong triết học Kant, góp phần nâng cao năng lực tư duy lý luận. 12 Về ý nghĩa thực tiễn: luận văn có thể dùng làm tài liệu tham khảo cho sinh viên chuyên ngành triết học và các ngành khoa học xã hội khác. 7. Kết cấu của luận văn Ngoài phần mở đầu, phần kết luận và danh mục tài liệu tham khảo, luận văn được chia thành 2 chương và 4 tiết. 13 PHẦN NỘI DUNG Chương 1 KHÁI QUÁT QUÁ TRÌNH HÌNH THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN TƯ TƯỞNG TRIẾT HỌC CỦA IMMANUEL KANT 1.1. Điều kiện kinh tế - xã hội và những tiền đề tác động đến sự ra đời của triết học Immanuel Kant Bất kỳ tư tưởng triết học nào cũng chịu sự quy định của thời đại, đó là điều kiện kinh tế - xã hội, tiền đề lý luận và tiền đề khoa học tự nhiên. Sự ra đời của tư tưởng triết học Immanuel Kant (1724 – 1804) cũng không nằm ngoài quy luật đó. 1.1.1. Điều kiện kinh tế - xã hội Tình hình kinh tế - xã hội của nước Đức thế kỷ XVII - XVIII với hai đặc điểm lớn là sự chia cắt về chính trị và lạc hậu về kinh tế, đã ảnh hưởng mạnh mẽ đến tư tưởng triết học Immanuel Kant. Về chính trị, trong nửa sau thế kỷ XVII và trong thế kỷ XVIII, Phổ đã phát triển nhanh hơn các nước khác trong đế quốc Rome German thần thánh, nhưng sự phát triển ấy không mang tính chất tiến bộ. Nước Đức già cỗi lúc bấy giờ chính thức được gọi là “đế quốc La Mã thần thánh của dân tộc German”. Sự chia cắt về mặt chính trị được thể hiện rõ nhất qua cuộc chiến tranh giữa hoàng đế và các nước chư hầu (1618 – 1648). Với hòa ước Westfallen, cuộc chiến 30 năm kết thúc nhưng trên toàn bộ lãnh thổ của vương quốc Đức vẫn tồn tại trên 300 nước chư hầu và nhiều lãnh địa kỵ sĩ. Sau cuộc chiến tranh Bảy năm (1756 – 1763), ưu thế của Phổ ở Đức 14 được xác lập, Phổ đóng một vai trò quan trọng trong lịch sử nước Đức, nhưng không phải là một vai trò tiến bộ. Triều đình Phổ đứng đầu là vua Friedrich Wilhelm II, vẫn rất bảo thủ và ngoan cố tăng cường quyền lực, duy trì chế độ quân chủ chuyên chế hà khắc, ngăn cản đất nước đi theo con đường tư bản chủ nghĩa. Chính sách của Phổ không nhằm thống nhất dân tộc Đức, mà chỉ nhằm chiếm đoạt đất đai, mặt khác sự phát triển của Phổ mang tính chất quân phiệt nặng nề. Điều ấy sẽ để lại hậu quả lớn lao cho lịch sử của Đức. Xã hội Phổ cũng như xã hội Đức bị kìm hãm trong chế độ phong kiến nông nô [85, 118]. Nghiêm trọng hơn cả là sự tái diễn chế độ nông nô lần thứ hai trong thế kỷ XVII đã đẩy những người nông dân trên toàn vương quốc Đức đến chỗ cùng cực. Nổi bật nhất của sự tái diễn này là các vùng phía bắc và đông bắc nước Đức, trong đó có vương quốc Phổ, quê hương của nhà triết học Kant. Ở đây không chỉ tồn tại chế độ trung ương tập quyền mà còn là một chính thể quân chủ với quân đội hùng mạnh và tầng lớp công chức quý tộc. Hầu hết nông dân đều bị nông nô hóa và giai cấp địa chủ quý tộc thường áp dụng những hình thức cai trị hết sức tàn nhẫn đối với họ [16, 19]. Chiến tranh đã "dẫm nát" nhiều thành thị, phá hoại hầu hết các vùng nông thôn và làm cho kinh tế nước Đức ngày càng suy sụp. Hơn nữa, sự manh mún, chia cắt của nước Đức đã tạo nên những hệ thống pháp luật riêng, "cân, đong, đo, đếm" riêng, hệ thống tiền tệ riêng. Đặc biệt sự tồn tại khá dày của các trạm thuế quan tại biên giới đã cản trở việc lưu thông hàng hóa, làm cho nước Đức không thể trở thành một thị trường thống nhất được [84, 149-152]. Sự kém phát triển của công thương nghiệp đã khiến giai cấp tư sản bắt đầu chuyển qua đầu tư ruộng đất, kéo theo sự quay trở lại của chế độ nông nô. Sự tồn tại của chế độ nông nô đã gây trở ngại rất to lớn cho sự phát 15 triển kinh tế ở nước Đức và tước đoạt hầu hết các quyền tự do của nông dân. Người nông dân bị tùy ý hành hạ, họ không được học những nghề thủ công, không được địa chủ đồng ý thì không được kết hôn, họ cũng thường bị đem bán, cho mượn hay đem cầm cố [84,153]. Vì thế trong thời kỳ đó, nếu nước Anh, nhờ cách mạng tư sản và bước ngoặt công nghiệp mà trở thành quốc gia tư bản lớn mạnh nhất, và ở Pháp, nhờ kết quả của cách mạng năm 1789, giai cấp tư sản đã tiêu diệt chủ nghĩa phong kiến, đang tiến nhanh trên con đường tư bản chủ nghĩa thì nước Đức hãy còn là một nước nửa phong kiến bị phân hóa cả về kinh tế lẫn chính trị. Những tàn tích của chế độ nông nô, chế độ phường hội, chúa đất; sự tồn tại của nhiều quốc gia nhỏ bé phụ thuộc lẫn nhau với các thể chế chính trị phản động, v.v.. không chỉ kìm hãm sự phát triển mà còn làm tăng thêm mức độ lạc hậu của nước Đức so với các nước đã phát triển quan hệ tư bản chủ nghĩa. Có nghĩa là trong khi các nước Châu Âu trên con đường phát triển tư bản chủ nghĩa thì nước Đức vẫn triền miên trong giấc ngủ mùa đông, vẫn là một nước quân chủ chuyên chế phân quyền, thấp kém và lạc hậu về kinh tế; bảo thủ, trì trệ về chính trị – tư tưởng do đường lối chủ đạo của Friderique II là duy trì giai cấp quý tộc chống lại thời đại tư bản đang bắt đầu. Vì thế, sự phát triển kinh tế tư bản chủ nghĩa bị cản trở, thành thị và công thương nghiệp ở vào tình trạng đình trệ so với các nước tiên tiến ở Tây Âu. Đó là kết quả của cái gọi là “chủ nghĩa chuyên chế sáng suốt” của các vua Phổ [84, 119]. Sự phân tán về kinh tế và chính trị là lực cản lớn của nước Đức trên con đường phát triển tư bản chủ nghĩa. Xét theo mức độ cách mạng thì nước Đức lạc hậu hơn so với nước Anh 200 năm, so với nước Pháp là 50 năm [64, 5]. Bối cảnh kinh tế xã hội của vương quốc Đức lúc bấy giờ được Engels 16 nêu rõ trong bài “Tình hình nước Đức” (đăng trên tạp chí “The Northern Star” ngày 25 tháng 10 năm 1845) như sau: “Đấy là một đống những cái chán chường, mục nát và tan rã. Không ai cảm thấy dễ chịu, thủ công nghiệp, thương nghiệp, công nghiệp và nông nghiệp trong nước đều rơi vào cảnh điêu tàn cùng cực. Nông dân, thợ thủ công và chủ xí nghiệp chịu hai lần khổ ải: chính quyền ăn bám và trạng thái tiêu điều”[5, 755]. Engels đã nhận xét rằng, đó là “thời kỳ nhục nhã về mặt chính trị và xã hội”, “mọi thứ đều nát bét, lung lay, xem chừng sắp sụp đổ, thậm chí chẳng còn lấy một tia hy vọng chuyển biến tốt lên, vì dân tộc thậm chí không còn đủ sức vứt bỏ cái thây ma rữa nát của chế độ đã chết rồi” [5, 754]. Tóm lại, sự tự do, nhân phẩm con người trong xã hội Đức thế kỷ XVII, XVIII bị chà đạp đã ảnh hưởng đến tư tưởng của Kant về ý chí tự do trong triết học thực tiễn của ông, bên cạnh đó chiến tranh liên miên đã làm nảy sinh khát vọng tự do và mơ ước về một nhà nước lý tưởng, tiến tới một nền hòa bình vĩnh cửu trên toàn thế giới. Tuy nhiên “thời kỳ nhục nhã” đó lại mang một nét đặc biệt rất đáng tự hào: đó là thời đại vĩ đại trong lịch sử văn hóa nghệ thuật và triết học Đức: mỗi tác phẩm xuất chúng của thời đại đó đều thấm đượm tinh thần phê phán, phản kháng, chống lại chế độ xã hội Đức đương thời [5,754-755]. Nhưng tại sao các nhà duy tâm tư sản trong điều kiện kinh tế – xã hội thấp kém của nước Đức lại làm nên những thành tựu trong triết học? Lịch sử tư tưởng chứng minh rằng, các học thuyết tư tưởng tiến bộ có thể nảy sinh trong lòng một nước có trình độ kinh tế lạc hậu hơn, nếu nó biết tiếp thu thành tựu mọi mặt của các nước tiến bộ khác. Những thành tựu về kinh tế, chính trị, xã hội, giáo dục, mà chế độ tư bản đạt được đã góp phần khẳng định sức mạnh thể chất và tinh thần của con người trong việc nhận thức và cải tạo thế giới, đồng thời tạo tiền đề quan trọng cho sự phát 17 triển khoa học nói chung, triết học nói riêng. Thực tiễn nước Đức lúc đó đòi hỏi các nhà triết học phải tìm ra câu trả lời để giải quyết những vấn đề của đời sống xã hội và sinh hoạt tinh thần lúc bấy giờ. Tuy nhiên, sự non yếu của giai cấp tư sản Đức đã dẫn đến sự ra đời của các hệ thống triết học duy tâm và dao động, dễ thỏa hiệp trong tư tưởng chính trị. Như một nhu cầu lịch sử, triết học thâm nhập vào cuộc sống, tìm tòi và khám phá sức mạnh lý tính của con người mà triết học Kant là một ví dụ điển hình cho khuynh hướng đó. Như vậy, triết học Kant đã ra đời trước nhu cầu bức thiết của thời đại. Chính điều kiện kinh tế - xã hội nước Đức thế kỷ XVII – XVIII đã trở thành một trong những nguồn gốc quan trọng hình thành nên triết học Kant. 1.1.2. Tiền đề lý luận Sau khi tốt nghiệp trung học, vào mùa thu năm 1740, Kant vào học khoa triết, trường đại học Koenigsberg. Tại đây, chàng sinh viên đầy nhiệt huyết với khoa học có dịp tiếp cận với quan điểm của những nhà triết học thuộc chủ nghĩa duy lý và chủ nghĩa duy nghiệm về vấn đề nhận thức của con người, tư tưởng chính trị - xã hội của các nhà khai sáng Pháp, đặc biệt tinh thần hoài nghi có phương pháp của Hume và tư tưởng của Rousseau về vấn đề tự do ý chí, nhân phẩm con người đã tác động mạnh đến tư tưởng triết học Kant thời kỳ phê phán. Trước Kant đã có nhiều nghiên cứu về nguồn gốc của nhận thức con người, về cách thức con người có được tri thức khoa học. Tuy nhiên do ảnh hưởng của quan niệm siêu hình và do hạn chế về trình độ khoa học nên các nhà triết học còn chưa hiểu rõ mối quan hệ biện chứng giữa nhận thức cảm tính và nhận thức lý tính, chưa hiểu rõ vai trò của hoạt động thực tiễn đối với quá trình nhận thức. Vì vậy họ thường tách rời nhận thức lý tính với nhận thức cảm tính, nhấn mạnh chỉ một mặt của quá trình nhận thức, hoặc

Tìm luận văn, tài liệu, khoá luận - 2024 © Timluanvan.net