Thành ngữ chỉ tốc độ trong tiếng việt và tiếng anh (dưới góc nhìn của ngôn ngữ văn hóa)

đang tải dữ liệu....

Nội dung tài liệu: Thành ngữ chỉ tốc độ trong tiếng việt và tiếng anh (dưới góc nhìn của ngôn ngữ văn hóa)

z ĐẠI HỌC QUỐC GIA THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH TRƯỜNG ĐẠI HỌC KHOA HỌC XÃ HỘI VÀ NHÂN VĂN  NGUYỄN THỊ HỮU HIỆP THÀNH NGỮ CHỈ TỐC ĐỘ TRONG TIẾNG VIỆT VÀ TIẾNG ANH (DƯỚI GÓC NHÌN CỦA NGÔN NGỮ VĂN HÓA) LUẬN VĂN THẠC SĨ NGÔN NGỮ HỌC THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH - 2014 ĐẠI HỌC QUỐC GIA THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH TRƯỜNG ĐẠI HỌC KHOA HỌC XÃ HỘI VÀ NHÂN VĂN  NGUYỄN THỊ HỮU HIỆP THÀNH NGỮ CHỈ TỐC ĐỘ TRONG TIẾNG VIỆT VÀ TIẾNG ANH (DƯỚI GÓC NHÌN CỦA NGÔN NGỮ VĂN HÓA) Chuyên ngành: Ngôn ngữ học Mã số: 602201 LUẬN VĂN THẠC SĨ NGÔN NGỮ HỌC NGƯỜI HƯỚNG DẪN KHOA HỌC: PGS.TS. TÔ MINH THANH THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH - 2014 LỜI CẢM ƠN Tôi xin bày tỏ lời cám ơn sâu sắc đến PGS.TS. Tô Minh Thanh, người cô kính mến đã tận tình chỉ bảo, hướng dẫn và giúp đỡ tôi hoàn thành luận văn này. Tôi xin gửi lời cảm ơn chân thành đến quý thầy cô trong khoa Văn học – Ngôn ngữ, trường Đại học Khoa học Xã hội & Nhân văn, đặc biệt là TS. Huỳnh Thị Hồng Hạnh, cô đã động viên và giúp đỡ tôi từ lúc bắt đầu hình thành đề tài của luận văn. Ngoài ra, gia đình, bạn bè và quý thầy cô trường THPT Chuyên Lương Văn Chánh, Tp. Tuy Hòa, Phú Yên cũng đã động viên và tạo điều kiện thuận lợi cho tôi trong quá trình làm luận văn. Tôi xin chân thành cảm ơn! Người viết Nguyễn Thị Hữu Hiệp MỤC LỤC MỞ ĐẦU ......................................................................................................................... 1 1. Lý do chọn đề tài ......................................................................................................... 1 2. Lịch sử nghiên cứu đề tài ............................................................................................. 1 3. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu ................................................................................ 3 4. Phương pháp nghiên cứu .............................................................................................. 3 5. Nguồn dữ liệu .............................................................................................................. 4 6. Đóng góp mới của luận văn ......................................................................................... 4 7. Bố cục của luận văn ..................................................................................................... 4 NỘI DUNG ..................................................................................................................... 5 Chương 1: CƠ SỞ LÝ LUẬN VÀ NHỮNG VẤN ĐỀ LIÊN QUAN............................... 5 1.1. Khái quát về thành ngữ ............................................................................................. 5 Khái niệm thành ngữ ............................................................................................. 5 Đặc điểm của thành ngữ ........................................................................................ 7 Phân biệt thành ngữ và tục ngữ ........................................................................... 16 Sự thể hiện đặc trưng văn hóa dân tộc qua thành ngữ ......................................... 19 1.2. Thành ngữ chỉ tốc độ .............................................................................................. 21 1.2.1. Định nghĩa – Các tiêu chí nhận diện .................................................................... 21 Khái niệm biểu trưng trong thành ngữ chỉ tốc độ................................................. 23 1.3. Khái niệm ngôn ngữ – văn hóa ................................................................................ 26 Khái niệm văn hóa .............................................................................................. 26 Quan hệ giữa ngôn ngữ và văn hóa ..................................................................... 28 1.4. Tiểu kết ................................................................................................................... 29 Chương 2: THÀNH NGỮ CHỈ TỐC ĐỘ TRONG TIẾNG VIỆT VÀ TIẾNG ANH 2.1. Đặc điểm cấu trúc của thành ngữ chỉ tốc độ trong tiếng Việt và tiếng Anh .............. 30 2.1.1. Đặc điểm cấu trúc của thành ngữ chỉ tốc độ trong tiếng Việt ................................ 30 2.1.2. Đặc điểm cấu trúc của thành ngữ chỉ tốc độ trong tiếng Anh ................................ 37 2.2. Đặc điểm ngữ nghĩa của thành ngữ chỉ tốc độ trong tiếng Việt và tiếng Anh ........... 46 2.2.1. Đặc điểm ngữ nghĩa của thành ngữ chỉ tốc độ trong tiếng Việt ............................. 46 2.2.2. Đặc điểm ngữ nghĩa của thành ngữ chỉ tốc độ trong tiếng Anh ............................. 50 2.3. Tiểu kết ................................................................................................................... 56 Chương 3: ĐẶC TRƯNG VĂN HÓA CỦA THÀNH NGỮ CHỈ TỐC ĐỘ TRONG TIẾNG VIỆT VÀ TIẾNG ANH ..................................................... 58 3.1. Những thành ngữ chỉ tốc độ giống cả vật biểu trưng lẫn nghĩa biểu trưng ............... 58 3.1.1. Hình ảnh con vật .................................................................................................. 58 3.1.2. Hình ảnh liên quan đến hiện tượng tự nhiên ......................................................... 59 3.1.3. Hình ảnh liên quan đến hoạt động của con người ................................................. 60 3.1.4. Hình ảnh liên quan đến các bộ phận của cơ thể người .......................................... 61 3.2. Những thành ngữ chỉ tốc độ có cùng vật biểu trưng nhưng khác nghĩa biểu trưng ... 62 3.2.1. Hình ảnh con vật .................................................................................................. 62 3.2.2. Hình ảnh liên quan đến các bộ phận của cơ thể người .......................................... 62 3.3. Những thành ngữ chỉ tốc độ có cùng nghĩa biểu trưng nhưng khác vật biểu trưng ... 63 3.3.1. Hình ảnh đồ vật .................................................................................................... 63 3.3.2. Hình ảnh liên quan đến đời sống tâm linh, tín ngưỡng.......................................... 64 3.4. Những thành ngữ chỉ tốc độ đặc trưng riêng của mỗi ngôn ngữ ............................... 65 3.4.1. Những thành ngữ chỉ tốc độ chỉ có trong tiếng Việt ............................................. 65 3.4.2. Những thành ngữ chỉ tốc độ chỉ có trong tiếng Anh ............................................. 72 3.5. Tiểu kết ................................................................................................................... 78 KẾT LUẬN ................................................................................................................... 80 TÀI LIỆU THAM KHẢO.............................................................................................. 85 NGUỒN NGỮ LIỆU MINH HỌA ................................................................................ 92 PHỤ LỤC 1 ................................................................................................................... 94 PHỤ LỤC 2 ................................................................................................................. 101 1 MỞ ĐẦU 1. Lý do chọn đề tài Thành ngữ là một hình thức định danh đặc biệt của ngôn ngữ hàm chứa một lượng lớn thông tin về văn hóa, lịch sử, địa lý, tôn giáo, phong tục tập quán, cách nghĩ,… Trong cuộc sống hàng ngày, để diễn đạt suy nghĩ rõ ràng và hiệu quả hơn, người ta thường xuyên dùng thành ngữ. Là một phần quan trọng trong bất kỳ ngôn ngữ nào, thành ngữ thể hiện trình độ lưu loát, trôi chảy của người sử dụng tiếng. Do vậy, thành ngữ có vai trò đáng kể trong tiếng mẹ đẻ cũng như tiếng nước ngoài. Những người học ngoại ngữ không chỉ biết sử dụng từ để diễn đạt mà còn phải sử dụng tốt cả thành ngữ để hòa nhập vào nền văn hóa của các nước có sử dụng ngoại ngữ ấy. Nhiều nhà nghiên cứu đã khảo sát, phân tích các thành ngữ biểu thị một số chủ đề, chẳng hạn các bộ phận của cơ thể con người, màu sắc, động vật, cảm xúc, thời tiết,… Tuy nhiên, thành ngữ chỉ tốc độ dưới góc nhìn của ngôn ngữ văn hóa chưa được khảo sát nghiên cứu. Thế nên, việc tìm hiểu thành ngữ chỉ tốc độ trong tiếng Việt và tiếng Anh dưới góc nhìn ngôn ngữ văn hóa có thể áp dụng trong giảng dạy để giúp học sinh Việt Nam, đặc biệt là học sinh chuyên Anh nâng cao hiểu biết về thành ngữ, vận dụng chúng trong giao tiếp, viết luận và dịch thuật. Hơn nữa, việc khảo sát hy vọng cung cấp cho người học kiến thức nền tảng về các khía cạnh văn hóa liên quan đến các thành ngữ mà họ đang tiếp cận. Điều được kỳ vọng tìm thấy là những đặc trưng ngôn ngữ – văn hóa của dân tộc Việt Nam và các dân tộc sử dụng tiếng Anh như tiếng mẹ đẻ, sự giống và khác nhau trong quan niệm, liên tưởng ngôn ngữ giữa người Việt và người bản ngữ Anh có liên quan đến cách diễn đạt về tốc độ trong thành ngữ của tiếng Việt và tiếng Anh, hai thứ tiếng thuộc hai loại hình ngôn ngữ khác nhau. Tất cả những lý do trên thôi thúc chúng tôi chọn “Thành ngữ chỉ tốc độ trong tiếng Việt và tiếng Anh (dưới góc nhìn của ngôn ngữ văn hóa)” làm đề tài nghiên cứu của mình. 2. Lịch sử nghiên cứu đề tài Do vị trí quan trọng trong kho từ vựng của một ngôn ngữ, thành ngữ đã thu hút được sự quan tâm của giới nghiên cứu. 2 Ở Việt Nam, thành ngữ tiếng Việt được nhiều nhà ngôn ngữ học nghiên cứu và đã có rất nhiều công trình có giá trị về thành ngữ. Chẳng hạn Về bản chất của thành ngữ so sánh trong tiếng Việt (Hoàng Văn Hành, 1976), Thành ngữ trong tiếng Việt (Hoàng Văn Hành, 1987), Phương pháp trường và việc nghiên cứu thành ngữ Anh – Việt (Phan Văn Quế, 1994), Thành ngữ tiếng Việt nhìn từ góc độ bản sắc văn hóa dân tộc (Nguyễn Xuân Hòa, 1994), Bình diện cấu trúc hình thái – ngữ nghĩa của thành ngữ tiếng Việt, (Nguyễn Công Đức, 1995). Đặc biệt, đáng kể nhất là công trình Đặc trưng văn hóa – dân tộc của ngôn ngữ và tư duy của Nguyễn Đức Tồn. Trong công trình của mình, tác giả đã trình bày khá cặn kẽ về đặc trưng văn hóa dân tộc của ngôn ngữ và tư duy ở người Việt trong sự đối chiếu, so sánh với tiếng Nga về các đặc điểm định danh, ngữ nghĩa của tên gọi động vật, thực vật, bộ phận cơ thể. Tác giả cũng đã nói về biểu trưng của một số tên gọi bộ phận cơ thể trong tiếng Việt… Tiếp theo, có thể kể đến luận văn Thạc sĩ của Đỗ Thị Tuyết Nhung (2005) với đề tài Thành ngữ so sánh và những nét đặc trưng văn hóa dân tộc (đối chiếu tiếng Việt, tiếng Anh và tiếng Nga). Tác giả đã nghiên cứu khá kỹ về ngữ nghĩa văn hóa của thành ngữ so sánh trong tiếng Việt, có sự so sánh với thành ngữ so sánh tiếng Anh và tiếng Nga. Luận án Tiến sĩ của Nguyễn Thanh Tùng (2003) với đề tài Tìm hiểu đặc trưng ngôn ngữ – văn hóa của nhóm từ chỉ động thực vật trong tiếng Việt (so sánh với tiếng Anh). Trong công trình này, Nguyễn Thanh Tùng có một tầm nhìn khá bao quát về từ chỉ động – thực vật trong tiếng Việt. Tác giả so sánh chúng với tiếng Anh trong từ điển giải thích và trong thành ngữ, tục ngữ, tìm ra những nét tương đồng và khác biệt để từ đó thấy được đặc trưng ngôn ngữ – văn hóa của hai loại hình ngôn ngữ và văn hóa khác biệt nhau. Về tiếng Anh, công trình Ngữ nghĩa của thành ngữ – tục ngữ có thành tố chỉ động vật trong tiếng Anh (trong sự so sánh đối chiếu với tiếng Việt), Phan Văn Quế (1996) đã đề cập đến thành tố chỉ động vật trong thành ngữ – tục ngữ tiếng Anh và tiếng Việt nhằm làm sáng tỏ ngữ nghĩa những thành ngữ có thành tố động vật trong tiếng Anh. Ngoài ra, có một số bài nghiên cứu đăng trên các tạp chí chuyên ngành như: - Bình diện văn hóa – ngôn ngữ của nghiên cứu thành ngữ tiếng Việt (Như Ý, Văn hóa Dân gian, số 39, 1992); 3 - Một vài nhận xét về thành ngữ so sánh có tên gọi động vật tiếng Việt (Nguyễn Thúy Khanh, Ngôn ngữ, số 3, 1994); - Các con vật và một số đặc trưng của chúng được cảm nhận từ góc độ dân gian và khai thác để đưa vào kho tàng thành ngữ tiếng Việt (Phan Văn Quế, Ngôn ngữ, số 4, 1995); - Ngựa trong thành ngữ và tục ngữ Việt Nam (Phong Hóa, Ngôn ngữ và Đời sống, số 1+2, 2002); - Tính biểu trưng của thành ngữ tiếng Việt (Phan Xuân Thành, Văn hóa Dân gian, số 31, 1990); - Về đặc điểm ngữ nghĩa của thành ngữ tiếng Anh (Nguyễn Thị Tuyết, Khoa học Xã hội, số 81, 2005); - Thành ngữ tiếng Anh và dạng đặc biệt của nó: cụm động từ – giới từ (Lê Hồng Lan, Ngôn ngữ và Đời sống, số 2, 1996); - Gà, khỉ, chuột, ngựa trong tục ngữ và thành ngữ tiếng Anh và tiếng Việt (Phan Văn Quế, Ngôn ngữ và Đời sống, số 2, 2000); … Như vậy có thể thấy, chưa có một công trình nào nghiên cứu cụ thể về thành ngữ chỉ tốc độ trong tiếng Việt và tiếng Anh dưới góc nhìn của ngôn ngữ văn hóa. Luận văn này, trên cơ sở kế thừa các công trình đi trước, tiến hành thống kê, mô tả và đối chiếu so sánh thành ngữ chỉ tốc độ trong tiếng Việt và tiếng Anh để tìm ra những nét đặc trưng văn hóa của dân tộc Việt Nam và các dân tộc sử dụng tiếng Anh như tiếng mẹ đẻ. 3. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu Đối tượng nghiên cứu của luận văn là đặc trưng ngôn ngữ văn hóa của thành ngữ chỉ tốc độ trong tiếng Việt và tiếng Anh. Phạm vi nghiên cứu của luận văn là thành ngữ chỉ tốc độ trong tiếng Việt và tiếng Anh hiện có trong các từ điển tiếng Việt và tiếng Anh, trong các truyện ngắn, tiểu thuyết, báo, và tạp chí đã xuất bản bằng cả tiếng Việt lẫn tiếng Anh dưới góc nhìn của ngôn ngữ văn hóa. 4. Phương pháp nghiên cứu Được dùng trong luận văn là hai phương pháp sau đây: 4 - Mô tả và phân tích các đặc điểm cấu trúc, đặc điểm ngữ nghĩa và những đặc trưng văn hóa dân tộc thể hiện trong thành ngữ chỉ tốc độ trong tiếng Việt và tiếng Anh; - So sánh, đối chiếu thành ngữ chỉ tốc độ trong tiếng Việt và tiếng Anh để tìm hiểu những nét đặc trưng văn hóa của các dân tộc sử dụng hai ngôn ngữ này. 5. Nguồn ngữ liệu Để khảo sát các thành ngữ chỉ tốc độ, chúng tôi sử dụng các từ điển, các truyện ngắn, tiểu thuyết, báo, tạp chí và một số trang web được viết bằng hai thứ tiếng là Việt và Anh. 6. Đóng góp mới của luận văn Việc nghiên cứu đề tài có những ý nghĩa lý luận và thực tiễn sau: - Góp phần bổ sung những nghiên cứu về thành ngữ học; - Đóng góp vào việc tìm hiểu những đặc trưng ngôn ngữ văn hóa dân tộc thông qua so sánh đối chiếu thành ngữ chỉ tốc độ trong tiếng Việt và tiếng Anh; - Trực tiếp góp phần nâng cao chất lượng giảng dạy tiếng Anh cho người Việt cũng như tiếng Việt cho người bản ngữ Anh; - Tập hợp một khối tư liệu bao quát hơn về các thành ngữ chỉ tốc độ trong tiếng Việt và tiếng Anh hỗ trợ cho việc học tập, giảng dạy và dịch thuật. 7. Bố cục của luận văn Ngoài Mở đầu và Kết luận, luận văn gồm có 3 chương: Chương 1 trình bày các vấn đề tổng quan về thành ngữ và thành ngữ chỉ tốc độ trong tiếng Việt và tiếng Anh như khái niệm, đặc điểm, cách nhận diện thành ngữ, vấn đề biểu trưng và mối quan hệ giữa ngôn ngữ và văn hóa trong thành ngữ. Chương 2 mô tả và thống kê thành ngữ chỉ tốc độ trong tiếng Việt và tiếng Anh, phân tích và so sánh  đối chiếu các đặc điểm cấu trúc, ngữ nghĩa và đặc trưng ngôn ngữ văn hóa của các thành ngữ này. Chương 3 đối chiếu thành ngữ chỉ tốc độ trong tiếng Việt và tiếng Anh, từ đó rút ra những nét tương đồng và dị biệt về ngôn ngữ văn hóa trong các thành ngữ này. Kết quả đối chiếu là những gợi ý về việc dạy tiếng và dịch thuật Anh  Việt cũng như Việt  Anh. 5 NỘI DUNG Chương 1 CƠ SỞ LÝ LUẬN VÀ NHỮNG VẤN ĐỀ LIÊN QUAN 1.1. Khái quát về thành ngữ Tất cả các ngôn ngữ có vốn từ vựng phong phú đều có thành ngữ. Từ vựng càng phong phú, thành ngữ càng nhiều. Trong lời ăn tiếng nói hàng ngày của người dân, thành ngữ thường được điểm xen vào, khiến cho lời nói trở nên sinh động và đậm đà màu sắc dân tộc. Thành ngữ không chỉ có tác dụng làm cho lời văn hay, hình tượng đẹp, mà còn có tác dụng diễn đạt ý tưởng một cách sâu sắc, tế nhị, hàm súc. Các vấn đề như khái niệm thành ngữ, đặc điểm cấu trúc và đặc điểm ngữ nghĩa của thành ngữ, phân biệt thành ngữ với tục ngữ,... đã được các nhà ngôn ngữ học khai thác triệt để. Điều đó cũng thể hiện ở sự đa dạng trong quan niệm về thành ngữ. Chung quanh khái niệm thành ngữ, đã có rất nhiều ý kiến được đưa ra. Tuy các ý kiến còn khác nhau nhưng đã có những quan điểm đồng thuận. 1.1.1. Khái niệm thành ngữ Hiện nay, khái niệm thành ngữ trong tiếng Việt vẫn chưa được các nhà Việt ngữ học thống nhất. Theo định nghĩa trong Tự điển tiếng Việt của Hoàng Phê [39: 899], “thành ngữ là một tập hợp từ cố định đã quen dùng mà ý nghĩa thường không chỉ giải thích được một cách đơn giản bằng nghĩa của các từ tạo nên nó”. Tác giả Nguyễn Công Đức [13: 9] quan niệm “thành ngữ là những cụm từ cố định, là đơn vị có sẵn trong kho từ vựng, có chức năng định danh, tức gọi tên sự vật và phản ánh khái niệm một cách gợi tả và bóng bẩy; có hiệu năng trong giao tiếp và là đơn vị ngôn ngữ  văn hóa”. Nguyễn Như Ý và các đồng tác giả đưa ra một định nghĩa nữa [dẫn theo 10: 15]: “Thành ngữ là cụm từ hay ngữ cố định có tính nguyên khối về ngữ nghĩa, tạo thành một chỉnh thể định danh có ý nghĩa chung khác với tổng số ý nghĩa của các thành tố cấu thành nó, tức là không có nghĩa đen và hoạt động như một từ riêng lẻ trong câu”. 6 Theo Mai Ngọc Chừ, Vũ Đức Nghiệu và Hoàng Trọng Phiến [5: 153-165], “thành ngữ là cụm từ cố định, hoàn chỉnh về cấu trúc ngữ nghĩa. Nghĩa của chúng có tính hình tượng hoặc/và gợi cảm”. Còn tác giả Hoàng Văn Hành trong Thành ngữ học tiếng Việt [19: 27] định nghĩa “thành ngữ là một loại tổ hợp từ cố định, bền vững về hình thái  cấu trúc, hoàn chỉnh bóng bẩy về ý nghĩa, được sử dụng rộng rãi trong giao tiếp hàng ngày, đặc biệt là trong khẩu ngữ”. Như vậy, có thể thấy rằng, tuy quan điểm của các nhà Việt ngữ học về thành ngữ khá đa dạng và phong phú nhưng tựu chung, đều thống nhất ở một số điểm:  Thành ngữ là cụm từ cố định;  Có hình thái cấu trúc tương đối bền vững;  Có chức năng định danh;  Có ý nghĩa bóng bẩy, giàu sắc thái biểu cảm. Trong tiếng Anh, các nhà ngôn ngữ học cũng đưa ra nhiều định nghĩa khác nhau. Mặc dù hầu hết các nhà nghiên cứu đều chia sẻ cùng quan niệm, nhưng quan điểm đối lập là không thể tránh khỏi và điều này được phản ánh trong các định nghĩa sau: Quan điểm của Crystal trong A Dictionary of Linguistics and Phonetics [67: 181] thì “thành ngữ là một thuật ngữ trong ngữ pháp và từ điển học để chỉ một cụm từ hạn chế về ngữ nghĩa và cú pháp, và chúng hoạt động như một đơn vị riêng biệt1”. Trong quyển An Introduction to Language [89: 231], thành ngữ được định nghĩa là “cụm từ cố định gồm nhiều hơn một từ, mà ý nghĩa của nó không thể suy ra từ nghĩa của các từ riêng lẻ2”. Các tác giả Fromkin, Rodman, Collin và Blair trong công trình này đưa ví dụ minh họa như haul over the coal (chỉ trích nặng nề, mắng nhiếc), eat my hat (biểu lộ thái độ không tin tưởng việc gì, đi lộn đầu xuống đất), put his foot in his mouth (tự há miệng mắc quai, nói lỡ lời), snap out of it (chừa một thói quen, bỏ một tính xấu), cut it out (thôi đi),… 1 Idiom is a term in grammar and lexicography to refer to a sequence of words which is semantically and often syntactically restricted, so that they function as a single unit. 2 fixed phrases, consisting of more than one word, with meaning that cannot be inferred from the meaning of the individual words 7 Theo định nghĩa trên trang www.britishcouncil.org, “thành ngữ là cụm từ hoặc câu có nghĩa khác với nghĩa đen. Ngay cả khi biết nghĩa các từ trong thành ngữ, bạn có thể vẫn không hiểu được ý nghĩa thành ngữ do không hiểu nền văn hóa đằng sau thành ngữ ấy3”. Cambridge International Dictionary of Idioms [76: 701] định nghĩa thành ngữ là “một nhóm từ cố định có ý nghĩa riêng, khác với nghĩa của các thành tố cấu thành nó4”. Seidl và McMordie [71: 13] cho biết, “thành ngữ có thể định nghĩa là một số các từ, khi đi với nhau, có nghĩa khác với nghĩa của mỗi từ riêng lẻ5”. Tác giả của English Idioms in Use [75: 4] cũng có quan niệm tương tự: “Thành ngữ là những cụm từ cố định mà nghĩa của chúng không được trực tiếp nhận ra từ nghĩa của các từ riêng lẻ trong thành ngữ6”. Tổng hợp những định nghĩa của các nhà Anh ngữ học, có thể nhận thấy một số điểm chung về thành ngữ tiếng Anh như sau:  Thành ngữ là cụm từ cố định;  Có nghĩa khác tổng số nghĩa của các thành tố cấu thành nó;  Nghĩa của thành ngữ gắn với văn hóa dân tộc. Như vậy, dù có nhiều góc nhìn khác nhau trong các định nghĩa về thành ngữ, song các nhà Việt ngữ học và Anh ngữ học đều có chung quan điểm rằng thành ngữ là một cụm từ cố định có kết cấu vững chắc và ý nghĩa không phải là sự kết hợp nghĩa của các thành tố cấu thành nó. 1.1.2. Đặc điểm của thành ngữ 1.1.2.1. Đặc điểm cấu trúc Với cách hiểu thông thường, thành ngữ là những ngữ có kết cấu chặt chẽ và ổn định. Trong tiếng Việt cũng như tiếng Anh, thành ngữ là một loại tổ hợp từ cố định có 3 Idioms are phrases and sentences that do not mean exactly what they say. Even it you know meaning of every word in the see of hear, you may not understand the idiom because you do not understand the culture behind it. 4 a group of words in a fixed order having a particular meaning, different from the meanings of each word understood on his own 5 An idiom can be defined as a number of words which, when taken together, have a different meaning from the individual meanings of each word. 6 Idioms are fixed of expressions whose meaning is not immediately obvious from looking at the individual words in the idiom. 8 những đặc điểm riêng. Trước hết, đó là tính bền vững về hình thái – cấu trúc. Tính bền vững này biểu hiện ở mấy điểm cụ thể sau đây: a. Không thể thay thế Thành phần từ vựng của thành ngữ, nhìn chung là ổn định. Sự ổn định về thành phần từ vựng tham gia tạo nên thành ngữ nhiều khi chặt chẽ đến mức chúng ta không thể thay thế bằng từ tương tự. Ví dụ: nói toạc móng heo, chứ không ai dùng nói toạc móng lợn mặc dù lợn cũng là heo; hoặc trong tiếng Anh, không thể chấp nhận khi nói go like the breeze thay cho go like the wind (chạy như gió, chạy rất nhanh). b. Không thể thay đổi Nói như Hoàng Văn Hành [16: 26], “tính ổn định về cấu trúc của thành ngữ thể hiện ở sự bất biến, hay sự đông cứng về trật tự giữa các thành tố”. Chúng ta không thể tùy tiện thay đổi trật tự hoặc chuyển đổi cú pháp của thành ngữ. Chẳng hạn, mát mặt hay mát mày mát mặt khác về bản chất so với mặt mát; like wildfire (như chất cháy; nhất là về tin tức hoặc bệnh tật, lan truyền nhanh chóng) là thành ngữ, nhưng like bad wildfire thì không. Với thành ngữ Anh, sự giới hạn về qui tắc ngữ pháp có thể thấy được qua danh từ và động từ. Số của danh từ phải được giữ ở dạng ban đầu nhưng thì của động từ có thể thay đổi. Chẳng hạn, thành ngữ break the record (di chuyển rất nhanh) vẫn duy trì ý nghĩa thành ngữ của nó khi nói broke the record, nhưng mất nghĩa trong break the records (phá các kỉ lục). c. Không thể sắp xếp lại Người ta không thể thay đổi vị trí của các thành tố trong thành ngữ, như fast and furious (nói về trò chơi/thú giải trí, vừa nhanh vừa náo nhiệt) không thể đổi thành furious and fast. Trong tiếng Việt, thành ngữ ba chân bốn cẳng không nói thành bốn cẳng ba chân hoặc người ta thường nói lên voi xuống chó chứ không ai nói lên chó xuống voi. Điều này là do tính vần điệu và quan hệ đối quy định nên. d. Không thể lược bỏ Chúng ta cũng không thể bỏ qua một trong những thành tố cấu thành thành ngữ. Chạy vắt chân lên cổ là thành ngữ nhưng chạy vắt chân cổ thì không phải; thành ngữ Anh 9 quick as a dog can lick a dish (nhanh như chó liếm đĩa; làm việc gì rất nhanh, đột ngột) không thể rút gọn thành quick as a dog lick a dish. Thành ngữ tiếng Anh có nhiều dạng và nhiều cấu trúc khác nhau. Một thành ngữ có thể có cấu trúc mang tính có quy tắc hoặc không có quy tắc, thậm chí là không đúng cấu trúc ngữ pháp. Như Cruse đã trình bày trong Lexical Semantics [66: 37], “hầu hết các thành ngữ giống cách phát âm nhưng không trùng về nghĩa hoặc cách viết với các cụm từ đúng ngữ pháp7”. Một số thành ngữ như by and large (nhìn chung, rút cục) và far and away (hơn hẳn, không thể so sánh được) lại vi phạm về cú pháp. Sự rõ ràng của nghĩa thành ngữ không phụ thuộc vào “tính đúng ngữ pháp”. Chẳng hạn: - Hình thức bất quy tắc, nghĩa rõ ràng như trong give someone to understand (giải thích cho ai hiểu), do some proud (trọng vọng, trọng đãi), do the dirty on someone (cư xử không công bằng hoặc rất tệ với ai),… - Hình thức có quy tắc, nghĩa mơ hồ như trong have a bee in one’s bonnet (nung nấu trong đầu một ý nghĩ), cut no ice (không gây cho ai đó thay đổi quan điểm hoặc quyết định), bring the house down (làm cho cả rạp vỗ tay nhiệt liệt),… - Hình thức bất quy tắc, nghĩa mơ hồ như trong be at large (chi tiết, dài dòng), go great guns (sinh động và đạt hiệu quả cao), be at daggers drawn (đối chọi, thù nghịch),… Theo các tác giả của English Idioms in Use [43: 4], hầu hết thành ngữ tiếng Anh thuộc nhóm thứ hai, hình thức là có quy tắc nhưng nghĩa lại không rõ ràng. Tuy nhiên, ngay trong nhóm này cũng có những thành ngữ có nghĩa khá hiển nhiên. Chẳng hạn thành ngữ to give someone the green light có thể đoán được nghĩa là “cho phép ai đó bắt đầu”. Những thành ngữ khác quá khó để đoán được nghĩa bởi vì ở đây không có sự liên hợp với nghĩa gốc của các từ riêng lẻ. Ví dụ như to tell someone where to get off (khiển trách, chỉ trích ai một cách cay nghiệt), to carry the can (chịu trách nhiệm, gánh trách nhiệm), to drop a brick (hớ, phạm sai lầm), to call the shots (chỉ huy, điều khiển, làm tướng),… Rõ ràng “tính ổn định, đông cứng về thành phần từ vựng và cấu trúc của thành ngữ hình thành là do thói quen sử dụng của người bản ngữ” [16: 26]. Vào thời kỳ xa xưa, 7 Most idioms are homophonous with grammatical well-formed transparent expressions. 10 thành ngữ mà ta sử dụng ngày nay cũng chỉ là những cụm từ tự do. Song, trong cuộc sống hàng ngày, nó được lặp lại nhiều lần trong lời nói với sự chuyển di ngữ nghĩa nhất định và đã được người dân bản ngữ quen dùng. Vì vậy, dạng ổn định của thành ngữ là dạng chuẩn, mang tính xã hội cao. Trong thực tế ngôn ngữ, có những trường hợp tính cố định về cấu trúc của thành ngữ đạt đến mức bất di bất dịch. Seidl và McMordie [71: 15] cũng cho rằng không thể thay đổi bất kì thành phần nào trong thành ngữ (trừ trường hợp một vài thành ngữ có biến thể), chẳng hạn thành ngữ eat one’s words (rút lại lời đã nói) thì không thể nói eat one’s sentences hoặc swallow one’s words. Tuy nhiên, cụm từ cố định có thể được hiểu ở mức tương đối, cái dạng chuẩn của thành ngữ không phải là cái “chết cứng” mà nó được sử dụng uyển chuyển, linh hoạt trong sinh hoạt hàng ngày, đặc biệt là trong văn thơ. Nói là chuẩn, nghĩa là có bắt buộc, có tính qui định của xã hội, nhưng không hề hạn chế sự sáng tạo của các cây bút tài năng và độc đáo. Chẳng hạn, thành ngữ châu chấu đá xe xuất hiện trong câu ca dao Việt Nam, thơ của Nguyễn Công Trứ, Nguyễn Khuyến và Hồ Chí Minh: (a) Nực cười châu chấu đá xe, Tưởng rằng chấu ngã, ai dè xe nghiêng. [Ca dao] (b) Dẫu có thiêng liêng đành phận gái, Lẽ nào châu chấu đấu ông voi. [Nguyễn Công Trứ] (c) Châu chấu làm sao dám đá voi, Xem ra nghĩ cũng nực phì cười. [Nguyễn Khuyến] (d) Lực lượng ta và địch so le nhiều như thế, cho nên lúc đó có nhiều người cho rằng: Cuộc kháng chiến của ta là châu chấu đá voi. [Hồ Chí Minh] Thành ngữ trên được nhân dân và các nhà thơ, nhà văn sử dụng một cách độc đáo nhằm đạt hiệu quả cao hơn trong cách thể hiện tư tưởng và tình cảm của mình. Ngoài ra, trong cả tiếng Việt và tiếng Anh, một số thành ngữ có nhiều biến thể. Có cùng nghĩa trong tiếng Việt là lò dò như cò ăn đêm, lò dò như cò phải bão, và lò dò như cò bắt tép; hiện tượng này cũng tìm thấy trong lật mặt như trở bàn tay và lật lọng như trở bàn tay. Thành ngữ tiếng Anh có like lightning, like greased lightning, hoặc (as) quick as greased lightning đều có nghĩa là “nhanh như chớp”; trái lại, snail’s pace và at a snail’s pace đều có nghĩa là “chậm như sên”. 11 Chính vì thế, tính bền vững và tính uyển chuyển của thành ngữ trong sử dụng là hai mặt không hề mâu thuẫn nhau. 1.1.2.2. Đặc điểm ngữ nghĩa Thành ngữ là đơn vị từ vựng mà khi sử dụng, ta phải dùng nguyên khối. Nghĩa của thành ngữ nằm tiềm ẩn trong lớp vỏ bọc ngoài. Hầu hết các nhà Việt ngữ học và Anh ngữ học đều ghi nhận nghĩa của thành ngữ không phải là con số cộng đơn giản và trực tiếp ý nghĩa của các thành tố mà được hình thành trên cơ sở khái quát và tổng hợp ý nghĩa biểu trưng của các thành tố cấu tạo. Về phương diện này, có thể nhận thấy rõ nhất khi người không bản ngữ học tiếng Anh. Chẳng hạn, thành ngữ to kick the bucket có nghĩa là “chết”. Do vậy, người nghe mặc dù hiểu nghĩa của từ kick (đá) và bucket (thùng, xô) nhưng vẫn không thể dễ dàng lĩnh hội nghĩa của cả thành ngữ ấy. Thành ngữ Việt ngứa mồm ngứa miệng không có nghĩa là “miệng đang bị ngứa cần được gãi” mà là chỉ “những người thích nói choa vào việc của người khác mặc dù không có liên quan gì đến mình”. Thành ngữ là đơn vị ngôn ngữ có chức năng định danh. Nghĩa là nó có nhiệm vụ chỉ tên sự vật, hiện tượng, tính chất và trạng thái. Ví dụ: nước mắt cá sấu là “nước mắt giả dối”; như nước vỡ bờ nghĩa là “với khí thế mạnh, không gì có thể ngăn nổi”; hoặc a willing horse trong tiếng Anh chỉ “người làm việc tự nguyện vui vẻ”. Từ cũng giữ chức năng định danh, nhưng nghĩa định danh của thành ngữ khác nghĩa định danh của từ. Đó là, cả từ và thành ngữ đều chỉ sự vật nhưng thành ngữ chỉ sự vật một cách gợi tả, bóng bẩy. Theo Hoàng Văn Hành [16: 25], “đặc trưng nổi bật của thành ngữ là tính hoàn chỉnh và bóng bẩy về nghĩa”. Ông gọi thành ngữ là các đơn vị định danh bậc hai nên nghĩa của nó có tính bóng bẩy. Tác giả kết luận “thành ngữ là loại đơn vị từ vựng có lượng nghĩa đôi”. Nghĩa đen (tầng nghĩa thứ nhất) là cơ sở, là gốc; nghĩa bóng (tầng nghĩa thứ hai) là nghĩa hình thành nhờ quá trình biểu trưng hóa, chủ yếu là dưới hình thức ẩn dụ và hình thức so sánh. Ví dụ cá nằm trên thớt có tầng nghĩa thứ nhất chỉ “con cá ở trạng thái đang nằm trên thớt, sắp bị kết thúc cuộc đời”. Nhưng người Việt thường dùng thành ngữ này với tầng nghĩa thứ hai được hiểu là “đang lâm vào tình thế nguy hiểm” mà trạng thái cá nằm trên thớt biểu trưng. Thành ngữ Anh check is in the email có tầng nghĩa thứ nhất là “ngân phiếu đang được chuyển đến bằng đường bưu điện” nhưng người Anh hiểu theo tầng nghĩa thứ hai, ngược lại rằng “ngân phiếu chưa được gửi đến và có thể không bao 12 giờ được gửi đến”. Thành ngữ chỉ những người chậm thanh toán, nợ nần, hay hẹn rày hẹn mai rồi sau đó lại đổ thừa cho bưu điện đánh mất ngân phiếu. Ta hiểu đây là kiểu hứa lèo. Ngoài những đặc điểm trên, Nguyễn Công Đức [13: 35] nhấn mạnh “thành ngữ còn có những dấu ấn của một đơn vị văn hóa, còn tiềm ẩn, trầm tích những đặc điểm văn hóa dân tộc”. Nguyễn Thị Tuyết, trong bài viết Về đặc điểm ngữ nghĩa của thành ngữ tiếng Anh [53: 65], góp thêm ý kiến về bình diện văn hóa của thành ngữ tiếng Anh: “Mỗi thành ngữ là một thế giới về nghĩa, là sự tri nhận dưới sự chi phối của cả một nền văn hóa”. Đặc trưng văn hóa dân tộc của thành ngữ được biểu hiện trong ý nghĩa biểu trưng của thành ngữ. Ấy là việc sử dụng những vật biểu trưng và những khái niệm biểu trưng của sự vật. Phân tích sự vật và ý nghĩa biểu trưng trong thành ngữ để thấy được những nét độc đáo, đặc trưng của mỗi dân tộc. Với người Anh, họ nổi tiếng về thích cưỡi ngựa, đua ngựa (câu lạc bộ đua ngựa của Anh được thành lập cách đây hơn 250 năm), nhận thấy ngựa có sức ăn rất lớn, nên một người eat like a horse (ăn như ngựa) được coi là người ăn khỏe lắm, kiểu như rồng cuốn của người Việt. Thực phẩm chính của người Việt Nam là gạo, còn của người Anh là ngô, lúa mì, khoai tây,… Người Việt ăn cơm, còn người Anh ăn bánh mì, bơ, sữa, bánh ngọt,… Bởi thế, thành ngữ Anh có câu corn is the staff of life (corn: ngô, the staff of life: bánh mì – coi như thức ăn cơ bản nuôi sống con người) tương tự với thành ngữ Việt cơm tẻ mẹ ruột. Qua các ví dụ trên ta thấy, thành ngữ là một đơn vị ngôn ngữ đồng thời là một thành tố văn hóa nên nó mang trong mình những đặc trưng văn hóa dân tộc, những biểu tượng dân tộc. Tổng kết một số công trình nghiên cứu về thành ngữ, chúng tôi đúc rút các đặc điểm về nghĩa thành ngữ như sau: a. Nghĩa của thành ngữ là một chỉnh thể hoàn chỉnh, không phải do nghĩa các thành tố tạo nên nó cộng lại; b. Nghĩa của thành ngữ biểu thị, phản ánh các sự vật hay khái niệm; c. Nghĩa của thành ngữ có tính bóng bẩy, gợi tả; d. Nghĩa của thành ngữ còn thể hiện đặc trưng văn hóa dân tộc. Trong khuôn khổ của luận văn này, chúng tôi quan tâm nhiều đến các yếu tố có tính biểu trưng và những yếu tố gắn liền với văn hóa, lịch sử, phong tục tập quán, tư duy dân tộc,… của thành ngữ. 13 1.1.2.3. Phương thức chuyển nghĩa Nghĩa là nội dung diễn đạt của một đơn vị thành ngữ, tuy nhiên, nghĩa của thành ngữ là sản phẩm của cả quá trình chuyển nghĩa. Có nhiều phương thức chuyển nghĩa trong thành ngữ nhưng các phương thức phổ biến mà chúng ta thường gặp nhất là so sánh, ẩn dụ và ngoa dụ. a. So sánh Phép so sánh là đem sự vật, hiện tượng này đặt bên cạnh một sự vật, hiện tượng khác để thấy sự giống và khác nhau, sự hơn kém nhau giữa chúng. Đinh Trọng Lạc và Nguyễn Thái Hòa [28: 53] có chung quan niệm: “So sánh là phương thức diễn đạt tu từ khi đem sự vật này đối chiếu với sự vật khác miễn là giữa hai sự vật có một nét tương đồng nào đó, để gợi ra hình ảnh cụ thể, những cảm xúc thẩm mỹ trong nhận thức của người đọc, người nghe”. Hay nói như Hoàng Văn Hành [19: 31], so sánh là “phương thức biểu đạt bằng ngôn từ một cách hình tượng dựa trên cơ sở đối chiếu hai hiện tượng có những dấu hiệu tương đồng nhằm làm nổi bật đặc điểm, thuộc tính của hiện tượng này qua đặc điểm, thuộc tính của hiện tượng kia”. Chúng ta có rất nhiều thành ngữ mang hình thức so sánh trực tiếp như chạy như ngựa, như tằm ăn rỗi, lừ đừ như ông từ vào đền trong tiếng Việt, hoặc quick as a bunny (nhanh như thỏ), like lightning (như chớp) trong tiếng Anh. Chính hình thức so sánh đã đem lại cho thành ngữ những hình ảnh kỳ dị và ngộ nghĩnh, có tác dụng gợi hình và truyền cảm mạnh mẽ. Nếu nói “đủng đỉnh” thì người nghe mới chỉ có khái niệm về sự chậm chạp một cách chung chung. Nhưng nếu nói đủng đỉnh như chĩnh trôi sông thì người nghe thấy được sâu sắc và cụ thể về tác phong chậm chạp đó. b. Ẩn dụ Trong các tài liệu nghiên cứu về ẩn dụ trong và ngoài nước, ẩn dụ thường được coi là cách thức chuyển đổi tên gọi dựa trên sự so sánh ngầm giữa hai sự vật có sự tương đồng hay giống nhau. Theo Reformatxkij [dẫn theo 50: 1] thì “ẩn dụ theo nghĩa chiết tự là “sự chuyển đổi”, là trường hợp chuyển nghĩa điển hình nhất. Sự chuyển nghĩa theo ẩn dụ dựa trên sự giống nhau của các sự vật về màu sắc, hình thức, đặc tính vận động,...” 14 Các nhà ngôn ngữ học Việt Nam cũng có quan điểm tương tự. Nguyễn Thiện Giáp [15: 162] cho rằng “ẩn dụ là sự chuyển đổi tên gọi dựa vào sự giống nhau giữa các sự vật hoặc hiện tượng được so sánh với nhau”. Theo Đinh Trọng Lạc và Nguyễn Thái Hòa [28: 194], “phép ẩn dụ là phương thức chuyển nghĩa của một đối tượng này thay cho đối tượng khác khi hai đối tượng có một nét nghĩa tương đồng”. Hữu Đạt [11: 302] cũng quan niệm “ẩn dụ là kiểu so sánh không nói thẳng ra. Người tiếp nhận văn bản khi tiếp cận với phép ẩn dụ phải dùng năng lực liên tưởng để quy chiếu giữa các yếu tố hiện diện trên văn bản với các sự vật, hiện tượng tồn tại ngoài văn bản. Như vậy, thực chất của phép ẩn dụ chính là việc dùng tên gọi này để biểu hiện sự vật khác dựa trên cơ chế tư duy và ngôn ngữ dân tộc”. Vậy xét về bản chất, ẩn dụ cũng là so sánh, nhưng đây là so sánh ngầm, từ so sánh không hề hiện diện. Có nhiều kiểu giống nhau giữa các sự vật, hiện tượng được đem ra so sánh nên có nhiều kiểu ẩn dụ. Tác giả Đỗ Hữu Châu [2] phân chia ẩn dụ từ vựng làm hai loại: “ẩn dụ cụ thể  cụ thể và cụ thể  trừu tượng”. Trong hai kiểu ẩn dụ trên, chúng tôi nhận thấy, hiện tượng chuyển nghĩa theo kiểu ẩn dụ từ cụ thể đến trừu tượng đặc trưng cho sự chuyển nghĩa của thành ngữ. Ví dụ: Dẫu sao cũng phải có bột mới gột nên hồ. “Bột” ở đây chính là tài năng của mỗi học sinh, là điều kiện và môi trường học tập của họ, là đội ngũ thầy giáo có kinh nghiệm, là sự quan tâm chăm sóc và đầu tư của gia đình và xã hội… [Báo Lao động, 11/02/2007]. c. Ngoa dụ Ngoa dụ là việc dùng từ ngữ hay cách diễn đạt để nhân lên gấp nhiều lần những thuộc tính của khách thể hoặc hiện tượng nhằm mục đích làm nổi bật bản chất của đối tượng cần miêu tả, gây ấn tượng đặc biệt mạnh mẽ. Chẳng hạn khi nói về tính keo kiệt bủn xỉn, người ta thường dùng các thành ngữ như vắt cổ chày ra nước, rán sành ra mỡ,… Rõ ràng đây là lời nói khoa trương phóng đại, nhưng sự khoa trương phóng đại ở đây không hề bóp méo bản chất của sự vật. Trái lại, nó càng làm nổi rõ bản chất của đối tượng miêu tả. Các thành ngữ như vắt chân lên cổ, chó có váy lĩnh, ruột héo xương mòn,… đều nằm trong hình thức ngoa dụ đấy. Nguyễn Văn Mệnh [33: 19] đã khẳng định: “Có thể coi 15 những thành ngữ có hình thức ngoa dụ là những kính hiển vi có độ phóng đại lớn, trên đó, bản chất của sự vật được hiện nguyên hình, không một chút lẩn tránh”. Thế nên, ngoa dụ (phóng đại, khoa trương, thậm xưng) là cách thức dựa trên cơ sở phóng đại, dùng lối nói cường điệu một mức độ, tính chất, đặc điểm nào đó của đối tượng nhằm mục đích làm nổi bật bản chất của đối tượng cần miêu tả, tăng thêm tính biểu cảm của lời nói. 1.1.2.4. Trường ngữ nghĩa Trường ngữ nghĩa là một khái niệm trong từ vựng học. Các đơn vị từ vựng không tồn tại tách biệt, rời nhau mà luôn có những mối quan hệ nhất định. Một trong những mối quan hệ mà các nhà ngôn ngữ học thường tập trung làm rõ là quan hệ về nghĩa giữa các đơn vị từ vựng. Các từ ngữ đồng nhất về nghĩa được tập trung thành các nhóm được gọi là trường ngữ nghĩa (hay là trường từ vựng hoặc trường từ vựng  ngữ nghĩa). Theo tác giả Đỗ Hữu Châu [2: 171], “mỗi tiểu hệ thống là một trường ngữ nghĩa. Đó là một tập hợp từ đồng nhất với nhau về ngữ nghĩa”. Richard, Platt J. và Platt H. [62: 211] định nghĩa trường ngữ nghĩa là “tập hợp các từ và cụm từ có liên quan thành một hệ thống với những mối quan hệ với nhau8”. Chẳng hạn, trường nghĩa “đồ dùng” là một tập hợp các từ có chung nét nghĩa khái quát trên như bàn, ghế, tủ, giường, sách, cặp, bút, kệ, chiếu, chăn, áo, quần, thìa, chén, dao, kéo,… Khi phân lập các trường nghĩa, chúng ta chỉ chú ý đến nghĩa của từ, không chú ý đến từ. Bởi vậy, một từ có thể nằm ở nhiều trường nghĩa khác nhau nếu từ đó có nhiều nghĩa. Ví dụ như từ “xuân” có bao nhiêu nghĩa sẽ nằm ở bấy nhiêu trường nghĩa: - Xuân, hạ, thu, đông (xuân: mùa chuyển tiếp từ đông sang hạ, được coi là mở đầu một năm); - Xuân, tuổi, tuổi ta, tuổi tây, tuổi tác,… (xuân: năm, dùng để tính thời gian đã trôi qua hay tuổi con người); - Xuân, trẻ, trẻ trung, trẻ măng, trung niên, già,… (xuân: thuộc về tuổi trẻ, coi là tươi đẹp, tràn đầy sức sống). 8 the organization of related words and expressions into a system which shows their relationship to one another

Tìm luận văn, tài liệu, khoá luận - 2024 © Timluanvan.net