Phương pháp luận của thuyết cấu trúc và thuyết hậu cấu trúc

đang tải dữ liệu....

Nội dung tài liệu: Phương pháp luận của thuyết cấu trúc và thuyết hậu cấu trúc

ĐẠI HỌC QUỐC GIA THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH TRƯỜNG ĐẠI HỌC KHOA HỌC XÃ HỘI VÀ NHÂN VĂN HOÀNG PHÚ PHƯƠNG PHƯƠNG PHÁP LUẬN CỦA THUYẾT CẤU TRÚC VÀ THUYẾT HẬU CẤU TRÚC LUẬN VĂN THẠC SĨ TRIẾT HỌC THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH – 2012 ĐẠI HỌC QUỐC GIA THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH TRƯỜNG ĐẠI HỌC KHOA HỌC XÃ HỘI VÀ NHÂN VĂN HOÀNG PHÚ PHƯƠNG PHƯƠNG PHÁP LUẬN CỦA THUYẾT CẤU TRÚC VÀ THUYẾT HẬU CẤU TRÚC Chuyên ngành: TRIẾT HỌC Mã số: 60.22.80 LUẬN VĂN THẠC SĨ TRIẾT HỌC Người hướng dẫn khoa học: PGS.TS. PHẠM ĐÌNH NGHIỆM THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH – 2012 LỜI CAM ĐOAN Tôi xin cam đoan luận văn này là kết quả quá trình nghiên cứu của riêng tôi. Công trình này chưa từng được ai công bố. Nếu có gì sai trái, tôi xin chịu hoàn toàn trách nhiệm. Người thực hiện Hoàng Phú Phương MỤC LỤC Trang PHẦN MỞ ĐẦU ............................................................................................... 1 Chương 1: ĐIỀU KIỆN KINH TẾ-CHÍNH TRỊ-XÃ HỘI VÀ TIỀN ĐỀ LÝ LUẬN HÌNH THÀNH THUYẾT CẤU TRÚC VÀ THUYẾT HẬU CẤU TRÚC 1.1.Điều kiện kinh tế - xã hội - chính trị ......................................................... 11 1.2. Tiền đề lý luận .......................................................................................... 14 1.2.1. Tư tưởng Pháp 1900-1950 ............................................................... 15 1.2.2. Ngôn ngữ học cấu trúc Saussure ...................................................... 22 Chương 2: NỘI DUNG CƠ BẢN CỦA THUYẾT CẤU TRÚC, THUYẾT HẬU CẤU TRÚC VÀ PHƯƠNG PHÁP LUẬN CỦA NÓ 2.1. Nhân học cấu trúc của Lévi-Strauss ......................................................... 38 2.2. Tư tưởng cấu trúc và hậu cấu trúc của Jacques Lacan, M. Foucault và R. Barthes ........................................................................................................ 66 2.3. Tư tưởng hậu cấu trúc qua Jacques Derrida và Gilles Deleuze ............... 95 2.4. Phương pháp luận của thuyết cấu trúc, thuyết hậu cấu trúc và khác biệt giữa chúng ..................................................................................................... 125 2.4.1. Khái niệm phương pháp luận ......................................................... 125 2.4.2. Phương pháp luận của thuyết cấu trúc và thuyết hậu cấu trúc ....... 126 2.4.3. Sự khác biệt phương pháp luận giữa thuyết cấu trúc và thuyết hậu cấu trúc ......................................................................................................... 133 2.5. Ý nghĩa và hạn chế của phương pháp luận cấu trúc và hậu cấu trúc trong việc áp dụng vào nghiên cứu xã hội và văn hóa ........................................... 140 KẾT LUẬN ............................ 146 TÀI LIỆU THAM KHẢO ............................................................................ 151 1 PHẦN MỞ ĐẦU 1. Tính cấp thiết của đề tài Xã hội Tây phương nửa đầu thế kỷ XX với nhiều biến động về khoa học, công nghệ và mọi mặt của đời sống xã hội đã đòi hỏi những lý thuyết, phương pháp nghiên cứu, cách tiếp cận và lý giải mới. Từ đó, phát sinh một loạt những học thuyết mới như thuyết hiện sinh, thuyết nhân bản, hiện tượng học, thuyết cấu trúc, thuyết hậu cấu trúc, chủ nghĩa hậu hiện đại, v.v… Các học thuyết này phát triển và lan rộng một cách nhanh chóng trên khắp lục địa châu Âu và lan nhanh qua các quốc gia khác. Mặc dù, với thời gian, các học thuyết cũng dần bộc lộ những nhược điểm của chúng, nhưng trong thời kỳ hoàng kim của mình, chúng cũng góp phần rất lớn trong việc phát triển các khoa học, nhất là phương pháp luận và phương pháp của thuyết cấu trúc và hậu cấu trúc trong các khoa học xã hội và nhân văn lẫn khoa học tự nhiên. Nhìn chung, thuyết cấu trúc ra đời nhằm đối kháng với hai trào lưu lí luận thịnh hành những năm 40, 50 của thế kỷ XX là thuyết hiện sinh và hiện tượng học. Thuyết cấu trúc ra đời từ một sự công kích vào những quan điểm quá đề cao con người, đề cao tự do cá nhân của thuyết hiện sinh và vào cách tiếp cận độc tôn của hiện tượng học trong lĩnh vực nhận thức. Từ đó, thuyết cấu trúc đề ra nhiệm vụ nghiên cứu và nhận thức những cấu trúc tiềm ẩn, nằm bên dưới vốn qui định và chi phối những hoạt động và đời sống của con người, với niềm tin rằng có các mối liên hệ mang tính cấu trúc giữa các yếu tố cấu thành thực tại khác nhau. Nói chung, các nhà cấu trúc cho rằng một khi khám phá ra được những mối liên hệ này, chúng ta có thể tìm ra những cấu trúc ngầm chi phối thực tại. 2 Về mặt lí luận, thuyết cấu trúc ra đời trên nền tảng ứng dụng những nguyên lý trong ngôn ngữ học của F.de Saussure và R. Jakobson vào trong các lĩnh vực nghiên cứu như dân tộc học, xã hội học, tâm lý học, phê bình văn học, toán học, vật lý học… Vì thế, thuyết cấu trúc bao gồm rất nhiều các trường phái đa dạng trong rất nhiều lĩnh vực. Nhìn chung, nói đến thuyết cấu trúc người ta thường đề cập đến các trường phái cấu trúc sau: ngôn ngữ học cấu trúc của Ferdinand de Saussure, Trubetzkoy và Roman Jakobson, tâm lý học cấu trúc của Edward. B. Tichener, phân tâm học cấu trúc của Jacques Lacan, nhân học cấu trúc của Lévi-Strauss, kinh tế chính trị học của M. Keynes và Milton Friedman hoặc xa hơn là xã hội học chức năng của Talcott Parson, thuyết cấu trúc Mác xít của Louis Althusser và Nicos Poulantzas, thuyết cấu trúc trong phê bình văn học và phê phán văn hóa của Roland Barthes, Giải cấu của J. Derrida, triết học về sự khác biệt của Giles Deleuze… Theo Francois Dosse, tác giả của 2 tập bàn về Lịch sử thuyết cấu trúc, trong thời hoàng kim của mình, thuyết cấu trúc đã từng đóng vai trò lý luận dẫn đạo trong cả các khoa học xã hội và nhân văn lẫn khoa học tự nhiên. Vì thế, thuyết cấu trúc đã đề ra nhiều luận điểm đóng góp có giá trị về mặt phương pháp luận đối với nhiều lĩnh vực nghiên cứu. Hiện nay, nhiều luận điểm của thuyết cấu trúc vẫn còn giá trị nhất định và vẫn đang được cải biên và ứng dụng trong các lĩnh vực khoa học cụ thể. Đặc biệt các luận điểm của thuyết cấu trúc về sự chi phối của các cấu trúc tầng sâu dưới các hiện tượng xã hội và văn hóa, phương pháp tiếp cận “đối lập nhị phân”, nguyên tắc tương quan giữa cấu trúc tĩnh và cấu trúc động, nguyên tắc “cấu trúc cao hơn bộ phận”, kí hiệu học về văn hóa… theo chúng tôi là vẫn còn giá trị định hướng rất rõ trong các lĩnh vực nghiên cứu. 3 Ngoài ra, chúng tôi nhận thấy rằng mặc dù thuyết cấu trúc được đề cập và ứng dụng rất nhiều trong các khoa học, nhưng việc tiếp cận những luận điểm này trên phương diện xã hội và văn hóa ở Việt Nam vẫn còn đang trong tình trạng tản mạn. Trong khi đó, hiện nay có nhiều quan điểm cho rằng thuyết hậu cấu trúc (xuất phát từ các nguyên lý, phương pháp trong lí luận phê bình văn học, kí hiệu học (semiotics)) đang đóng vai trò cầu nối cho các tiếp cận xã hội và văn hóa. Đây là một sự biến đổi mới trong thuyết cấu trúc nói riêng cũng như trong cả khuynh hướng hậu hiện đại nói chung. Do đó, chúng tôi chọn đề tài “Phương pháp luận của thuyết cấu trúc và thuyết hậu cấu trúc”. Qua đề tài này chúng tôi mong muốn góp phần trình bày những nội dung, luận điểm phương pháp luận cơ bản của thuyết cấu trúc để từ đó: 1) giới thiệu tư tưởng của các tác giả trong thuyết cấu trúc và thuyết hậu cấu trúc; 2) cung cấp những luận điểm có giá trị về mặt phương pháp luận của thuyết cấu trúc và hậu cấu trúc trên phương diện triết học; 3) xác định bước chuyển phương pháp luận từ thuyết cấu trúc sang thuyết hậu cấu trúc trong những thập niên gần đây để thông qua những tác dụng tích cực của nó định hướng vận dụng vào thực tế nghiên cứu ở Việt Nam. 2. Tổng quan tình hình nghiên cứu đề tài Do sự phân nhánh của thuyết cấu trúc quá rộng và phức tạp, nên cho đến nay vẫn chưa có sự thống nhất về mặt học thuật một quan niệm về thuyết cấu trúc. Tuy vậy, chúng ta có thể nhận thấy rằng mặc dù các cách tiếp cận thuyết cấu trúc khác nhau đối với từng lĩnh vực nhưng tựu chung theo các định nghĩa nói trên thì thuyết cấu trúc có những đặc điểm chính sau:  Thuyết cấu trúc là một phương pháp luận nghiên cứu khoa học 4  Thuyết cấu trúc là một phương pháp, tất nhiên dù người ta có xem cách nhìn này là quá thu hẹp thuyết cấu trúc vào tính phương pháp của nó thì nó vẫn cứ là một phương pháp đã và đang được ứng dụng vào nhiều nghành nghiên cứu (cụ thể hiện nay là trong toán học, vật lý học và tâm lý học)  Thuyết cấu trúc nhấn mạnh đến sự tương tác qua lại giữa các thành tố cấu tạo các cấu trúc của thực tại, nhất là sự tồn tại của các cấu trúc ẩn sâu dưới các bề mặt hiện tượng trong mọi lĩnh vực của thực tại. Đặc biệt là trong lĩnh vực xã hội và văn hóa. Thuyết cấu trúc đã được nghiên cứu rất nhiều trên khắp thế giới. Nổi tiếng nhất là bộ Lịch sử Thuyết cấu trúc (2 tập) của Francois Dosse (bản dịch tiếng Anh năm 1998), bộ này trình bày căn kẽ mọi hoạt động của các nhà cấu trúc lẫn các nhà hậu cấu trúc về sau theo diễn tiến lịch sử và các sự kiện cuộc đời của các nhà tư tưởng cấu trúc. Theo chúng tôi, đây là một tác phẩm cần phải đọc để có thể nắm được tổng quan về hoạt động của thuyết cấu trúc và phương hướng vận động từ thuyết cấu trúc sang thuyết hậu cấu trúc; tuy nhiên, bộ này không tập trung trình bày các luận điểm tư tưởng cũng như phương pháp luận của phong trào này. Một tác phẩm cũng rất cần thiết là cuốn From Prague to Paris: A critique of structuralist and post-structuralist thought [Từ Prague đến Paris: Phê phán về tư tưởng cấu trúc và hậu cấu trúc] của J. G. Merquior (1986). Cuốn này trình bày chi tiết về diễn biến tư tưởng của thuyết cấu trúc từ thời kì đầu cho đến thuyết hậu cấu trúc, kèm theo một số nhận định phê phán của tác giả. Tuy nhiên, do tập trung quá sâu vào lĩnh vực thi ca, văn chương nên tác phẩm thật sự chưa làm nổi bật được nội dung phương pháp luận của thuyết cấu trúc và hậu cấu trúc. 5 Ngoài ra còn nhiều tác phẩm khác như Structuralist Poetics: Structuralism, Linguistics, and the Study of Literary [Thi học cấu trúc: thuyết cấu trúc, ngôn ngữ học và nghiên cứu văn học] của Jonathan Culler xuất bản năm 1975 bàn về thuyết cấu trúc trong lĩnh vực văn học; Cuốn The Concept of Structuralism [Khái niệm về thuyết cấu trúc] của Philip Pettit năm 1975 cũng là một cuốn dẫn nhập rất hay và ngắn gọn vào thuyết cấu trúc; cuốn Structuralism [Thuyết cấu trúc] của Jean Piaget năm 1970 là tác phẩm kinh điển thường được trích dẫn nhất khi bàn về thuyết cấu trúc. Các sách gần đây nhất bàn về thuyết cấu trúc và thuyết hậu cấu trúc thường là các dẫn nhập ngắn gọn như Poststructuralism: A very short introduction [Thuyết hậu cấu trúc: dẫn nhập ngắn] của Catherine Belsey năm 2002 (Oxford University Press); Structuralism and Poststructuralism For Beginners [Thuyết cấu trúc và thuyết hậu cấu trúc cho người nhập môn] của Donald. D.Palmer năm 1997; v.v… đều trình bày rất hay và đầy đủ về các tác giả của thuyết cấu trúc và hậu cấu trúc. Tuy nhiên, theo nghiên cứu của chúng tôi, việc bàn riêng về phương pháp luận của thuyết cấu trúc và thuyết hậu cấu trúc, tìm ra sự khác nhau giữa hai đường hướng khác nhau của thuyết cấu trúc vẫn chưa được tác giả nào trình bày chi tiết và đầy đủ. Ở Việt Nam, từ những năm trước 1975 cho đến nay đã có một số nhà khoa học đã dịch và nghiên cứu thuyết cấu trúc dưới góc độ Triết học và Dân tộc học. Như Bửu Lịch với Nhân chủng học và lược khảo thân tộc học xuất bản năm 1971. Trần Thiện Đạo tiếp cận nghiên cứu thuyết cấu trúc dưới góc độ phân tích một số tác giả của thuyết cấu trúc trong Chủ nghĩa hiện sinh và Thuyết cấu trúc (2001). Trịnh Bá Dĩnh tiếp cận dưới góc độ Văn học trong Chủ nghĩa cấu trúc và Văn học (2002). Vũ Quang Hà trong 6 Các lí thuyết xã hội học (2002) đã phân tích và tiếp cận thuyết cấu trúc dưới góc độ Xã hội học. Ngoài ra còn có một số bản dịch có liên quan đến thuyết cấu trúc như ( Xã hội học thế kỷ XX – Lịch sử và công nghệ (2003) của E. A Capitonov; Triết học phương Tây hiện đại (tái bản và bổ sung thành 1 quyển năm 2004) của Lưu Phóng Đồng; Nhập môn lý thuyết nhân học (2007) của Robert Layton, Các khái niệm và thuật ngữ của các trường phái nghiên cứu văn học ở Tây Âu và Hoa Kỳ thế kỷ 20 của I.P Ilin và E. A. Tzurganova (2003), và mới nhất là Theo vết chân những người khổng lồ một công trình dịch thuật những bài viết khoa học của Đỗ Lai Thúy Trong Nhân chủng học và lược khảo thân tộc học, Bửu Lịch không trình bày thuyết cấu trúc một cách riêng lẻ mà lồng ghép nó vào với các học thuyết dân tộc học khác trong một bối cảnh nghiên cứu chung. Do đó, dù được trình bày qua một số công trình nghiên cứu của Lévi-Strauss, nhưng thuyết cấu trúc chưa được trình bày đầy đủ và khái quát trên phương diên lý thuyết và phương pháp luận. Chủ nghĩa hiện sinh và Thuyết cấu trúc của Trần Thiện Đạo lại trình bày tổng quan về thuyết cấu trúc một cách tản mạn qua quan điểm của người viết, tuy cũng đã nêu bật được một số quan điểm quan trọng của thuyết cấu trúc như vấn đề tính lịch sử trong cách tiếp cận của thuyết cấu trúc qua hai tác giả tiêu biểu là Lévi-Strauss và Michel Foucault (đặc biệt là qua sự đối chiếu với quan niệm của thuyết hiện sinh của Jean Paul Satre). Trịnh Bá Dĩnh trong Chủ nghĩa cấu trúc và Văn học đã trình bày tổng quan khá đầy đủ về các lý thuyết cấu trúc trong nghiên cứu và phê bình văn học, đồng thời tác giả cũng đề cập đến thuyết cấu trúc trong các khoa học nhân văn. Tuy nhiên, Chủ nghĩa cấu trúc và Văn học là một tập hợp những bài dịch của một số nhà cấu trúc trong Văn học hơn là đưa ra lí luận và phương pháp luận của thuyết cấu trúc trong Văn học. Tác phẩm Triết học phương Tây hiện đại được Lê Khánh Trường dịch từ nguyên tác 7 tiếng Trung quốc của Lưu Phóng Đồng trình bày khá cặn kẽ về các trường phái của thuyết cấu trúc. Tuy nhiên, do thuyết cấu trúc được tác giả trình bày chỉ như một phong trào Triết học trong tiến trình Triết học Tây phương nên chưa thật sự nêu bật được những ưu, khuyết điểm của thuyết cấu trúc và cũng chưa trình bày có hệ thống những luận điểm phương pháp luận của nó. Xã hội học thế kỷ XX – Lịch sử và công nghệ và Các lí thuyết xã hội học lại chỉ trình bày sơ bộ về thuyết cấu trúc trong xã hội học chứ chưa đi sâu vào nội dung chính. Nhập môn lý thuyết nhân học (2007) của Robert Layton do Phan Ngọc Chiến dịch đã trình bày khá đầy đủ (gần 70 trang) về nội dung của thuyết cấu trúc trong nghiên cứu nhân học, tuy nhiên vẫn chỉ bó hẹp trong các tác phẩm của Lévi-Strauss. Quyển theo Theo vết chân những người khổng lồ của Đỗ Lai Thúy đã trình bày 2 bản dịch khá khái quát về lý thuyết cấu trúc và bước ngoặt hậu cấu trúc từ trang 209 đến 290. Hai bản dịch này cung cấp được cho người đọc những mốc lớn, những tác giả lớn và những nội dung cơ bản của thuyết cấu trúc trong chiều sâu lịch sử của nó. Tuy nhiên, theo chúng tôi, ý nghĩa phương pháp luận triết học của bước ngoặt này vẫn chưa được nhìn nhận đầy đủ. Nhìn chung, tuy các tác giả đã tiếp cận thuyết cấu trúc dưới nhiều góc độ, nhưng điểm chung là mặc dù các tác giả đã có những đóng góp nhất định trong việc phổ biến tri thức khoa học nhưng chưa hệ thống hóa các phạm trù, khái niệm mang tính phương pháp luận và các phương pháp của thuyết cấu trúc. Vì vậy, họ chỉ trình bày một số lý luận tản mạn và có một số tác giả của thuyết cấu trúc chứ chưa đề cập nhiều đến hệ thống phương pháp luận của thuyết cấu trúc cũng như bước phát triển của nó sang thuyết hậu cấu trúc trên phương diện phương pháp luận nghiên cứu trong các khoa học. Do đó, chúng tôi chọn nghiên cứu đề tài “Phương pháp luận của thuyết cấu trúc và thuyết hậu cấu trúc” nhằm bổ sung và khái quát những 8 điểm còn thiếu trong việc trình bày thuyết cấu trúc ở Việt Nam hiện nay. Vì thế, đề tài sẽ nghiên cứu và khái quát những quan điểm lý thuyết cơ bản mang tính phương pháp luận và các phương pháp của thuyết cấu trúc; đồng thời chỉ ra những bước chuyển phương pháp luận từ thuyết cấu trúc sang thuyết hậu cấu trúc trong lĩnh vực nghiên cứu xã hội và văn hóa. 3. Mục đích và nhiệm vụ và phạm vi nghiên cứu của luận văn 3.1. Mục đích của luận văn Đề tài khái quát sự hình thành thuyết cấu trúc, thuyết hậu cấu trúc và phương pháp luận của nó qua tư tưởng của các tác giả tiêu biểu, chỉ ra thuyết hậu cấu trúc là sự tiếp bước thuyết cấu trúc trên phương diện phương pháp luận và ý nghĩa phương pháp luận của chúng trong nghiên cứu xã hội và văn hóa. 3.2. Nhiệm vụ của luận văn Luận văn tập trung vào bốn nhiệm vụ chính: 1. Trình bày một số điều kiện kinh tế-chính trị-xã hội hình thành thuyết cấu trúc và thuyết hậu cấu trúc 2. Khái quát một số tư tưởng chính trong sự hình thành thuyết cấu trúc và thuyết hậu cấu trúc. 3. Phân tích và tổng hợp tư tưởng của các nhà cấu trúc và hậu cấu trúc qua các thời kỳ. 4. Xác định và trình bày phương pháp luận cấu trúc và phương pháp luận hậu cấu trúc; rút ra những nội dung phương pháp luận triết học, ý nghĩa và hạn chế của nó trong nghiên cứu xã hội và văn hóa. 9 3.3. Phạm vi nghiên cứu Các mô hình thuyết cấu trúc cổ điển (qua các tác giả tiêu biểu: Lévi- Strauss, J. Lacan và M. Foucault thời kỳ đầu) và thuyết hậu cấu trúc (qua các tác giả lớn R. Barthes, M. Foucault thời kỳ sau, J. Derrida, G. Deleuze) trên phương diện phương pháp luận triết học. Do đó, đề tài chỉ giới hạn trong việc tiếp cận các hệ lý thuyết của thuyết cấu trúc và hậu cấu trúc liên quan đến việc nghiên cứu xã hội và văn hóa, chứ không đi vào chi tiết tất cả mọi trường phái nghiên cứu trong thuyết cấu trúc và hậu cấu trúc 4. Cơ sở lý luận và phương pháp nghiên cứu của luận văn Luận văn được nghiên cứu dựa trên thế giới quan, phương pháp luận của chủ nghĩa duy vật biện chứng và chủ nghĩa duy vật lịch sử, phương pháp kết hợp lôgic-lịch sử và các phương pháp khác như phân tích, tổng hợp, so sánh… Ngoài ra, luận văn cũng sử dụng các phương pháp triết học như mô tả hiện tượng học, tiếp cận thông diễn học… 5. Ý nghĩa khoa học và thực tiễn của luận văn - Làm sáng tỏ bước chuyển từ thuyết cấu trúc cổ điển (thập niên 1950, 1960) sang thuyết hậu cấu trúc (khoảng từ thập niên 1970 đến nay) trên phương diện phương pháp luận triết học. - Luận văn có thể được sử dụng làm tài liệu tham khảo, phục vụ cho việc nghiên cứu, học tập môn “Lịch sử tư tưởng triết học hiện đại” trong các trường đại học, cũng như cho các bộ môn có liên quan như Lý luận văn học, Nhân học, Dân tộc học, Tâm lý học, Xã hội học… 6. Kết cấu của luận văn 10 Luận văn bao gồm 2 chương, 7 tiết và phần mở đầu, kết luận, danh mục tài liệu tham khảo Chương 1: Điều kiện kinh tế-chính trị-xã hội và tiền đề lý luận hình thành thuyết cấu trúc và thuyết hậu cấu trúc Gồm hai tiết (chia thành ba tiểu tiết) 4.1. Điều kiện kinh tế-chính trị-xã hội 4.2. Tiền đề lý luận Chương 2: Nội dung tư tưởng của thuyết cấu trúc và thuyết hậu cấu trúc và phương pháp luận của nó Gồm năm tiết 2.1. Nhân học cấu trúc của Lévi-Strauss 2.2. Tư tưởng cấu trúc và hậu cấu trúc của Jacques Lacan, Michel Foucault và Roland Barthes 2.3. Tư tưởng hậu cấu trúc qua Jacques Derrida và Gilles Deleuze 2.4. Phương pháp luận của thuyết cấu trúc và thuyết hậu cấu trúc và sự khác biệt giữa chúng 2.5. Ý nghĩa và hạn chế của phương pháp luận cấu trúc và hậu cấu trúc trong việc áp dụng vào nghiên cứu văn hóa và xã hội 11 Chương 1 ĐIỀU KIỆN KINH TẾ-CHÍNH TRỊ-XÃ HỘI VÀ TIỀN ĐỀ LÝ LUẬN HÌNH THÀNH THUYẾT CẤU TRÚC VÀ THUYẾT HẬU CẤU TRÚC 1.1. ĐIỀU KIỆN KINH TẾ-CHÍNH TRỊ-XÃ HỘI Thuyết cấu trúc là một phong trào trí tuệ bắt nguồn và ngự trị trong tư tưởng Pháp suốt những thập niên 1950, 1960 và lần đầu tiên được đưa vào ứng dụng thực tiễn thông qua công trình nghiên cứu của nhà nhân chủng học Claude Lévi-Strauss. Không chỉ là một phong trào trí thức có nhiều phân nhánh trong thế kỷ XX, thuyết cấu trúc còn là một nỗ lực muốn mang lại địa vị khoa học cho nhận thức về ngôn ngữ, văn hóa và xã hội. Sở dĩ thuyết cấu trúc được phát triển và được hoan nghênh như ngày nay một phần là nhờ ở uy tín của Lévi-Strauss; những công trình nghiên cứu trong lĩnh vực dân tộc học của ông, đặc biệt là những công trình nghiên cứu thần thoại các dân tộc Da đỏ ở châu Mỹ, đã được thừa nhận rất rộng rãi trong giới khoa học. Chính sự công kích của thuyết hiện sinh (Sartre) và sự đáp trả của Lévi-Strauss trong cuốn Tư duy hoang dã đã gây lên tiếng vang lớn cho thuyết cấu trúc. Vì thế, thập niên 1960 được xem là mùa bội thu của các công trình xuất bản của thuyết cấu trúc và về thuyết cấu trúc ở Pháp. Tạp chí Esprit dành trọn tháng 5 năm 1963 để bàn về quyển Tư duy hoang dã và một cuộc hội nghị bàn tròn gồm Lévi-Strauss, Paul Ricoeur, Mikel Dufrene, Jean Cuisenier và những người khác. Tháng 11 năm 1966, tạp chí Les Temps Modernes (dưới thời Sartre làm biên tập) đã bàn về những vấn đề của thuyết cấu trúc trong toán học, sử học, chủ nghĩa Marx và phê bình văn học cũng như nỗ lực định nghĩa thuyết cấu trúc. Tháng 5 năm 1967, tạp chí Esprit tuyên bố thuyết cấu trúc chính thức là thuyết “thời thượng” và nêu ra 12 tên tuổi 4 đại diện tiêu biểu là Lévi-Strauss, Jacques Lacan (với tác phẩm Các bài viết đã chứng minh cái vô thức là được cấu trúc giống như một ngôn ngữ), Louis Althusser (với tác phẩm Đọc Tư bản và Vì Marx muốn phiên dịch lại Marx bằng phương pháp luận cấu trúc) và Michel Foucault (với tác phẩm Từ và Vật đã đưa thuyết cấu trúc lên đỉnh cao không những bằng cái chết của các khoa học xã hội mà cả bằng cái chết của con người). Danh tiếng không kém là những ấn phẩm của Yale French Studies và những biên bản của một cuộc hội nghị quốc tế tổ chức ở Baltimore vào tháng 10 năm 1966 với những nhà cấu trúc nổi tiếng như Roland Barthes, Jacques Derrida, Lucien Goldmann (nhà cấu trúc gen), và Jacques Lacan. Francois Dose khi nghiên cứu về thuyết cấu trúc trong 2 quyển Lịch sử thuyết cấu trúc nổi tiếng đã viết: “Thập niên 50 rõ ràng là thời kỳ nở rộ của các hiện tượng cấu trúc và đến thập niên 60 thì thuyết cấu trúc đã trở thành một phong trào trí thức nổi trội. Có thể xem năm 1966 là điểm qui chiếu trung tâm của sự phổ biến thuyết cấu trúc. Đây là năm hoạt động của thuyết cấu trúc tỏa ra mạnh nhất trong đời sống tri thức và cường độ của hỗn hợp của một vũ trụ của các kí hiệu tỏa sáng vượt khỏi mọi biên giới giữa các bộ môn đã được xây dựng.”1 Thế nhưng, cũng từ năm 1967, một phong trào mới đã nổi lên, tra vấn và mở rộng những ý tưởng của thuyết cấu trúc, cấu thành nên một dòng tư tưởng mới: Thuyết hậu cấu trúc, qua tác phẩm của các triết gia như Jacques Derrida, Michel Foucault, Luce Irigaray, Jean Francois Lyotard, Roland Barthes… 1 Dosse, Francois (1998), History of Structuralism (vol 1), Deborah Glassman dịch từ tiếng Pháp, University of Minnerosa Press, phần Dẫn nhập xviv. 13 Như ta đã thấy, hầu hết các gương mặt cấu trúc đều xuất phát từ nước Pháp và thế giới nói tiếng Pháp, nên có thể cho rằng thuyết cấu trúc là một đặc sản trí tuệ của Pháp. Đến đây, chúng ta hãy điểm qua vài nét về lịch sử nước pháp từ sau chiến tranh thế giới thứ hai và diện trường tư tưởng Pháp để có cái nhìn tổng quan về lịch sử hình thành thuyết cấu trúc và hậu cấu trúc. Về kinh tế-xã hội-chính trị, với thời phồn vinh từ 1953 đến 1957, thì khi nước Pháp đệ ngũ cộng hòa thành lập nền kinh tế Pháp đã bắt đầu suy thoái. Cuộc chiến tranh Algeria đã làm hao tổn rất nhiều tiền bạc, khiến quốc khố nước Pháp trở nên trống rỗng, mức lạm phát tăng cao. Bước vào thập niên 1960, tốc độ phát triển kinh tế Pháp tương đối nhanh. Thời gian từ 1960 đến 1970, tổng giá trị sản xuất trong nước Pháp đã tăng 5.6%. Tuy một số ngành công nghiệp truyền thống như dệt, than đá, có phần suy thoái nhưng nhìn chung, các ngành công nghiệp mới lại đang phát triển rất nhanh. Tuy dân số Pháp tăng trưởng rất chậm từ đầu thế kỷ XIX đến sau chiến tranh thế giới thứ 2, nhưng chỉ trong vòng 20 năm từ 1950 đến 1970, dân số Pháp đã tăng từ 41 triệu lên 50 triệu người. Trong số này, dân số nông dân đã suy giảm, còn các ngành nghề trong lĩnh vực sản xuất lại gia tăng nhanh chóng, chiếm 40% dân số [95, 253-268]. Sự thay đổi kết cấu dân số này phần nào đã phản ánh sự phát triển của nền kinh tế Pháp. Diện trường chính trị Pháp của De Gaulle cũng gia tăng uy tín lớn trên trường quốc tế. Tuy nhiên, chính trị Pháp vẫn gây nhiều xáo trộn trong đời sống kinh tế-chính trị, nổi bật nhất là phong trào quần chúng-sinh viên tháng 5 năm 1968. Phong trào này bắt đầu từ một phân viện của đại học Paris, mục tiêu đấu tranh là nằm vào chế độ giáo dục và các giáo sư ở nhà trường. Những cuộc đấu tranh nhanh chóng mở rộng, sinh viên các trường bãi khóa xuống đường tuần hành, biểu tình. Một số sinh viên chiếm nhà trường, xây dựng rào cản trên 14 đường phố, bắt đầu xung đột với cảnh sát do chính phủ phái đến. Ngày 12 tháng 5 cùng năm, công nhân cũng xuống đường, yêu cầu giảm giờ làm, đảm bảo tiền lương. Ngày 13 tháng 5, công nhân và học sinh sinh viên hợp tác tổ chức tổng bãi khóa, tổng bãi công đồng thời tổ chức một cuộc tuần hành đại qui mô gồm gần 200.000 người tại quảng trường Bastille. Phong trào này đã đạt được một số thành công như lương tối thiểu của công nhân được tăng 35%, De Gaulle hứa hẹn sẽ tiến hành cải cách giáo dục, tạo ra một bước ngoặt cho kinh tế-chính trị-xã hội Pháp. Tuy nhiên, do không có cương lĩnh rõ ràng và không có sự lãnh đạo nên phong trào cũng tan rã. Từ quan điểm Mác-Lênin, chúng tôi cho rằng trước sức ép mới của thời đại, cùng những xáo trộn trong cơ sở hạ tầng của nền kinh tế-chính trị Pháp thời ấy đã tạo ra một sự thay đổi rất mạnh mẽ trong tư duy và hệ tư tưởng của người dân Pháp, nhất là giới đại học. Điều này khiến cho hệ thống tư sản Pháp thời ấy phải thay đổi nhiều chính sách về giáo dục, kinh tế, xã hội, đồng thời làm cho diện trường tư tưởng tư sản Pháp lung lay, mất phương hướng. Điều này phản ánh rõ nhất là sự du nhập nhiều tư tưởng nước ngoài, nhất là tư tưởng Đức và sự đa dạng của các học thuyết triết học và khoa học trên diện trường trí tuệ Pháp. Và chính trong sự phản ứng lại trước các tư tưởng này, nhằm tìm một hướng đi mới trước sự phát triển khoa học, kinh tế, chính trị Pháp mà thuyết cấu trúc đã ra đời, đồng thời cũng tạo tiền đề cho sự ra đời thuyết hậu cấu trúc. 1.2. TIỀN ĐỀ LÝ LUẬN Trong phần này, chúng tôi sẽ trình bày một số tư tưởng và học thuyết triết học ảnh hưởng đến sự ra đời của thuyết cấu trúc. Đồng thời chúng tôi cũng rút ra một số điểm khác và giống nhau giữa thuyết cấu trúc và các học 15 thuyết ấy để làm nổi bật sự ra đời cần thiết của luồng tư tưởng mới là thuyết cấu trúc trong xã hội Pháp thời ấy. 1.2.1. Tư tưởng Pháp 1900-1950 Trước chiến tranh thế giới thứ 2, do chủ nghĩa tự do thế tục, quá trình dân chủ hóa lớn mạnh, các triết gia quan tâm nhiều đến khoa học, tự do con người và mối quan hệ giữa khoa học và con người. Trong các năm tháng giữa hai cuộc thế chiến, xã hội học Durkheim, nổi lên cùng với sự xây dựng lại Pháp sau chiến tranh Pháp-Phổ, và triết học Bergson, trước thế chiến I, thống trị đại học và sân khấu trí tuệ Pháp. Thuyết cấu trúc bác bỏ hai mô hình tư tưởng này: mô hình thực chứng xã hội học Durkheim muốn qui giản các khoa học con người vào một nhánh của các khoa học tự nhiên; và mô hình lãng mạn (thường là chủ trương phi lý tính) của Bergson muốn giữ khoảng cách an toàn với khoa học bằng cách nhấn mạnh lên tính cách chủ quan không thể qui giản được của kinh nghiệm con người. Đối với thuyết cấu trúc, bất kỳ nỗ lực nào muốn hiểu thế giới con người đều phải chống lại hai mô hình tư duy trên. Tuy nhiên, mô hình Durkheim và mô hình Bergson đã mang lại cho thuyết cấu trúc ý tưởng về cái chết của chủ thể (do đó dẫn đến sự lên ngôi của cấu trúc trong tư tưởng thuyết cấu trúc) ở chỗ cả hai mô hình đều phản bác cái Tôi của Descartes: Durkheim thay thế cái Tôi của Descartes bằng ý thức tập thể, còn Bergson cho rằng cái Tôi của Descartes chỉ là điểm giao cắt của đà sống vĩnh cửu mà thôi. Dó đó cả hai đều đưa cái tôi thường nghiệm phụ thuộc vào một thực tại cao hơn con người cá nhân (hoặc chủ quan, có tính tinh thần như của Bergson hoặc khách quan thế tục như của Durkheim) [88, 14- 24]. 16 Sau thế chiến thứ 2, diện trường tư tưởng Pháp đã có nhiều biến đổi. Trước sự tàn phá của chiến tranh, sự bành trướng của chủ nghĩa tư bản, và sự tan rã của các giá trị truyền thống, con người thế hệ thập niên 50 ở Pháp rơi vào khủng hoảng, mất điểm tựa tinh thần cho cuộc sống của mình. Do đó, nhiều câu hỏi đã được đặt ra như: làm sao để xác lập được một cơ sở cho ý nghĩa của sự hiện hữu của cá nhân trong một thế giới phi lý tính? Phải tìm kiếm một thế đứng để phê phán xã hội của chính mình như sự biến dạng của sự hiện hữu con người, tức là phải tìm kiếm cho được nền tảng cho hiện sinh con người và điều kiện khả thể cho xã hội, ở đâu? Đâu là cơ sở để lý giải các hiện tượng văn hóa có ý nghĩa của con người? Thuyết cấu trúc ra đời cũng từ những câu hỏi này. Trước những câu hỏi đó, các mô hình tư tưởng trước đây đã không thể trả lời được, do đó thế hệ này đã đi theo cảm hứng nhân bản luận, tìm cách khôi phục con người hiện thực khỏi những thần thoại của chủ nghĩa nhân bản tư sản, nắm bắt ý nghĩa đích thực của con người bằng các nghiên cứu khoa học thuần lý, quay trở lại với thực tại của đời sống hàng ngày của cá nhân: nghiên cứu Con người cụ thể hiện thực. Ranh giới của nhận thức, của nghĩa, của chân lý chính là ranh giới của sự hiện hữu hiện thực hàng ngày. Nhưng ở Pháp, chủ nghĩa cá nhân không gắn kết với truyền thống được, bởi truyền thống gắn với chủ nghĩa cộng hòa, do đó tư tưởng Pháp đã du nhập các triết học bên ngoài. Thập niên 1930, Hegel của Jean Hyppolite trở thành nguồn tư tưởng dẫn đạo ở Pháp, quan niệm của Hegel về một lịch sử biện chứng bao quát toàn bộ là nguồn suối tư tưởng quan trọng cho các phản tư triết học và chính trị trong suốt nhiều thập niên. Đại thể việc tiếp nhận Hegel ở Pháp là như sau: rất nhiệt tình ở cuối thập niên 1920; nổi trội trong thập nhiên 1930 và đạt đỉnh cao trong những năm thế chiến II. Lối đọc

Tìm luận văn, tài liệu, khoá luận - 2024 © Timluanvan.net