Mộng trong thơ lý bạch

đang tải dữ liệu....

Nội dung tài liệu: Mộng trong thơ lý bạch

ĐẠI HỌC QUỐC GIA THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH TRƯỜNG ĐẠI HỌC KHOA HỌC XÃ HỘI VÀ NHÂN VĂN ------------------- HỒ THỊ KIM LIÊN MỘNG TRONG THƠ LÝ BẠCH Chuyên ngành : Văn học nước ngoài Mã số : 60.22.30 NGƯỜI HƯỚNG DẪN KHOA HỌC Tiến sĩ: NGUYỄN ĐÌNH PHỨC Thành phố Hồ Chí Minh – 2012 LỜI CẢM ƠN!  Trong suốt quá trình học tập ở Trường ĐHKH XH & NV, tôi đã nhận được rất nhiều sự quan tâm giúp đỡ từ phía nhà trường, các thầy cô và các phòng ban. Trước hết tôi xin chân thành biết ơn sâu sắc đến TS. Nguyễn Đình Phức – Trưởng khoa Ngữ Văn Trung, Trường ĐH KHXH &NV, ĐH Quốc gia Thành Phố Hồ Chí Minh. Người đã tận tình và chu đáo hướng dẫn và giúp đỡ tôi trong suốt thời gian qua. Tôi cùng xin gửi lời cảm ơn đến Khoa Văn học và Ngôn ngữ, Bộ môn Văn học nước ngoài, các thầy cô giáo tham gia giảng dạy tại Trường và các Quý Phòng, Ban đã tạo điều kiện thuận lợi và tận tình giúp đỡ tôi nhất là trong quá trình thực hiện luận văn. Lời cuối cùng tôi xin gửi lời cảm ơn đến gia đình, bạn bè đã luôn động viên tôi trong suốt quá trình hoàn thành luận văn này. Trân trọng cảm ơn  MỤC LỤC Trang phụ bìa Lời cảm ơn Mục lục MỞ ĐẦU ....................................................................................................... 1 Chương 1. Mộng và Mộng trong văn học ................................................. 11 1.1. Mộng qua các nền văn hóa cổ xưa ................................................... 11 1.2 Mộng và sáng tạo nghệ thuật dưới góc nhìn Phân tâm học ............... 19 1.2.1. Những lí thuyết về Phân tâm học ............................................ 19 1.2.2. Phân tâm học với sáng tác văn học ......................................... 21 1.3. Mộng trong văn học......................................................................... 24 Chương 2. Lý Bạch, con người và thơ ca .................................................. 36 2.1. Diện mạo lịch sử và thơ ca đời Đường............................................. 36 2.2. Lý Bạch, một cái tôi đầy cá tính giữa vườn thơ .............................. 47 2.3. Lý Bạch, cái tôi xuất thế và tinh thần nhập thế ................................ 54 Chương 3. Thế giới mộng trong thơ Lý Bạch ........................................... 68 3.1. Mộng trong thơ Lý Bạch, nhìn từ khía cạnh văn bản ....................... 68 3.2. Những khuynh hướng của mộng trong thơ Lý Bạch ........................ 80 3.2.1. Khuynh hướng hiện thực ........................................................ 81 3.2.1.1. Mộng với những vần thơ tống biệt ........................... 81 3.2.1.2. Mộng với oán tương tư............................................ 89 3.2.2. Khuynh hướng lý tưởng .......................................................... 95 3.2.2.1. Mộng gắn liền với lý tưởng Nho gia ........................ 96 3.2.2.2. Mộng gắn liền với tư tưởng Đạo gia......................... 99 KẾT LUẬN .............. 108 TÀI LIỆU THAM KHẢO........................................................................ 113 Sau khi được Hội đồng bảo vệ luận văn Thạc sĩ góp ý, tôi đã chỉnh sửa và hoàn thiện luận văn. Xác nhận của Chủ tịch hội đồng 1 MỞ ĐẦU 1. LÝ DO CHỌN ĐỀ TÀI Thơ ca Lý Bạch có thể coi là một di sản văn hóa không chỉ đối với người Trung Quốc mà của cả nhân loại. Đó là sản phẩm tinh thần như thể được tạo sinh từ tinh hoa con người, tinh hoa dân tộc, tinh hoa trời đất. Vì vậy, chúng không chỉ hay, đẹp mà còn vô cùng quý giá. Thơ của Lý Bạch đạt đến trình độ điêu luyện mà lại hết sức tự nhiên, phóng khoáng nhất là trong các bài thơ cổ phong (là phần lớn sáng tác của ông). Ngoài ra ở những thể thơ Đường luật cũng đạt tới mức tinh diệu của thi ca. Thơ cũng như người luôn luôn được người đời mến mộ và đề cao. Ở nước ta, tình cảm yêu mến và trân trọng đối với vị Trích tiên này cũng không thua kém Trung Quốc và các nước đồng văn. Tuy nhiên, đối với tác giả văn học nước ngoài như Lý Bạch, mặc dù chiếm được tình cảm “mộ điệu” của rất nhiều thế hệ con người nhưng không phải nhờ vậy mà những vẻ đẹp và giá trị tiềm ẩn trong thơ ông dễ dàng được khám phá. Thơ Lý Bạch đối với chúng ta luôn là một thế giới huyền bí với những vẻ đẹp huyền diệu lung linh thu hút biết bao sự tò mò và tạo nên biết bao niềm “thổn thức”, từ đó thôi thúc chúng ta đi tìm kiếm và khám phá nó. Những nghiên cứu về thơ Lý Bạch ở Việt Nam chủ yếu chuyên sâu ở góc độ thi pháp học còn vấn đề thể nghiệm mộng ảo ở trong phê bình văn học của chúng ta đến nay vẫn rất khiêm nhường, chúng chỉ mới được đề cập một cách khái lược trong một số nghiên cứu, bên cạnh nhiều vấn đề chung khác hoặc tản mạn trên một số bài cảm nhận về thơ Du tiên – du lãm trong thơ Đường. Do vậy, ngoài những vấn đề thuộc về thi pháp thơ Đường quen thuộc hay được nói đến như không gian nghệ thuật, thời gian nghệ thuật, ngôn ngữ, kết cấu thậm chí là con người vũ trụ… thường được nhiều nhà nghiên cứu trở 2 đi trở lại thì những vẻ đẹp khác của Thơ Lý Bạch vẫn chưa thực sự được khai thác một cách sâu sắc và hoàn chỉnh. So với Thi Thánh Đỗ Phủ thì xem ra chúng ta đối với Thi Tiên còn “kính nhi viễn chi”. Nhưng điều ấy cũng không thể nào che giấu tình cảm yêu mến của người đời trước thơ ca Lý Bạch. Chất men làm nên dư vị của thơ Lý Bạch nói riêng và thơ Đường nói chung chính là bởi ở trong mỗi bài thơ, ta dễ dàng bắt gặp cảnh sắc và tâm hồn lẫn trí tuệ Trung Hoa lắng đọng trong ấy. Nói đến thơ Đường người ta thường hay nghĩ đến hình ảnh thiên nhiên tú lệ, hùng vĩ . Không chỉ ngắm dòng Trường Giang cuồn cuộn ngàn năm bên trời; ngắm“Con sông Hoàng Hà từ trên trời rơi xuống”, lắng nghe tiếng chuông chùa Hàn San vang vọng; dõi theo áng mây trắng du du trên bầu trời…thậm chí thấu hiểu nỗi lòng những con người dấn thân nơi gió bụi chiến tranh mà nằm say khướt trên chiến trường, xin người đời đừng mỉa mai khinh thị cũng chỉ bởi một lẽ rất đỗi xót xa: “ Túy ngọa sa trường quân mạc tiếu, cổ lai chinh chiến kỉ nhân hồi”; hay thậm chí được đắm mình trong không gian trong gian u trầm của Đạo để “mai phục” những khoảnh khắc diệu kì của thiên nhiên “Nguyệt xuất kinh sơn điểu / Thời minh tại giản trung” trong những áng thơ Thiền của Vương Duy. Thế giới rộng lớn và diệu kì của Thơ Đường dung chứa tất cả những điều của cuộc sống ở góc nhìn đẹp đẽ nhất và thi vị nhất. Thơ Đường cũng vì thế để lại cảm xúc ngọt ngào và gợi bao điều thú vị đối với đọc giả. Đọc thơ Đường nói chung và thơ Lý Bạch nói riêng, người đời càng cảm nhận sâu sắc những nguyên lí thẩm mĩ của nó. Càng hiểu rõ thế nào là “ ý tại ngôn ngoại”? “Cam dư chi vị, huyền ngoại chi âm”? Vẻ đẹp trong thơ Lý Bạch cũng vậy, hấp dẫn lôi cuốn người đọc không chỉ ở cái khí thế hùng tráng và cái tâm thế hào sảng của thi nhân mà còn ở những nét độc đáo trong những vần thơ Tiên. Vẻ bí ẩn và lí thú trong thơ Lý Bạch không chỉ là không gian tráng lệ, núi sông hùng vĩ tung hứng cho chất 3 lãng mạn bay bỗng mà còn ở những nét riêng độc đáo. Đến với mỗi bài thơ Lý Bạch, người đời cùng một lúc sẽ cảm nhận được thần thái hiệp sĩ, kiếm khí vút lên hòa trong thiên nhiên thơ mộng và lòng người đắm say. Thơ Lý Bạch dường như luôn ẩn chứa cái khí phách hào hùng lẫn trong vẻ say đắm của kẻ mộng du. Cái lãng mạn của ánh trăng, cái phù phiếm của men rượu và cái hùng tâm tráng chí của con người luôn nuôi mộng phù đồ. Người đời sẽ không thể nào quên phong thái tài hoa của Lý Bạch khi vung bút lột tả sự hùng vĩ của thiên nhiên để rồi đọng lại một nỗi niềm thổn thức của con người trước thời đại. Nhưng bên cạnh ấy, thơ Lý Bạch cũng đưa con người bước vào thế giới dành riêng cho kẻ tri âm, đó chính là thế giới mộng ảo. Lý Bạch đã dùng “mộng” để xây nên thế giới kĩ vĩ ấy. Trong đó phảng phất cái tài, tâm, và cả khát vọng lí tưởng của thi nhân. Nếu không gian và thời gian nghệ thuật là những đặc trưng của thơ Đường thì “mộng” sẽ làm cho không gian và thời gian thêm phần huyền hoặc, diệu kì, giúp tạo một điểm nhấn trong thơ Lý Bạch, lưu lại một nét rất riêng, và cũng để giúp ta nhận ra Thi tiên giữa muôn ngàn nhà thơ tài hoa khác. Chọn “mộng” làm điểm tựa để thâm nhập vào thế giới thơ sẽ là một “góc nhìn” khá mới mẻ và thú vị đối với việc tiếp cận thơ Lý Bạch. Mặt khác, thơ Lý Bạch là đỉnh cao của thơ Đường cho nên tìm hiểu Lý Bạch không chỉ giúp ta hiểu vẻ đẹp lạ thường trong thơ ông mà còn hiểu sâu sắc thêm về thơ Đường. Với tất cả những nguyên do đó, chúng tôi quyết định chọn “Mộng trong thơ Lý Bạch” làm đối tượng nghiên cứu cho mình. 2. LỊCH SỬ VẤN ĐỀ Lý Bạch là một tên tuổi quen thuộc với người đời nhưng mộng trong 4 thơ Lý Bạch đối với người đời vẫn còn là ẩn số. Mặt khác, nói đến mộng, nói đến việc xem trọng sự tồn tại của mộng trong đời sống nhân loại, người ta rất hay nghĩ đến công trình nổi tiếng Giải mộng của Sigmund Freud, bác sĩ người Áo gốc Do Thái, cha đẻ của ngành Phân tâm học. Thực ra, từ thời cổ đại, thậm chí ngay từ thuở mông muội trong lịch sử nhân loại, trước khi các nhà triết học, tâm lý học chú ý đến sự tồn tại của mộng, mộng đã được con người đặc biệt chú ý, tất nhiên nó không chỉ tồn tại trong tiềm thức, mà gắn liền với ký ức của nhân loại, gắn liền với từng chặng đường phát triển của mỗi dân tộc.Trên thực tế chưa có một công trình nào nghiên cứu chuyên về mộng trong thơ của Lý Bạch. Ở Việt Nam, Trần Lê Bảo với bài viết “ Thể nghiệm mộng ảo của các tác gia cổ đại Trung Quốc” đăng trên tạp chí Nghiên cứu văn học số 8.2006 ít nhiều bước đầu đã hướng sự quan tâm đến chất mộng ảo trong thơ ca. Bài viết đã khái quát vấn đề mộng ảo trong văn học cổ đại Trung Quốc trên diện rộng, từ truyền kì, tiểu thuyết, hí khúc cho đến thơ ca. Còn ngoài ra, vấn đề nghiên cứu thơ Lý Bạch nói chung vẫn mang tính chất nhỏ lẻ và vẫn nghiên cứu theo lối “thường quy” quen thuộc ở những phương diện chủ yếu trong thi pháp thơ Đường như không gian nghệ thuật, thời gian nghệ thuật, ngôn ngữ thơ ca, con người vũ trụ… hay quy vấn đề nghiên cứu dưới dạng đề tài như Thơ biên tái, thơ sơn thủy điền, du tiên – du lãm, thơ cung đình, ….Đa phần còn mang tính chất tản mạn rải rác trên các tạp chí, sách báo. Những công trình nghiên cứu có giá trị về thơ Đường nói chung và thơ Lý Bạch nói riêng có thơ Đường hay khái quát toàn bộ nền văn thơ ca cổ điển Trung Quốc phổ biến với những tác giả và các công trình như: Hình thức thơ ca cổ điển Trung Quốc của Hồ Sĩ Hiệp, Về thi pháp thơ Đường của Nguyễn Khắc Phi và Trần Đình Sử, Thi pháp thơ Đường của Nguyễn Thị Bích Hải, Một số đặc trưng nghệ thuật của thơ tứ tuyệt đời Đường của Nguyễn Sĩ Đại, Thơ sơn thủy cổ đại của Trung 5 Quốc của Trần Trung Hỷ… và một số bài nghiên cứu như: Lý Bạch-Nhà thơ lãng mạng thiên tài tuyển in trong Thơ Đường-Tác phẩm và lời bình. Ngoài ra Ngô Văn Phú trong “Thơ Lý Bạch” cũng đưa ra những nhận xét rất xác đáng về nhà thơ “vốn là người say cảnh thiên nhiên non sông hùng vĩ, non xanh nước biếc” [48,tr.6] lại “sống cùng non nước suối khe, tầm tiên, đến với các đạo sĩ, trải khắp vùng núi non danh thắng” [48,tr.8)]. Nhìn chung lại, tất cả các tài liệu khi đề cập đến thơ Lý Bạch thì đa phần đều mang tính chất giới thiệu tác giả tác phẩm thông qua một số bài thơ quen thuộc trên phương diện nội dung, khẳng định chất lãng mạn trong con người và thi ca Lý Bạch. Và những tín hiệu thẩm mĩ quen thuộc trong thơ Lý Bạch như “rượu” và “ ánh trăng” cũng là một đối tượng cũng được nhắc đến qua các công trình nghiên cứu đã nêu như một cái gì đó mang sắc thái lãng mạn và luôn hiện hữu trong thơ ông. Ngoài ra, còn có hai luận án tiến sĩ và phó tiến sĩ, là những công trình nghiên cứu chỉ ưu tiên cho Lý Bạch: “Thi pháp thơ Lý Bạch-Một số đặc trưng chủ yếu” với toàn bộ nội dung nghiên cứu trải đều trên những vấn đề như quan niệm thơ ca và con người Lý Bạch trong thơ. Nghiên cứu thời gian, không gian nghệ thuật, thể loại và ngôn ngữ thơ Lý Bạch. Khẳng định nét chung và cái riêng của Lý Bạch trong quan niệm nghệ thuật, trong phương thức xây dựng hình tượng, tư duy thể loại và ngôn ngữ. Và “Thơ tứ tuyệt Lý Bạch - Phong cách và thể loại” . Như vậy với việc tìm hiểu tư liệu tham khảo, chúng tôi có một cái nhìn bao quát về tình hình nghiên cứu thơ Lý Bạch và đánh giá sơ bộ đều là những nghiên cứu trên diện rộng, nhất là ở Việt Nam. Đồng thời đó cũng là những gợi ý quý báu cho đề tài của chúng tôi. Lẽ tất nhiên ở Trung Hoa thì vấn đề Lý Bạch và thơ ca của ông không chỉ dừng lại ở đó, nhưng do hạn chế về 6 hàng rào ngôn ngữ và không gian địa lí nên chúng tôi vẫn chưa thể giới thiệu được một cách cụ thể hơn lịch sử nghiên cứu vấn đề ở chính quê hương của thi nhân. Tuy thế, theo sự suy nghĩ và đánh giá của chúng tôi thì thơ ca Lý Bạch là một suối nguồn chảy mãi, hơn nữa mỗi cách tiếp cận luôn mang đến những giá trị mới. Do đó, chúng tôi cũng mạnh dạn nghiên cứu triển khai vấn đề dưới góc độ văn hóa – văn học. Ở Nhật Bản, Trung Quốc nghiên cứu khá nhiều, nhưng chuyên về mộng trong thơ Lý Bạch vẫn chưa có những công trình xứng tầm, chỉ dừng lại ở góc độ nêu ra vấn đề Dù vậy, với những tài liệu chúng tôi thu thập được từ nhiều nguồn sách, báo, tạp chí, các công trình nghiên cứu khoa học…liên quan đến đề tài đã giúp chúng tôi có cái nhìn khái quát: Về nội dung tư tưởng, thơ Lí Bạch nhìn chung khá phức tạp nhưng lại độc đáo cho nên thơ cũng là đối tượng người quan tâm nhiều, khen có, chê có. Chê thơ ông “tầm thường” thì có bài Vương An Thạch thời Bắc - Tống, nhưng ấy là tư tưởng tầm thường ở một số bài thơ quá đề cao hưởng thụ và hành lạc. Còn phần lớn từ đời Đường đến nay, người ta luôn phát hiện ra những vẻ đẹp độc đáo, kì diệu trong đó. Bì Nhật Hưu-một nhà văn nổi tiếng thời Vãn Đường nói rằng: “Từ khi nhà Đường lập nghiệp đến giờ, ngữ ngôn ra ngoài trời đất, tư tưởng vượt xa quỷ thần, đọc xong thì thần ruổi tám cực, nghĩ rồi thì lòng ôm bốn bể; lạc lỗi dị thường, không phải là lời của thế gian, thì chỉ có thơ Lý Bạch”. Trong văn học sử Trung Quốc (Tập 2) do Chương Bồi Hoàn, Lạc Ngọc Minh chủ biên có đến gần 40 trang nói đến con người và thơ ca Lý Bạch. Khẳng định rằng: “ Thi ca Lý Bạch tràn ngập tình yêu với cuộc sống..thỉnh thoảng giữa sự hào sảng lại thể hiện một cách đậm đà tình cảm tha thiết” [27, 7 tr.170], lại nhận xét thơ sơn thủy thì “chia thành 2 loại: Một thể hiện cái đẹp có của sức mạnh núi cao sông lớn, khí thể bàng bạc. Trong cái đẹp hùng vĩ đó, thể hiện những ý tưởng hào hùng. Một loại khác thể hiện cái đẹp trong sáng, và trong cái đẹp đó thể hiện cảm xúc thanh cao, không bám một hạt bụi” [27,tr.175]. Tài liệu cũng đề cập đến những thành tựu trong thơ Lí Bạch là do năng lực nắm bắt hình tượng nhạy cảm của tác giả, do trí tưởng tượng và tài năng… Về mặt nghệ thuật, trong một số tài liệu khác, nghiên cứu về mặt ngôn ngữ thi ca thì họ đánh giá cao chất tự nhiên trong ngôn ngữ thơ - một vẻ đẹp giản phác trong thơ ca cổ điển mà sau này nhiều nhà thơ luôn cố gắng noi theo. Còn ở phương Tây, tình hình nghiên cứu khả quan hơn, đặc biệt là các tên tuổi: Sigmund Freud, C.G. Jung, Mechal Sobel,… 1. C.G. Jung (1989), The Spirit in Man, Art and Literature, London: Routledge. 2. Mechal Sobel (2000), Teach Me Dreams: The Search for Self in the Revolutionary Era, Princeton: Princeton University Press. 3. Sigmund Freud (1999), The Interpretation of Dreams, Beijing: China Social Sciences Publishing House. 4. Sigmund Freud (1986), The Essentials of Psycho – analysic, London: Hogarth Press and the Institute of Psycho – Analysis. Nhưng những công trình trên hầu hết đi sâu vào lí giải về mộng và mối quan hệ với văn chương nói chung. Còn quan tâm đến thơ Lý Bạch thì trong “Đông phương học”, Viện sĩ Konrad cho rằng “các bài thơ thiên nhiên của Lý Bạch (có) chất trữ tình khác thường” là do nhà thơ biết “giao tiếp với thiên nhiên như một thực thể sống”. Thực tế, Lý Bạch luôn tìm sự giao tiếp với 8 thiên nhiên. “Cuộc đời ông đầy ắp những cuộc lãng du trên đất nước thân thiết của ông” [33,Tr.557,558]. Một nhà thơ nghiên cứu khác cũng nhấn mạnh vào yếu tố thiên nhiên đầy ắp trong thơ của những tháng ngày lữ thứ: “ trong những cuộc viễn du ấy, ông tìm được niềm an ủi và tâm trạng bình tĩnh bên cạnh bạn cố tri của ông là thiên nhiên” [33,Tr.151]”. Rõ ràng có rất nhiều công trình nghiên cứu về thơ Lý Bạch và mộng, nhưng nhìn chung vấn đề Mộng trong thơ ông vẫn chưa được chú ý, vẫn là vấn đề còn bỏ ngõ. 3. ĐỐI TƯỢNG VÀ PHẠM VI NGHIÊN CỨU CỦA ĐỀ TÀI Nguồn tư liệu nghiên cứu của luận văn bao gồm: Tư liệu nghiên cứu được sử dụng trong luận văn chủ yếu dựa vào bộ Lý Thái Bạch toàn tập, sách gồm 3 tập thượng, trung, hạ, do tác giả Vương Kỳ người đời Thanh chú thích, Nxb. Trung Hoa thư cục xuất bản năm 1995. Sở dĩ chúng tôi chọn bản chú thích này là bởi, đây không chỉ là bản chú thích trước nay được giới học thuật đánh giá cao, mà còn là bản duy nhất được thu thập, chỉnh lý và chú thích hoàn chỉnh ở Trung Quốc cho đến tận ngày nay. Và một số công trình văn học sử và lý luận văn học Trung Quốc. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng sử dụng một số công trình dịch thuật, nghiên cứu có liên quan đến cuộc đời, sự nghiệp thơ văn của Lý Bạch ở Việt Nam. Các bản dịch của: Ngô Tất Tố, Nhượng Tống, Ngô Văn Phú, Trần Trọng San, Tản Đà, Lê Lưu Nguyễn … thì có khoảng trên dưới 300 bài được tuyển dịch. Trước hết, chúng tôi lựa chọn tất cả các bài thơ đã được dịch tại Việt Nam, tập trung ở hai công trình có số lượng bài phong phú hơn cả là: “ Đường Thi tuyển dịch” của Lê Lưu Nguyễn và “Thơ Lý Bạch” của Ngô Văn Phú làm đối tượng tham khảo chính. Và cụ thể, chúng tôi quan tâm đi 9 sâu nghiên cứu những bài thơ trực tiếp chứa đựng yếu tố “mộng” làm đối tượng nghiên cứu chính và trực tiếp. Ngoài ra chúng tôi còn đặt vấn đề nghiên cứu vào trong mối quan hệ lịch sử, tôn giáo, văn hóa để tìm hiểu. Trên cơ sở đó, nắm bắt các khía cạnh văn hóa, lịch sử, tư tưởng xã hội để làm tư liệu hỗ trợ về mặt phương pháp luận. 4. PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU Những phương pháp chủ yếu được sử dụng: - Phương pháp tiểu sử tác giả: Cốt yếu tìm ra mối quan hệ biện chứng giữa ba nhân tố tác giả, bối cảnh xã hội (thời đại) và tác phẩm. - Phương pháp lịch sử: Tức đặt đối tượng nghiên cứu trong bối cảnh lịch sử khi nó ra đời, và cả trong thế so sánh với trước và sau đó để thấy được giá trị nhiều mặt của tác phẩm, của những thủ pháp nghệ thuật được sử dụng trong tác phẩm. - Phương pháp thống kê, phân loại và phân tích thi học: Trên cơ sở thống kê toàn bộ những trường hợp mộng được Lý Bạch sử dụng trong tác phẩm, tiến hành phân loại và phân tích thi học, để thấy được giá trị về mặt nội dung và nghệ thuật của hình ảnh cũng như của tác phẩm. - Phương pháp so sánh: So sánh hình ảnh mộng trong tác phẩm của Lý Bạch và hình ảnh mộng trong tác phẩm của một số tác giả cùng thời kỳ, hoặc trước và sau đó. - Phương pháp liên ngành: Khi nghiên cứu đề tài: Mộng trong thơ Lý Bạch chúng tôi chạm đến nhiều vấn đề thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau như: văn hóa, lịch sử, xã hội, tôn 10 giáo, nghệ thuật,…Cho nên chúng tôi cần thiết phải có sự hỗ trợ linh hoạt của phương pháp chuyên ngành từ các lĩnh vực trên. Ngoài ra, trong quá trình tìm hiểu, nghiên cứu tư liệu chúng tôi cũng sử dụng hai thao tác chính có tính truyền thống trong nghiên cứu văn chương là phân tích và tổng hợp. Tóm lại, với đề tài Mộng trong thơ Lý Bạch, chúng tôi sẽ góp phần tiến sâu thêm một bước và khu biệt được đối tượng vào vấn đề thể nghiệm mộng ảo trong thơ ca. Đóng góp một khía cạnh nho nhỏ trong nghiên cứu văn học cổ điển gắn liền với tuy duy mộng ảo. 5. BỐ CỤC CỦA LUẬN VĂN Ngoài phần mở đầu, kết luận, luận văn triển khai dưới ba chương: - Chương 1: Mộng và mộng trong văn học - Chương 2: Lý Bạch, con người và thơ ca - Chương 3: Thế giới mộng trong thơ Lý Bạch 11 CHƯƠNG 1 MỘNG VÀ MỘNG TRONG VĂN HỌC 1.1. MỘNG QUA CÁC NỀN VĂN HÓA CỔ XƯA Nói đến mộng, nói đến việc xem trọng sự tồn tại của mộng trong đời sống nhân loại, người ta rất hay nghĩ đến công trình nổi tiếng Giải mộng của Sigmund Freud, bác sĩ người Áo gốc Do Thái,cha đẻ của ngành Phân tâm học. Thực ra, từ thời cổ đại, thậm chí ngay từ thuở mông muội trong lịch sử nhân loại, trước khi các nhà triết học, tâm lý học chú ý đến sự tồn tại của mộng, mộng đã được con người đặc biệt chú ý, tất nhiên nó không chỉ tồn tại trong tiềm thức, mà gắn liền với ký ức của nhân loại, gắn liền với từng chặng đường phát triển của mỗi dân tộc. Có thể nói một cách hoàn toàn không khoa trương rằng, mộng là sự thể nghiệm mang tính đặc thù, cá nhân có ở tất cả mọi người, hoàn toàn không phân biệt kim cổ, Đông Tây, lớn bé. Chỉ cần bạn tiện tay lật mở điển tịch Đông Tây kim cổ, bạn sẽ dễ dàng bắt gặp hàng loạt những mộng đẹp, mộng dữ, mộng ngắn ngủi, mộng triền miên, mộng liên quan đến tình cảm, công việc, quá khứ, hiện tại, tương lai,… Chỉ có điều, ở đây chúng không chỉ đã thoát ly đặc tính tự nhiên, tức luôn gắn liền và tồn tại trong giấc ngủ của mỗi cá nhân, mà đã khoác lên mình nó tính xã hội, phản ánh quá trình phát triển trí tuệ của nhân loại, cũng như những đặc trưng trong tư duy thẩm mỹ của mỗi dân tộc. Dưới góc nhìn của khoa học hiện đại, mộng hoàn toàn chỉ là một hiện tượng tâm sinh lý bình thường. Tức khi chúng ta ngủ, có một số điểm của não hưng phấn không bị ức chế toàn diện và triệt để nên nó tiếp tục hoạt động mà 12 sinh ra mộng. Chính vì những nhân tố của các điểm hưng phấn có liên quan đến tác dụng của những vết hằn do những kích thích quá mạnh của tri giác, cảm giác trước hiện thực khách quan trước đây của con người, cho nên những cảnh mộng nói chung luôn phảng phất hình ảnh của cuộc sống đời thường. Do đại bộ phận vỏ đại não ở vào trạng thái bị ức chế mà những điểm hưng phấn trở nên bị cô lập. Điểm nọ với điểm kia mất đi sự liên hệ hữu cơ, thường nối lại với nhau bằng một phương thức kỳ lạ, ít ngờ nhất, cho nên giấc mộng thường mang tính hoang đường. Cũng bởi thế, việc nằm mộng xưa nay luôn được quan niệm là những hoạt động thuộc về thế giới linh hồn còn thân thể con người thì hầu như hoàn toàn không tham gia. Có nhiều ý kiến cho rằng hiện tượng mộng bắt nguồn từ quan niệm “vạn vật hữu linh”. Người đầu tiên nêu ra lý luận nói trên chính là E. P. Taylor - cha sinh của ngành Nhân loại học. Thuyết này ngày nay phần nhiều được giới khoa học dùng vào việc soi chiếu, cắt nghĩa những câu chuyện về mộng của thời viễn cổ. Người xưa cho rằng, mộng chính là linh hồn. Con người khi sinh ra đã có linh hồn cư trú sẵn trong thân thể, có tác dụng khống chế sự hoạt động của thân thể. Khi chúng ta ngủ mơ cũng chính là lúc linh hồn ra khỏi “khiếu” dạo chơi. Và khi linh hồn trở về với thân thể, đó cũng là lúc chúng ta tỉnh dậy. Khi con người chết, hồn sẽ không chết mà sẽ thoát khỏi xác bay lên. Quan điểm tương tự cũng được viết trong sách Lễ ký của người Trung Hoa. Sách viết rằng: “Khi người ta chết xương thịt tan vào đất còn khí dương bay lên như thứ ánh sáng sáng trong rực rỡ.” (Tử tất qui thổ, cốt nhục, tệ ư hạ, âm vi giã thổ, kỳ nhi phát dương, ư thượng vi chiêu minh.) Và “khí dương” ở đây chính chỉ phần linh hồn của con người. Việc quan niệm linh hồn con người bất tử, “thần bất tử”cũng chính là một trong những nguyên nhân quan trọng trong tín ngưỡng thờ thần, thậm chí là việc thờ đa thần trong 13 tín ngưỡng truyền thống của người Trung Hoa. Như vậy, cùng với sự bất tử của linh hồn, sự hiện hữu của mộng còn chứng minh cho sự hoạt động tự do của linh hồn con người, thế nên đây có thể xem là một lĩnh vực vô cùng thần bí. Như trên đây đã đề cập, nhìn từ tiến trình phát triển của lịch sử nhân loại, từ khi con người xuất hiện trên thế giới này, mộng cũng bắt đầu xuất hiện. Và từ cổ sơ cho đến tận ngày nay, mộng vẫn luôn được xem là một thế giới đầy bí ẩn và huyền bí đối với con người, khó lí giải một cách trọn vẹn. Từ cổ xưa, người Ai cập đã viết rất nhiều sách giải mộng, các chuyên gia ở lĩnh vực này cũng rất được chính quyền coi trọng. Kinh Cựu ước chép, Yosef vì giải mộng cho Pháp Lão nên rất được Pháp Lão tín nhiệm. Không lâu sau đó, Daniel cũng vì việc giải mộng cho quốc vương Babylon nên nhận được khoản tiền thưởng cực lớn. Ở phương Tây, trước khi thuyết Phân tâm học của Sigmund Freud ra đời khoảng hơn 2500 năm, theo ghi chép của một số sử gia, tại Hi Lạp có người luôn hành nghề giải mộng cạnh Aiyakeqium. Cũng vào thời ấy, sử gia Hy Lạp Herodotus cho rằng: “Mộng chủ yếu cấu thành từ những sự vật mà người nằm mộng nghĩ tới vào ban ngày”. Hai trăm năm sau, nhà thơ Hy Lạp Taokelidusi cho rằng: “Chó trong giấc ngủ mơ thấy thức ăn, ngư phủ trong giấc ngủ mơ thấy cá”. Quan niệm này thực sự đã rất gần với quan điểm của Freud về mộng, tức “mộng được kiến lập trên cơ sở nguyện vọng của người nằm mộng”. Sau đó không lâu, Aertaimduls, một nhà địa lý người Hi Lạp đã viết nguyên một cuốn sách, chuyên bàn về mộng và ý nghĩa của chúng. Đứng trên lập trường của Phân tâm học cận đại, người đầu tiên đưa ra quan điểm, có thể coi mộng là chú thích chân thực nhất cho quan niệm của cá nhân, chính là nhà văn, nhà tư tưởng người Pháp Monte. Ông quan niệm rằng: “Mộng là chú 14 thích đúng nhất cho rất nhiều sở thích, đam mê của con người chúng ta; nhưng chúng ta cần một nghệ thuật cho việc lý giải và phân loại chúng.” Ở Ấn Độ, thế giới quan mộng huyễn thấm đẫm trong Upanisad, một trong bốn bộ Phạn thư giải thích Veda từ góc độ triết học. Trong Yogavasistha, một tác phẩm xuất hiện cách ngày nay hàng nghìn năm, trong đó thể hiện những triết lý cực kỳ uyên thâm về mộng. Trong tác phẩm, Brahma, vị thần chủ được Bà la môn giáo (Brahmanism) tôn sùng, một đấng mà sự thức ngủ của người đều liên hệ đến toàn bộ sự sinh thành và huỷ diệt của đời sống. Thức là sinh thành, ngủ là huỷ diệt. Brahma đã kết hợp với Maya (tức sự huyễn ảo) để tạo thành thế giới. Trong Huyền thoại Vishnu và Narada, một đạo sĩ tên Narada tự hào rằng chính mình đã vượt qua sự ảo hóa (Maya) của đời sống. Narada theo lời Vishnu xuống suối lãng quên tắm, sau khi bước lên bờ, ông hoá thành một cô gái, sống đời cô gái, lấy chồng là một ông hoàng, sinh được tổng cộng tám người con. Thế rồi đất nước có giặc, cả tám người con cùng ra trận, và tất cả đều không có cơ hội trở về. Trong tình huống nói trên, Narada bừng tỉnh và biến mất. Ông hoàng đi tìm vợ (tức cô gái mà Narada đã hóa thân), nhưng không tìm thấy. Vishnu liền bảo cho ông biết: bản thân ông thực ra cũng chỉ là giấc mộng mà thôi. Theo kiến giải của Sankara Acharya (khoảng 789-820), người có công lớn trong việc sáng lập ra Ấn Độ giáo (Hinduism), Maya là thế giới ngoại cảnh, thế giới ảo ảnh. GS. Minh Chi trong Giáo trình triết học Ấn Độ đã giới thiệu lập luận của Sankara như sau: “Ishvara là Thượng đế của thế giới hiện tượng, Ishvara sáng tạo ra Maya, ảo tưởng (…). Không những Ishvara là Thượng đế của thế giới hiện tượng mà ông còn chủ trì việc thưởng phạt theo đúng luật nhân quả Karma. Phải chăng luật nhân quả tác động trong thế giới Maya cũng là Maya, ảo ảnh (…). Cuộc sống mà chúng ta đang sống là Maya. Sống hay chết đều là Maya. Vui hay buồn đều là Maya”. Sankara Acharya 15 viết: “Cũng như ảnh tượng trong cơn mộng, thế giới bị khuấy động bởi tình yêu, lòng căm thù và những độc hại khác. Cơn mộng càng kéo dài, ảnh tượng càng có vẻ như thật. Nhưng khi thức tỉnh, ảnh tượng liền tan biến”. Ra đời từ Ấn Độ, tư tưởng Phật giáo tuy được xem là một phản ứng mạnh chống lại uy quyền hướng dẫn tâm linh của truyền thống Bà la môn giáo, nhưng nhìn từ góc độ tư tưởng, Phật giáo đã tiếp thu nhiều yếu tố triết học sâu sắc từ suối nguồn Veda và Upanisad, hệ kinh điển chủ lực của Bà la môn giáo, đặc biệt là thế giới quan mộng ảo luôn thấm đẫm trong hệ thống kinh điển, tạng luận của Phật giáo. Từ khái niệm Maya trong triết học cổ đại Ấn Độ phát triển đến quan điểm “mộng huyễn bào ảnh” trong triết lý Phật giáo, đặc biệt là triết lý Phật giáo đại thừa, là cả một hành trình kỳ diệu của tâm linh. Trong Bát nhã tâm kinh, Phật nói: “Ngũ uẩn giai không”(Ngũ uẩn thảy đều hư không); lại nói: “sắc bất dị không, không bất dị sắc; sắc tức thị không, không tức thị sắc” (sắc không khác không, không không khác sắc; sắc chính là không, không chính là sắc); lại nói : “viễn ly điên đảo mộng tưởng, cứu cánh niết bàn” (con người ta nếu có thể rời bỏ những mộng tưởng viển vông, có thể đạt đến cõi niết bàn, thành Phật). Tinh thần của Kim cang kinh được đúc kết trong bài kệ văn ở cuối sách như sau: “Nhất thiết hữu vi pháp, như mộng huyễn bào ảnh; như lộ diệc như điện, ưng tác như thị quan.” (Các pháp hữu vi như mộng ảo, như bong bóng, như sương rơi, như điện, thảy đều vô thường, nên hiểu như vậy) - một bài kệ vừa uyên áo vừa giàu chất văn chương, tựa như bài thơ ngũ ngôn của Thi Phật Vương Duy. Bài kệ Lục như này có thể được xem như một sự thâu tóm tư tưởng của Phật giáo Đại thừa khi quán chiếu thế gian như huyễn mộng. Xem cõi đời như giấc mộng, như cơn gió thoảng qua, như giọt sương rơi chóng tan

Tìm luận văn, tài liệu, khoá luận - 2024 © Timluanvan.net