Nghiên cứu, lý luận, phê bình văn học trên công luận báo và nam kỳ địa phận

đang tải dữ liệu....

Nội dung tài liệu: Nghiên cứu, lý luận, phê bình văn học trên công luận báo và nam kỳ địa phận

ĐẠI HỌC QUỐC GIA THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH TRƯỜNG ĐẠI HỌC KHOA HỌC XÃ HỘI VÀ NHÂN VĂN NGUYỄN THANH THẢO NGHIÊN CỨU, LÝ LUẬN, PHÊ BÌNH VĂN HỌC TRÊN CÔNG LUẬN BÁO VÀ NAM KỲ ĐỊA PHẬN LUẬN VĂN THẠC SĨ NGỮ VĂN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH - NĂM 2014 ĐẠI HỌC QUỐC GIA THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH TRƯỜNG ĐẠI HỌC KHOA HỌC XÃ HỘI VÀ NHÂN VĂN NGUYỄN THANH THẢO NGHIÊN CỨU, LÝ LUẬN, PHÊ BÌNH VĂN HỌC TRÊN CÔNG LUẬN BÁO VÀ NAM KỲ ĐỊA PHẬN Chuyên ngành: Văn học Việt Nam Mã số : 60.22.34 LUẬN VĂN THẠC SĨ NGỮ VĂN NHDKH: PGS. TS. VÕ VĂN NHƠN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH - NĂM 2014 XÁC NHẬN CHỈNH SỬA LUẬN VĂN CHỦ TỊCH HỘI ĐỒNG GIẢNG VIÊN HƯỚNG DẪN PGS. TS Nguyễn Thị Thanh Xuân PGS. TS Võ Văn Nhơn LỜI CẢM ƠN Để có được luận văn hoàn thành như hiện nay, trước tiên, tôi xin gửi lời cảm ơn đến đội ngũ các cán bộ, nhân viên Thư viện Trường đại học Khoa học Xã hội & Nhân văn TP. HCM; Thư viện Tổng hợp TP. HCM và Thư viện quốc gia Việt Nam. Một trong những nhân tố có ảnh hưởng rất lớn đến thành quả của tôi ngày hôm nay chính là những người bạn của hai lớp Cao học Văn học Việt Nam đợt 1 và đợt 2 (2011 – 2013). Những sự động viên, chia sẻ kịp thời luôn là nguồn cổ vũ tinh thần rất lớn cho tôi trong suốt thời gian theo học tại trường. Tôi xin dành lời tri ân chân thành đến thầy Võ Văn Nhơn cùng các thầy, cô, cán bộ Khoa Văn học và Ngôn ngữ đã tận tâm hướng dẫn, giúp đỡ tôi về tài liệu cũng như các vấn đề phát sinh trong suốt quá trình làm luận văn. Những định hướng và trợ giúp khoa học ấy đã góp phần giúp tôi bổ sung những phẩm chất tốt của người làm công tác nghiên cứu. Lời biết ơn sâu sắc nhất tôi xin được gửi đến người thân trong gia đình tôi. Đó là nguồn cổ vũ rất lớn cho tôi về cả tinh thần và vật chất, giúp tôi có thêm niềm tin vững bước đến ngày hôm nay. Thành phố Hồ Chí Minh, ngày… tháng… năm 2014 Nguyễn Thanh Thảo LỜI CAM ĐOAN Tôi xin cam đoan đây là công trình nghiên cứu của riêng tôi. Các số liệu, kết quả nêu trong Luận văn là trung thực và chưa từng được ai công bố trong bất kỳ công trình nào khác. Tác giả luận văn Nguyễn Thanh Thảo MỤC LỤC DẪN NHẬP ........................................................................................................................... 1 1. Lý do chọn đề tài và mục đích nghiên cứu .................................................................... 1 2. Lịch sử nghiên cứu vấn đề ............................................................................................ 3 3. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu ...................................................................................10 4. Phương pháp nghiên cứu ...............................................................................................11 5. Những đóng góp của luận văn ........................................................................................12 CẤU TRÚC LUẬN VĂN .....................................................................................................13 CHƯƠNG 1: NHỮNG VẤN ĐỀ CHUNG ............................................................................14 1.1. Hoàn cảnh chính trị, xã hội và văn hóa ở Nam Kỳ và sự phát triển của nền báo chí đương thời..........................................................................................................................14 1.1.1. Những năm cuối thế kỷ XIX (1865 – 1900) ...........................................................14 1.1.1.1. Thời kỳ của “gót sắt thực dân” tại Nam Kỳ. ....................................................14 1.1.1.2. Báo chí ra đời do “nhu cầu thống trị và xâm lăng văn hóa của chủ nghĩa thực dân” .............................................................................................................................15 1.1.2. Giai đoạn 1900 – 1930 .........................................................................................18 1.1.2.1. Cơ cấu xã hội biến đổi mạnh mẽ theo các cuộc khai thác thuộc địa của thực dân...............................................................................................................................18 1.1.2.2. Vai trò quan trọng của báo chí dần được xác lập .............................................21 1.1.3. Giai đoạn 1930 – 1945 ..........................................................................................23 1.1.3.1. Phong trào cách mạng lên cao dần thay đổi cục diện xã hội ............................23 1.1.3.2. Nền chính trị sôi động kéo theo phong trào báo chí đa dạng và rộng mở. ........25 1.2. Mối quan hệ mật thiết giữa báo chí và văn chương Nam Kỳ (1900 – 1945) .................27 1.2.1. Văn học trên báo chí những năm cuối thế kỷ XIX: bước đầu hình thành và phát triển 27 1.2.2. Báo chí “chắp cánh” cho văn chương trong những thập niên đầu thế kỷ XX ..........31 1.2.3. 1930 – 1945: Văn học trên báo chí phát triển mạnh mẽ ..........................................34 1.3. Tổng quan về Công luận báo và Nam Kỳ địa phận ......................................................36 1.3.1. Công luận báo - một trong những tờ nhật báo đầu tiên ở nước ta ...........................36 1.3.2. Nam Kỳ địa phận - tờ báo tôn giáo đầu tiên tại Việt Nam ......................................41 CHƯƠNG 2: TÌNH HÌNH NGHIÊN CỨU, LÝ LUẬN VÀ PHÊ BÌNH VĂN HỌC QUA CÔNG LUẬN BÁO VÀ NAM KỲ ĐỊA PHẬN TỪ 1900 - 1945 ..............................................46 2.1. Khái quát chung về nghiên cứu, lý luận, phê bình văn học Nam Kỳ .............................46 2.1.1. Sự chi phối trực tiếp của báo chí và chữ quốc ngữ đến tình hình nghiên cứu, lý luận, phê bình văn học Nam Kỳ ...............................................................................................46 2.1.2. Tình hình nghiên cứu, lý luận, phê bình văn học Nam Kỳ qua các thời kỳ .............50 2.2. Quan niệm về sáng tạo và giá trị văn chương ...............................................................54 2.2.1. Những tố chất cần có của nhà văn..........................................................................54 2.2.2. Cơ sở lý thuyết và cách thức sáng tác văn chương ................................................61 2.2.2.1. Cơ sở lý thuyết ban đầu của văn chương Nam Kỳ ...........................................61 2.2.2.2. Cách thức sáng tác văn chương ......................................................................65 2.2.3. Tính đại chúng – đặc điểm nổi bật của văn chương Nam Kỳ..................................68 2.2.4. Các hạn chế của văn chương..................................................................................72 2.2.5. Các thể loại văn học điển hình trong tương quan với thời đại ................................81 2.2.5.1. Tiểu thuyết Quốc ngữ ......................................................................................81 2.2.5.2. Thơ ca .............................................................................................................86 2.2.6. Cuộc đấu tranh giữa cái mới – cũ trong văn học Nam Kỳ .....................................91 2.2.7 Sự phổ biến chữ Quốc ngữ qua các bài viết trên Nam Kỳ địa phận và Công luận báo 103 TIỂU KẾT .......................................................................................................................... 113 CHƯƠNG 3: ĐÓNG GÓP CỦA NGHIÊN CỨU, LÝ LUẬN, PHÊ BÌNH VÀO TIẾN TRÌNH PHÁT TRIỂN VĂN HỌC CỦA CÔNG LUẬN BÁO VÀ NAM KỲ ĐỊA PHẬN ................... 115 3.1. Sự định hướng tiếp nhận của công chúng với nền văn học mới .................................. 115 3.1.1. Yếu tố truyền thống và hiện đại đan xen lẫn nhau trong phê bình văn học ........... 115 3.1.2. Lý luận: “giải cứu” văn chương .......................................................................... 124 3.1.3. Nghiên cứu, lý luận, phê bình góp phần thúc đẩy tiến trình hiện đại hóa văn chương ở Nam Kỳ ..................................................................................................................... 128 3.2. Các cây bút tiêu biểu ................................................................................................. 132 3.2.1. Nam Kỳ địa phận................................................................................................. 132 3.2.1.1. Hồ Ngọc Cẩn ................................................................................................ 132 3.2.1.2. Phêrô Nghĩa .................................................................................................. 136 3.2.2. Công luận báo ..................................................................................................... 137 3.2.2.1. Lê Văn Hòe (Vân Hạc) .................................................................................. 137 3.2.2.2. Thứ Khanh .................................................................................................... 142 3.3. Các cuộc tranh luận, bút chiến trên Công luận báo ..................................................... 146 TIỂU KẾT .......................................................................................................................... 151 KẾT LUẬN......................................................................................................................... 153 TÀI LIỆU THAM KHẢO ................................................................................................... 156 1 DẪN NHẬP 1. Lý do chọn đề tài và mục đích nghiên cứu Từ xưa đến nay, văn chương luôn chiếm một vị trí quan trọng không thể thay thế trong đời sống tinh thần của nhân dân ta. Từ những ý niệm sơ giản ban đầu của việc muốn thể hiện cảm xúc, suy nghĩ của mình trước cuộc sống đến những tác phẩm mang tầm vóc của một thời đại văn hóa, thế hệ con người… càng làm giàu thêm nền văn chương của nước ta. Lịch sử văn học Việt Nam ghi nhận những thành tựu ấy với hàng chục thể loại, hàng trăm tác giả qua nhiều thời kỳ thăng trầm của đất nước. Mỗi giai đoạn, tuy có những khác biệt cơ bản về hình thức hay nội dung nhưng nhìn chung, những đóng góp của đội ngũ sáng tác cho đến nay đã ngày càng hoàn thiện hơn bộ mặt muôn màu của văn chương. Sự đa dạng từ thể tài đến phong cách của mỗi tác giả càng tạo cho người đọc thêm nhiều sự lựa chọn phong phú. Sự hô ứng ngày càng nhuần nhuyễn giữa lĩnh vực sáng tác và nghiên cứu, lý luận, phê bình văn học vào nửa đầu thế kỷ XX, đặc biệt là những thập niên 30, 40 của thế kỷ này đã ghi dấu những thành tựu đặc biệt cho văn học Việt Nam. Hoàn cảnh lịch sử xã hội nước ta những năm cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX với sự xâm lược của thực dân Pháp đã gây ra nhiều biến động trong đời sống kinh tế, chính trị cũng như tinh thần, tư tưởng của các tầng lớp nhân dân ta. Các hoạt động chính trị, kinh tế, văn hóa, giáo dục… đều có những thay đổi đáng kể và có tác động, chi phối trực tiếp lẫn nhau. Chính trong giai đoạn này đã có những biến chuyển cơ bản làm thay đổi mạnh mẽ cục diện xã hội nước ta. Lúc này, hàng loạt các thể loại văn chương cùng những tác phẩm điển hình đã ra đời trong sự tiếp biến của văn chương dân tộc và văn chương nước ngoài. Sự pha trộn và thấm nhuần của truyền thống văn học hàng nghìn năm cùng những cách tân mới mẻ, táo bạo hấp thụ của văn chương 2 phương Tây (chủ yếu là Pháp) đã tạo ra không ít những tác phẩm “để đời” của nhiều tác giả có tư tưởng tiến bộ. Báo chí Quốc ngữ trong giai đoạn đầu ấy chính là “cái nôi” hoàn hảo cho sự hình thành và phát triển của văn học hiện đại Việt Nam. Độc giả biết đến nhà văn cũng như tác phẩm chủ yếu qua những tờ báo được đọc hằng ngày. Bên cạnh các tác phẩm văn chương, việc các nhà văn/ nhà báo đóng vai trò là người đưa ra những nhận xét, đánh giá khách quan về tác giả, tác phẩm… góp phần định hướng thị hiếu cho người đọc cũng được phát huy mạnh mẽ, khởi đầu ở báo chí quốc ngữ Nam Kỳ. Tuy nhiên, những thành tựu bước đầu còn khá mờ nhạt, mang nặng cảm tính cá nhân cũng như sự thiếu chú trọng vào mảng lý thuyết văn học của các tác giả là tình hình chung của giới nghiên cứu, lý luận, phê bình văn học Nam Kỳ giai đoạn này. Thực trạng đáng buồn này đã đưa đến những hạn chế không nhỏ trong so sánh tương quan với những thành tựu rực rỡ và có phần vượt trội của văn học miền Bắc sau này. Văn học Nam Kỳ được nhận xét “đi trước về sau” cũng vì lí do đó. Tuy có nền tảng được báo chí Quốc ngữ bổ trợ rất nhiều nhưng vai trò của nghiên cứu, phê bình văn học Nam Kỳ trong thời kỳ đầu vẫn không được phát huy trọn vẹn. Đó cũng là nguyên nhân dẫn đến việc các hoạt động nghiên cứu, lý luận, phê bình văn học trên báo chí tại Nam Kỳ trước đó và đến tận sau này vẫn chưa có được những sự quan tâm thỏa đáng. Đối với những tờ báo ra đời trong thời kỳ đầu của làng báo Việt Nam càng gặp không ít khó khăn. Hai tờ báo mà chúng tôi tiến hành khảo sát ở đây là Nam Kỳ địa phận (1908 – 1945) và Công luận báo (1916 – 1939). Một tờ tuy được mệnh danh là tờ báo Công giáo lớn nhất Nam Kỳ (Nam Kỳ địa phận) nhưng “chỉ có 1/3 nói về đạo, còn lại nói về đời và không dành riêng cho người Công giáo” 1 và tờ còn lại được xem là một trong những nhật báo sớm nhất và “có khuynh hướng hoàn 1 Nguyễn Văn Trung, Tuần báo Nam Kỳ địa phận. 3 toàn thân chánh phủ, đề cập đến những vấn đề có liên quan đến thời sự, chiến tranh Âu châu, văn chương tiểu thuyết”1. Tuy khác nhau về tôn chỉ, mục đích hoạt động nhưng cả hai đều ưu ái dành những diện tích mặt báo lớn cho văn chương, trong đó có một phần không nhỏ của lĩnh vực nghiên cứu, lý luận, phê bình văn học. Là những tờ báo ra đời vào các thập niên đầu của làng báo nước ta, Nam Kỳ địa phận và Công luận báo đều có nội dung đa dạng và phong phú. Cả hai tờ báo vừa đảm bảo về tôn chỉ, mục đích hoạt động, vừa cố gắng không để thiếu hụt các thông tin về thời sự; kinh tế; văn hóa; giáo dục… Với thời gian phát hành tương đối dài (Công luận báo – 23 năm và Nam Kỳ địa phận - 37 năm), hai tờ báo đã có nhiều đóng góp tích cực cho sự nghiệp báo chí nói chung và văn chương Nam Kỳ nói riêng. Việc đi sâu vào các phương diện nghiên cứu, lý luận, phê bình văn học trên hai tờ báo này có ý nghĩa góp phần bổ sung đầy đủ hơn các mảng văn chương bị thiếu hụt của nền văn học Quốc ngữ nước ta vào cuối thế kỷ XIX và nửa đầu thế kỷ XX. Công trình của chúng tôi mong muốn đem lại cho người đọc cái nhìn tổng quan và cụ thể hơn về nền nghiên cứu, lý luận, phê bình văn học Nam Kỳ thông qua hai tờ báo lớn lúc bấy giờ. Đồng thời, có thể đưa ra những nhận xét bước đầu về những đóng góp mới mẻ của các cây bút ở thời đại ấy vào tiến trình hiện đại hóa nền văn học Việt Nam trong những giai đoạn có nhiều biến chuyển, đấu tranh mạnh mẽ trong tư tưởng văn chương của nhiều người cầm bút. 2. Lịch sử nghiên cứu vấn đề Các bài viết thuộc lĩnh vực nghiên cứu, lý luận, phê bình văn học vốn đã được manh nha từ rất sớm ở Việt Nam. Từ thời Trung đại đã có những tác phẩm mang hơi hướng của lĩnh vực lý luận, phê bình văn chương nhưng chủ yếu thiên về các loại hình bình phẩm, luận bàn, sưu tập… Tất cả còn khá cảm tính theo chủ quan tác giả hoặc ảnh hưởng của cảm quan xã hội đương thời. Việc sáng tác và cho ra đời các tác phẩm lúc 1 Huỳnh Văn Tòng, Báo chí Việt Nam từ khởi thủy đến năm 1945, NXB TP. Hồ Chí Minh. 4 bấy giờ chưa tuân theo một hệ thống lý thuyết văn học hay quan điểm khoa học logic nào. Đến cuối thế kỷ thứ XIX đầu thế kỷ XX, khi tấn công vào Việt Nam, bên cạnh lực lượng quân đội đông đảo, thực dân Pháp còn đưa theo không ít những quan điểm mới mẻ về thế giới quan, nhân sinh quan của phương Tây với mục đích “đồng hóa” nhân dân ta. Lúc ấy, với sự xuất hiện và bổ trợ của chữ Quốc ngữ cùng sự ra đời của nền báo chí Nam Kỳ mới mẻ, các quan điểm độc đáo của văn chương phương Tây đã bắt đầu có tác động rõ rệt đến việc hình thành trong tư duy của một bộ phận nhân sĩ tiến bộ nước ta các khái niệm văn chương mới. Đó chính là hệ thống lý thuyết nền tảng làm kim chỉ nam cho hoạt động văn chương của văn chương Nam Kỳ nói riêng và văn chương Việt Nam nói chung. Sự chuyển biến trong ý thức sáng tác của tác giả cũng như nhu cầu thưởng thức văn chương của nhân dân ta vào những năm đầu của thế kỷ XX chưa có những thay đổi rõ rệt. Dẫu vậy, trong ba thập kỷ đầu thế kỷ này đã chứng kiến sự hình thành những yếu tố mới mẻ, cơ bản nhất của nghiên cứu, lý luận, phê bình văn chương. Đến những thập niên sau đó, đặc biệt là thập niên 30,40 nền văn học Việt Nam đã chứng kiến những bước đột phá mạnh mẽ, táo bạo trên nhiều phương diện. Các khái niệm ban đầu về thơ ca, tiểu thuyết cũng như lĩnh vực nghiên cứu, lý luận, phê bình… bắt đầu hình thành trong giới trí thức. Những hình dung đầu tiên về hệ thống lý thuyết cần có cho văn chương đã trở thành những đề tài được bàn tán, tranh luận trên nhiều diễn đàn ở khắp các mặt báo từ Bắc chí Nam. 2.1. Những công trình nghiên cứu chung về văn chương Nam Kỳ và hoạt động nghiên cứu, lý luận, phê bình văn học đầu thế kỷ XX Giai đoạn trước năm 1945, chưa có sự tách bạch rõ ràng giữa các khái niệm nghiên cứu, lý luận và phê bình với nhau. Đặc biệt lúc bấy giờ các tác giả vẫn xem nghiên cứu, phê bình như những dạng thức đánh giá tác phẩm, tác giả… như nhau. Các tác giả nổi tiếng lúc bấy giờ là Thiếu Sơn, Hoài Thanh, Kiều Thanh Quế, Phạm Quỳnh, Vũ Ngọc 5 Phan… Hầu như chưa có những công trình thống kê hoặc bàn bạc trực tiếp đến các bài nghiên cứu, phê bình văn chương trên báo chí nói chung mà hầu như chỉ nói đến các thể loại văn chương (Khảo về tiểu thuyết – Phạm Quỳnh, 1921), quan điểm sáng tác (Duy tâm hay duy vật – Hải Triều 1936), nhà văn (Nhà văn hiện đại – Vũ Ngọc Phan, 1942 – 1943)… Từ 1945 – 1975, nở rộ các công trình nghiên cứu, phê bình văn học của các tác giả xuất sắc, đặc biệt là Thanh Lãng, Nguyễn Văn Trung… Công trình “Phê bình văn học thế hệ 1932 – 1945” của Thanh Lãng được đánh giá rất cao về khả năng khái quát vấn đề của tác giả. Sự kế thừa từ tinh hoa truyền thống dân tộc cùng những thành tựu tư duy khoa học đã đem lại một cái nhìn tổng quát cho bức tranh nghiên cứu, lý luận, phê bình văn học giai đoạn này. Bút lực dồi dào cùng sự uyên bác trong nghiên cứu của nhiều tác giả giai đoạn này đã cống hiến cho độc giả nhiều tác phẩm chất lượng. Đánh giá về bộ Việt Nam văn học sử yếu, Thanh Lãng đã có những nhận xét rất xác đáng về tính chất độc đáo, giá trị trong công trình nghiên cứu văn chương của Dương Quảng Hàm: “Nhưng cái hay nhất và giá trị nhất của bộ văn học sử đầu tiên là việc nghiên cứu khá tỉ mỉ và cẩn thận các nguồn ảnh hưởng đã đóng góp vào việc quy định sự hình thành của văn chương Việt Nam”. Từ năm 1975 đến nay, hàng trăm các công trình lớn, nhỏ khác nhau liên quan đến hoạt động nghiên cứu, lý luận, phê bình văn học vẫn luôn dành sự ưu tiên cho đối tượng là giai đoạn văn học phát triển rực rỡ nhất nửa đầu thế kỷ XX tại Việt Nam. Chính trong giai đoạn này, từ sự tổng hợp và phân tích kỹ lưỡng kế thừa của các tác giả đi trước, nhiều nhà nghiên cứu đã cho ra đời nhiều tác phẩm chất lượng cao, thể hiện rõ vai trò của người làm công tác khoa học thời kỳ hiện đại. Nói đến quá trình phát triển của văn học Nam Kỳ không thể thiếu công trình Văn học Nam Bộ từ đầu đến giữa thế kỷ XX (1900 – 1954) của ba tác giả Hoài Anh, Thành Nguyên, Hồ Sĩ Hiệp (1988). Trong tác phẩm này, các tác giả đã có những 6 nghiên cứu khá cụ thể, chi tiết về về các thành tựu bước đầu của văn học Nam Bộ. Mạnh dạn chia thể loại và đặt ra những vấn đề lý luận mới mẻ cho văn học, người viết đã đưa đến những bước khái quát văn học giá trị cho giới nghiên cứu. Trong bài Nghiên cứu, lý luận, phê bình văn học đăng trong “Qúa trình hiện đại hóa văn học Việt Nam 1900 – 1945” (NXB Văn hóa thông tin, 2000) Mã Giang Lân đã có những nghiên cứu rất khái quát nhưng cũng hết sức cụ thể về quá trình hiện đại hóa của nghiên cứu, lý luận, phê bình văn học Việt Nam giai đoạn 1900 – 1945 được thể hiện qua các tờ báo như Đông Dương tạp chí, Nam Phong tạp chí hoặc các công trình, tác phẩm cụ thể của những nhà lý luận, phê bình lớn lúc bấy giờ như Phạm Quỳnh, Thiếu Sơn, Dương Quảng Hàm… Tuy nhiên lại hầu như không có đề cập đến mảng nghiên cứu, lý luận, phê bình văn học trên Nam Kỳ địa phận hay Công luận báo… Công trình Lý luận phê bình văn học Việt Nam đầu thế kỷ XX của tác giả Trần Mạnh Tiến (NXB Giáo dục, Hà Nội, 2001) đã cho người đọc một cái nhìn toàn diện và khoa học về đặc điểm cũng như các thành tựu mà lý luận, phê bình Việt Nam đã đạt được trong 30 năm đầu của thế kỷ XX. Nhiều đặc điểm nổi bật, độc đáo của lĩnh vực phê bình văn học Nam Kỳ cũng được tác giả đề cập. Trong công trình Lý luận, phê bình văn học Việt Nam từ đầu thế kỷ XX đến 1945, (NXB Khoa học xã hội, 2004) chủ biên Nguyễn Ngọc Thiện cùng đồng nghiệp đã đem lại một cái nhìn khá cụ thể và chi tiết về các hoạt động chung và riêng của các lĩnh vực lý luận, phê bình văn học nước ta nữa đầu thế kỷ XX. Trong chuyên luận này, các tác giả đã phác thảo được phần nào những đặc điểm cơ bản cũng như vị trí, vai trò và tầm ảnh hưởng của hoạt động lý luận, phê bình văn học Việt Nam. Đặc biệt, người viết luôn chú trọng đặt cơ sở lý luận, phê bình văn học lúc bấy giờ trong mối tương quan với thời đại. Tiểu sử, sự nghiệp hay những đóng góp của các nhà lý luận, phê bình nổi tiếng thời bấy giờ cũng như những cuộc luận bàn, tranh đấu… về các vấn đề nổi bật cũng được Nguyễn Ngọc Thiện đề cập rất cụ thể. 7 Đáng chú ý có công trình Phê bình văn học Việt Nam nữa đầu thế kỷ XX (1900 – 1945) của PGS.TS Nguyễn Thị Thanh Xuân (2004). Qua 7 chương bài, tác giả đã đề cập khá cụ thể nhưng cũng rất khái quát tình hình chung của nền phê bình văn học Việt Nam trong nửa đầu thế kỷ XX. Trong đó, tác giả cũng dành riêng một mục để nói rõ về sự nở rộ của lĩnh vực phê bình trên báo chí trong giai đoạn (1930 – 1940). Đồng thời, các cuộc tranh luận nổi tiếng trong giới văn chương lúc bấy giờ như tranh luận về truyện Kiều, thơ cũ – thơ mới… cũng được tác giả Nguyễn Thị Thanh Xuân đề cập khá chi tiết, giúp người đọc thấu hiểu hơn nữa quá trình lớn mạnh trong tư tưởng cũng như bút lực dồi dào của thời kỳ văn học thịnh vượng nhất của văn học Nam Kỳ cũng như Việt Nam. 2.2. Những công trình nghiên cứu trực tiếp về Công luận báo và Nam Kỳ địa phận Tác giả Võ Văn Nhơn trong vài viết Báo chí quốc ngữ La tinh với sự hình thành và phát triển của tiểu thuyết Nam Bộ cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX (đăng trên Tạp chí Phát triển KH&CN, tập 9, số 3 – 2006) đã tóm tắt những thành tựu bước đầu của tiểu thuyết Nam Bộ với sự “đỡ đầu” rất lớn từ báo chí Quốc ngữ. Trong đó, tác giả nêu ra một số tiểu thuyết điển hình trên các tờ báo tiêu biểu như: Gia Định báo, Nông cổ mín đàm, Lục tỉnh tân văn, Công luận báo và Phụ nữ tân văn. Bài viết tuy không dài nhưng đã cung cấp cho người đọc một cái nhìn khái quát chung về tình hình phát triển cũng như mối quan hệ biện chứng không thể tách rời giữ báo chí và tiểu thuyết Quốc ngữ thời kỳ đầu của nước ta. Trong đó, Công luận báo cho đăng tải nhiều tiểu thuyết có giá trị cũng đã góp phần không nhỏ vào sự phát triển chung nền văn chương Quốc ngữ lúc bấy giờ. Đó cũng chính là nền tảng, là “tư liệu” cho các hoạt động lý luận, phê bình phát triển mạnh mẽ, sôi nổi trên Công luận báo sau này. Trong Khóa luận tốt nghiệp Cử nhân Báo chí Khảo sát báo Nam Kỳ địa phận (1908 – 1945) (ĐH KHXH&NV TP.HCM) năm 2006, tác giả Hồ Võ Thanh Ngân đã nghiên cứu khá công phu về quá trình hình thành và phát triển của tờ báo này. Đặc biệt 8 tác giả cũng đề cập khá sâu về mảng văn chương – vốn là một thế mạnh của tờ báo kể từ khi ra đời. Tuy nhiên khi đề cập đến vấn đề nghiên cứu, lý luận, phê bình văn học trên Nam Kỳ địa phận thì tác giả khóa luận chỉ khái quát vỏn vẹn trong vài dòng: “Song song với hoạt động sáng tác, những bài nghiên cứu phê bình văn học trên Nam Kỳ địa phận cũng phát triển từ rất sớm. Đó là các bài khảo cứu chữ Hán và văn học dân gian, bình luận ca dao tục ngữ…” nên vẫn chưa đánh giá hết được những đóng góp có ý nghĩa của Nam Kỳ địa phận trong lĩnh vực này. Luận văn Thạc sĩ khoa học Ngữ văn Tiểu thuyết trên báo Nam Kỳ địa phận của tác giả Huỳnh Thị Thu Thúy (2006) tại trường ĐH. KHXH&NV TP. HCM cũng là một tài liệu cung cấp khá đầy đủ và chi tiết những nét khái quát chung về tờ Nam kỳ địa phận. Ở luận văn này, tác giả chủ động làm rõ đặc điểm cũng như thành tựu của mảng tiểu thuyết trên tờ báo Công giáo này. Ngoài việc đưa ra đặc điểm về diện mạo cũng như các yếu tố ảnh hưởng đến sự phát triển của tiểu thuyết, Huỳnh Thị Thu Thúy còn đi sâu vào khảo sát các đặc điểm về nội dung và nghệ thuật của hai tiểu thuyết tiêu biểu trên Nam Kỳ địa phận là Cha giết con và Thần công lý. Tuy nhiên luận văn lại không hề đề cập đến mảng lý thuyết thuộc lĩnh vực nghiên cứu, lý luận, phê bình văn học trên tờ này mà hầu như chỉ dựa vào đối tượng tiểu thuyết để làm rõ mục đích của luận văn. Ngoài các công trình nghiên cứu của các tác giả nổi tiếng về lĩnh vực nghiên cứu, lý luận, phê bình văn học Việt Nam nói chung và Nam Kỳ nói riêng, không thể không nhắc đến những đề tài của các tác giả trẻ muốn đi sâu vào những lĩnh vực văn chương còn chưa được nghiên cứu rộng rãi này. Trong đó phải nói đến Khóa luận Lý luận và phê bình văn học trên báo chí Nam Bộ 1930 – 1945 năm 2006 của Hà Thị Dịu (Khóa luận cử nhân Ngữ văn – ĐH. KHXH&NV TP. HCM). Tác giả đã sưu tầm và thống kê công phu và tương đối đầy đủ các bài lý luận, phê bình của ba tờ Lục tỉnh tân văn, Công luận báo và Phụ nữ tân văn từ năm 1930 đến 1945. Qua khóa luận này, Hà Thị Dịu đã đi sâu và khảo sát về tình hình lý luận, phê bình trên những tờ báo lớn trong 9 giai đoạn đó, tác giả nêu tương đối cụ thể tình hình lý luận, phê bình của Nam Bộ nói chung và các tờ báo trên qua những bài viết được đăng trên báo lúc bấy giờ. Bên cạnh đó, tác giả còn khẳng định vai trò quan trọng của những cây bút điển hình lúc bấy giờ đã có nhiều đóng góp với lý luận, phê bình lúc bấy giờ. Đối với Công luận báo, tác giả cũng đã khảo sát từ năm 1930 – 1938 các số từ 1670 đến 7818. Bên cạnh đó còn có một số tài liệu đã khái quát tương đối đầy đủ các thông tin liên quan đến quá trình hình thành và phát triển cũng như những đóng góp của Công luận báo và Nam Kỳ địa phận đối với làng báo Nam Kỳ lúc ấy. (Lịch sử báo chí Việt Nam từ khởi thủy đến 194 – Huỳnh Văn Tòng; Lịch sử báo chí Việt Nam 1865 – 1945 – Đỗ Quang Hưng…) Công trình nghiên cứu khá tầm vóc gần đây phản ánh tương đối đầy đủ và hệ thống về văn học Nam Bộ do PGS. TS Lê Giang làm chủ nhiệm là đề tài KHCN cấp Đại học Quốc gia trọng điểm “Khảo sát, đánh giá, bảo tồn di sản văn học Nam Bộ 1930 – 1945”. Trong báo cáo này, các nhóm tác giả đã khảo sát và đưa ra những nhận định, tổng hợp xác đáng về hầu hết các thể loại văn chương Nam Bộ trong giai đoạn đó. Đồng thời, 23 tác giả tiêu biểu của văn học Nam Bộ cũng được bổ sung đầy đủ các thông tin cá nhân cũng như sự nghiệp văn chương của họ. Đáng chú ý trong báo cáo này, PGS. TS Nguyễn Thị Thanh Xuân cùng cộng sự đã tiến hành khảo sát các bài viết về lý luận, phê bình văn học trên 18 tờ báo hoạt động từ 1932 – 1945 (Trong đó có Công luận báo và Nam Kỳ địa phận). Qua đó, các tác giả đã đưa ra bàn luận và phân tích những hệ vấn đề trong văn học lúc bấy giờ: vần đề chức năng và giá trị, vấn đề độc giả, văn học bình dân… Những quan điểm mới mẻ về mối quan hệ giữa văn chương và nghệ thuật hay các thể loại thơ ca, tiểu thuyết… cũng được phản ánh đầy đủ theo quan điểm của các cây viết lúc bấy giờ. Nhìn chung, vấn đề nghiên cứu, lý luận, phê bình văn học là một lĩnh vực đã được nhiều nhà nghiên cứu bắt tay vào khảo sát từ lâu và đã có nhiều công trình lớn 10 tương xứng với lịch sử phát triển của nền văn học nước nhà. Tuy nhiên, riêng các nghiên cứu về lý luận, phê bình văn học trên hai tờ Nam Kỳ địa phận và Công luận báo còn khá hạn chế về nhiều mặt. Nhiều công trình đáp ứng được phần nào về mặt chất lượng lại chưa thực sự trọn vẹn về việc nghiên cứu xuyên suốt gian hoạt động của hai tờ báo. Đó thực sự là một “khoảng trống” cần được lấp đầy để không làm lãng phí nguồn tài nguyên dồi dào về nghiên cứu, phê bình, lý luận ở hai tờ báo lớn của nước ta ở thời điểm đó. 3. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu 3.1. Đối tượng nghiên cứu Với đề tài “Nghiên cứu, lý luận, phê bình văn học trên Công luận báo và Nam Kỳ địa phận”, chúng tôi tiến hành khảo sát toàn bộ các bài viết thuộc các thể loại nghiên cứu, lý luận, phê bình văn học được đăng trên Công luận báo và Nam Kỳ địa phận. Công luận báo: 895 bài (Từ số báo 50 ngày 15/4/1917 đến số 7875 ngày 10/12/1938) Nam Kỳ địa phận: 346 bài (Từ năm 1908 đến năm 1939) 3.2. Phạm vi nghiên cứu Tiến hành khảo sát trên toàn bộ các số báo hiện có của Công luận báo và Nam Kỳ địa phận, luận văn chúng tôi đặc biệt chú trọng đến các bài viết có tính chất điển hình cho các hoạt động nghiên cứu, lý luận, phê bình văn học trong giai đoạn 1900 – 1945. Đặc biệt nhấn mạnh và xem xét kỹ các bài viết nêu ra được những luận điểm lý thuyết cơ bản cũng như các học thuyết khoa học có tính chất đổi mới, đột phá so với thời đại thuộc lĩnh vực nghiên cứu, lý luận, phê bình văn chương. 11 4. Phương pháp nghiên cứu Luận văn “Nghiên cứu, lý luận, phê bình văn học trên Công luận báo và Nam Kỳ địa phận” là đề tài mang tính chất tổng hợp khá cao. Vì vậy yêu cầu chúng tôi phải tiến hành khảo sát một cách toàn diện nhất có thể tất cả các bài viết thuộc các lĩnh vực nghiên cứu, lý luận, phê bình trên hai tờ báo có thời gian phát hành kéo dài từ đầu đến giữa thế kỷ XX. Chúng tôi chọn phương pháp nghiên cứu lịch sử, xã hội làm phương pháp chủ đạo trong luận văn của mình nhằm có một cái nhìn toàn diện nhất về văn chương Nam Kỳ giai đoạn đó, đặc biệt để thấy được lĩnh vực nghiên cứu, lý luận, phê bình văn học luôn là một bộ phận không thể tách rời với các lĩnh vực khác của văn chương Nam Kỳ nói riêng và Việt Nam nói chung. Chúng tôi cũng dựa vào hoàn cảnh lịch sử, chính trị, xã hội… của Nam Kỳ giai đoạn cuối thế kỷ XIX và nửa đầu thế kỷ XX để nghiên cứu một cách khái quát nhất nguồn gốc của sự hình thành, phát triển và quá trình va chạm, giao thoa của lý luận, phê bình phương Tây với những lý thuyết sơ giản nhất về lý luận, phê bình trung đại ở nước ta để từ đó dần hình thành và phát triển nên hệ thống nghiên cứu, lý luận, phê bình văn học hiện đại. Ngoài ra chúng tôi còn sử dụng thêm các phương pháp: + Phương pháp so sánh, đối chiếu: So sánh, đối chiếu các bài viết về nghiên cứu, lý luận, phê bình văn học trên Công luận báo và Nam Kỳ địa phận với nhau nhằm làm rõ những đặc trưng cũng như những thế mạnh riêng của mỗi báo. + Phương pháp thống kê, mô tả: Khảo sát và thống kê toàn bộ các bài viết trên Công luận báo và Nam Kỳ địa phận có liên quan đến lý luận, phê bình văn học nhằm có được tài liệu xác thực nhất phục vụ cho đề tài. Đồng thời cho thấy được những thành quả về số lượng cũng như chất lượng đáng được ghi nhận của nhiều cây bút lý luận, phê bình văn chương lúc bấy giờ. 12 + Phương pháp nghiên cứu liên ngành: Kết hợp các yếu tố về lịch sử, báo chí, văn học Nam Kỳ giai đoạn nữa đầu thế kỷ XX… để tiếp cận chủ thể các bài nghiên cứu, lý luận, phê bình trên Công luận báo và Nam Kỳ địa phận một cách toàn diện nhất dưới nhiều góc độ. 5. Những đóng góp của luận văn Luận văn “Nghiên cứu, lý luận, phê bình văn học trên Công luận báo và Nam Kỳ địa phận” nghiên cứu một cách logic theo tuần tự thời gian hình thành và phát triển của hai tờ báo này nói chung và phương diện nghiên cứu, lý luận, phê bình văn học nói riêng. Khảo sát các bài nghiên cứu, lý luận, phê bình trên Công luận báo và Nam Kỳ địa phận, chúng tôi mong muốn góp phần đánh giá một cách khách quan và chính xác nhất có thể về những đóng góp cũng như những thành tựu và hạn chế của hoạt động nghiên cứu, lý luận, phê bình văn học bước đầu trên hai tờ báo này. Đồng thời, qua công việc khảo sát, sưu tầm tài liệu này, chúng tôi mong muốn sẽ rút ra được những đặc điểm cơ bản về hoạt động nghiên cứu, lý luận, phê bình văn học nói riêng trên Công luận bào và Nam Kỳ địa phận. Từ đó có thể đưa ra những nhận định ban đầu về các đóng góp của các tờ báo này vào tiến trình hiện đại hóa văn học, góp phần xây dựng nên một nền văn học Việt Nam hoàn chỉnh vào những giai đoạn sau. Trong vài năm gần đây, hoạt động khảo sát, nghiên cứu các thành tựu văn chương Nam Bộ mới bắt đầu nở rộ. Trong đó hoạt động khảo sát các tác phẩm tiểu thuyết, thơ ca… cũng như lĩnh vực nghiên cứu, lý luận phê bình văn học mới thực sự được tiến hành một cách đa dạng và đồng bộ. Với luận văn này, chúng tôi mong muốn góp một phần công sức của mình vào các công trình nghiên cứu có quy mô lớn hơn để đáp ứng trọn vẹn hơn nữa nhu cầu tìm hiểu, nghiên cứu… về văn chương Nam Bộ của các đối tượng bạn đọc ở khắp nơi.

Tìm luận văn, tài liệu, khoá luận - 2024 © Timluanvan.net