Xã hội nhật bản trước cải cách taika (năm 646)

đang tải dữ liệu....

Nội dung tài liệu: Xã hội nhật bản trước cải cách taika (năm 646)

ĐẠI HỌC QUỐC GIA THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH TRƯỜNG ĐẠI HỌC KHOA HỌC XÃ HỘI VÀ NHÂN VĂN ----------------------------------------------------- NGUYỄN THÙY TIÊN XÃ HỘI NHẬT BẢN TRƯỚC CẢI CÁCH TAIKA (NĂM 646) LUẬN VĂN THẠC SỸ CHUYÊN NGÀNH CHÂU Á HỌC Thành phố Hồ Chí Minh – năm 2015 ĐẠI HỌC QUỐC GIA THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH TRƯỜNG ĐẠI HỌC KHOA HỌC XÃ HỘI VÀ NHÂN VĂN ----------------------------------------------------- NGUYỄN THÙY TIÊN XÃ HỘI NHẬT BẢN TRƯỚC CẢI CÁCH TAIKA (NĂM 646) LUẬN VĂN THẠC SỸ CHUYÊN NGÀNH: CHÂU Á HỌC MÃ SỐ: 60.31.50 Người hướng dẫn khoa học: PGS.TS. NGUYỄN TIẾN LỰC Thành phố Hồ Chí Minh – năm 2015 MỤC LỤC MỞ ĐẦU ·························································································· 3 1. Lý do chọn đề tài ············································································ 3 2. Mục đích và nhiệm vụ đề tài ······························································ 5 3. Ý nghĩa khoa học và thực tiễn····························································· 6 4. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu ························································ 6 5. Cơ sở lí luận và phương pháp nghiên cứu ··············································· 7 6. Lịch sử nghiên cứu vấn đề ································································ 10 7. Bố cục của luận văn ······································································· 12 CHƯƠNG 1: TỔNG QUAN VÊ NHẬT BẢN TRƯỚC CẢI CÁCH TAIKA ····· 13 1.1. Điều kiện tự nhiên – dân cư ·························································· 13 1.1.1. Ảnh hưởng của điều kiện tự nhiên đến sự hình thành nền kinh tế Nhật Bản ··························································································· 13 1.1.2. Điều kiện tự nhiên ảnh hưởng đến sự hình thành xã hội Nhật Bản ·········· 16 1.1.2 Dân cư Nhật Bản ···································································· 22 1.2. Nhật Bản trước cải cách Taika – Vị trí và Ý nghĩa trong bức tranh lịch sử Nhật Bản ··················································································· 25 1.2.1. Vị trí lịch sử ········································································· 25 1.2.2. Ý nghĩa lịch sử ······································································ 29 Tiểu kết chương một ········································································ 30 CHƯƠNG 2: XÃ HỘI NGUYÊN THỦY NHẬT BẢN ································· 32 2.1. Cơ sở kinh tế ············································································ 32 2.1.1. Săn bắn – hái lượm và nghề biển ················································· 33 2.1.2. Sản xuất - Trao đổi ································································· 36 2.1.2.1. Sản xuất ········································································· 36 2.1.2.2. Trao đổi: ········································································ 37 2.1.3. Nông nghiệp sơ khai ······························································· 38 2.2. Cơ sở xã hội ·············································································· 42 2.2.1. Hình thức cư trú ····································································· 42 2.2.2. Khu định cư – cộng đồng làng xã ················································ 44 1 2.3. Tín ngưỡng ·············································································· 48 2.4. Các tiền đề phát triển hình thái xã hội tiếp theo ································· 50 2.4.1. Tiền đề nội lực ······································································ 50 2.4.2. Tiền đề ngoại lai ···································································· 50 Tiểu kết chương hai ········································································· 51 CHƯƠNG 3: XÃ HỘI PHONG KIẾN THƠI KỲ ĐẦU Ở NHẬT BẢN ············ 53 3.1. Cơ sở kinh tế ············································································ 53 3.2. Cơ sở xã hội ·············································································· 55 3.2.1. Tổ chức Cộng đồng – thôn xã····················································· 56 3.2.1.1. Cộng đồng thị tộc ······························································ 56 3.2.1.2. Cộng đồng Bộ dân ····························································· 57 3.2.2. Phân hóa xã hội ····································································· 61 3.3. Thiết chế tổ chức chính trị của Nhà nước Yamato ······························ 64 3.3.1. Tổ chức quyền lực ở trung ương ················································· 64 3.3.1.1. Đại vương ······································································· 64 3.3.1.2. Oomi (大臣 Đại thần) - Omuraji (大連 Đại liên) ························ 67 3.3.1.3. Be (部 Bộ) ······································································ 72 3.3.2. Tổ chức quyền lực địa phương ··················································· 74 3.4. Đời sống và sinh hoạt tinh thần ····················································· 76 3.4.1. Shinto (神道 Thần đạo) ···························································· 77 3.4.2. Đạo Phật ············································································· 79 3.5. Các tiền đề phát triển hình thái kinh tế xã hội tiếp theo ······················· 82 Tiểu kết chương ba ·········································································· 84 KẾT LUẬN ······················································································ 86 TÀI LIỆU THAM KHẢO ···································································· 89 Bài trích báo – tạp chí: ······································································· 89 Sách tiếng Việt: ··············································································· 89 Sách tiếng Nhật: ··············································································· 91 Các trang web ················································································· 91 PHỤ LỤC HÌNH ẢNH ········································································ 92 2 MỞ ĐẦU 1. Lý do chọn đề tài Thiết nghĩ, việc nghiên cứu lịch sử chính là ngược dòng thời gian để tìm hiểu lại những sự việc, sự kiện, những đặc trưng để tìm ra quy luật vận động và biến đổi trong xã hội loài người. Thông thường người ta dựa trên ba yếu tố để làm rõ những nguyên nhân nào đã khiến sự việc, sự kiện xảy ra, đã tạo nên những thay đổi, đã mang lại những thành quả như thế nào. Một là, đặc điểm và thực trạng của sự việc xảy ra trong thời đại đó; Hai là, ảnh hưởng của sự việc đến thời đại; Ba là, ý nghĩa của ảnh hưởng ấy đến sự vận động và phát triển của thời đại. Trên tinh thần ấy, chúng tôi đã quyết định chọn đề tài thuộc lĩnh vực lịch sử - xã hội, nhằm lần từ cái gốc nguyên nhân của thực trạng xã hội Nhật Bản thời cổ đại, cũng như lý giải phần nào những đặc tính của xã hội Nhật Bản, từ đó thấy được khuynh hướng vận động và phát triển của xã hội Nhật Bản các giai đoạn về sau. Thông qua đề tài “XÃ HỘI NHẬT BẢN TRƯỚC CẢI CÁCH TAIKA (NĂM 646)”, chúng tôi mong muốn làm sáng tỏ các vấn đề trên. Cơ cấu xã hội chứa đựng câu trả lời cho những câu hỏi về nguồn gốc, động lực và xu hướng biến đổi của toàn bộ hệ thống xã hội. Vì vậy, nghiên cứu cơ cấu xã hội Nhật Bản tiền Cải cách Taika chính là tìm ra câu trả lời về nguồn gốc, động lực và xu hướng biến đổi của hệ thống xã hội Nhật Bản. Bên cạnh đó, có thể thấy rằng về mảng lịch sử cổ đại Nhật Bản có rất ít tư liệu và công trình nghiên cứu. Những thông tin mà người ta biết được về Nhật Bản cổ đại khá ít ỏi và thiếu sâu sắc. Ngoài ra, cũng như nhiều nước phương Đông cổ đại khác, xung quanh vấn đề hình thái kinh tế - xã hội của Nhật Bản cổ đại vẫn tồn tại nhiều ý kiến. Đó là một xã hội chiếm hữu nô lệ, một xã hội phong kiến hay một xã hội mà theo Mác gọi là xã 3 hội “phương thức sản xuất của châu Á”? Nghiên cứu để tài này để góp phần trả lời cho bản chất của quốc gia cổ đại Nhật Bản. Thông qua nghiên cứu đề tài “XÃ HỘI NHẬT BẢN TRƯỚC CẢI CÁCH TAIKA (NĂM 646)” là để thấy được những đặc trưng riêng biệt của xã hội Nhật Bản. Đồng thời sẽ nhận ra cái chung của Nhật Bản cũng giống như các nước phương Đông cổ đại khác (về quá trình hình thành, thực trạng xã hội, kết cấu giai cấp, cơ sở kinh tế, tôn giáo – tín ngưỡng). Tuy không gian và thời gian khác nhau, nhưng sau quá trình tan rã công xã nguyên thủy, hầu như ở các xã hội phương Đông cổ đại đều xuất hiện các tiền đề cho chế độ phong kiến và Nhật Bản cũng không nằm ngoài hệ thống đó. Bên cạnh đó việc nghiên cứu đề tài càng làm sáng tỏ đặc trưng của xã hội phương Đông từ thời cổ đại là tương đối giống nhau, bởi có sự tiếp xúc, giao thoa và “tiếp biến” của nhau. Các giá trị trên quần đảo Nhật Bản có được là nhờ quá trình bảo tồn những cái cố hữu, song song với quá trình chủ động du nhập và “tiếp biến” các thành quả văn hóa – văn minh từ các quốc gia khác. Mối quan hệ gần gũi và gắn bó của các quốc gia phương Đông đã hình thành từ rất sớm. Nhật Bản tuy là một quốc gia quần đảo, có vị trí địa lí hoàn toàn cô lập với lục địa, nhưng lại không thể phát triển một cách biệt lập mà không bị chi phối bởi các yếu tố ngoại lai. Ngược lại chính các yếu tố này tác động rất mạnh mẽ lên thực tế xã hội Nhật Bản và khuynh hướng vận động, phát triển của Nhật Bản các giai đoạn về sau. Qua đó có căn cứ khẳng định rằng, từ xa xưa, dù cho những cách trở về mặt tự nhiên, cũng không có xã hội nào phát triển một cách độc lập mà không nằm trong mối quan hệ giao lưu và ảnh hưởng với các xã hội khác. Thiết nghĩ, lịch sử cổ đại là mảng đề tài thú vị. Đây cũng la mảnh đất trống cho các nhà nghiên cứu. Việc đi sâu tìm hiểu sẽ tìm thấy được cái gốc, cái căn nguyên hay những tiền đề cho các xã hội trong thời gian sau đó. 4 Với mong muốn tiếp tục kế thừa và phát triển những nghiên cứu từ đề tài khóa luận tốt nghiệp đại học của bản thân “TỔ CHỨC VÀ XÂY DỰNG BỘ MÁY NHÀ NƯỚC YAMATO TỪ CUỐI THẾ KỈ III – TRƯỚC CẢI CÁCH TAIKA” để làm sáng tỏ hơn một giai đoạn trong lịch sử cổ đại Nhật Bản. Từ những ý nghĩa trên, chúng tôi chọn đề tài “XÃ HỘI NHẬT BẢN TRƯỚC CẢI CÁCH TAIKA (NĂM 646)” làm luận văn của mình. 2. Mục đích và nhiệm vụ đề tài Luận văn cố gắng trình bày cô đọng, đầy đủ về “XÃ HỘI NHẬT BẢN TRƯỚC CẢI CÁCH TAIKA (NĂM 646)”. Tuy còn nhiều thiếu sót nhưng với luận văn này, chúng tôi cũng xin góp chút kiến thức vào việc làm cho những hiểu biết về lịch sử cổ đại Nhật Bản, đặc biệt là cơ cấu xã hội Yamato từ cuối thế kỷ III thêm sâu sắc. Mục đích: trình bày khái quát về xã hội Nhật Bản trước Cải cách Taika, để có thể so sánh và thấy rõ sự khác biệt của một xã hội có nhà nước với xã hội chưa có nhà nước. Đồng thời, phân tích những tiền đề cho bước chuyển biến xã hội Yamato. Sau cùng, phân tích đặc điểm cơ cấu xã hội Nhật Bản cổ đại nhằm xác định rõ bản chất của xã hội Nhật Bản từ khi bắt đầu thống nhất về lãnh thổ và chính trị đến trước Cải cách Taika. Nhiệm vụ: Giải quyết, làm rõ các vấn đề sau: Thứ nhất là định vị xã hội Nhật Bản tiền Cải cách Taika trong bức tranh toàn diện của lịch sử Nhật Bản để biết được vị trí và ý nghĩa. Đồng thời, trình bày thêm các đặc điểm về điều kiện tự nhiên và dân cư như những yếu tố định hình nên hình thái kinh tế - xã hội Nhật Bản. Thứ hai là khái quát về xã hội nguyên thủy Nhật Bản: trình bày những đặc điểm kinh tế - xã hội trên quần đảo Nhật Bản trước thế kỉ III (sinh hoạt vật chất và tinh thần của cư dân cổ Nhật Bản), nhằm làm cơ sở để so sánh sự giống và khác 5 nhau của xã hội chưa có nhà nước và xã hội Yamato, cũng như để hiểu được sự biến đổi và tàn dư của xã hội trước đó cùng tồn tại trong lòng xã hội Yamato. Cuối cùng phân tích các tiền đề cho bước chuyển biến xã hội Yamato, thông qua phân tích các tiền đề kinh tế, xã hội. Qua đó, thấy được những yếu tố quyết định tới sự vận động và phát triển của xã hội Yamato. Thứ ba là trình bày chi tiết cơ cấu xã hội Yamato: cơ sở kinh tế, cơ sở xã hội và đời sống tinh thần của cư dân nhà nước Yamato trước cải cách Taika. Từ đó thấy rõ những đặc trưng của một xã hội phong kiến sơ kỳ được định hình trên đất nước Quần đảo. 3. Ý nghĩa khoa học và thực tiễn Ý nghĩa khoa học: làm rõ quy luật hình thành nhà nước: sự phát triển mạnh mẽ của công cụ sản xuất mở đường cho sự ra đời của nhà nước. Bên cạnh đó, thông qua cơ cấu xã hội Yamato sơ kì phong kiến để lí giải các quy luật đặc thù trong sự vận động và phát triển. Đồng thời góp phần làm sáng tỏ một giai đoạn lịch sử Nhật Bản, vẽ lại bức tranh toàn diện hơn về lịch sử Nhật Bản trong khi sử liệu còn ít ỏi. Ý nghĩa thực tiễn: nghiên cứu đề tài này đóng góp thêm tư liệu về mảng lịch sử Nhật Bản trong mối tương quan chặt chẽ với lịch sử Trung Quốc, Triều Tiên, từ đó hiểu rõ hơn và thấy được cái hay của những vấn đề trong lịch sử. Góp một đề tài mới trong chuyên đề lịch sử Nhật Bản, đặc biệt là trong mảng lịch sử cổ đại. Bên cạnh đó, luận văn sẽ là tài liệu tham khảo có ý nghĩa đối với ai yêu thích Nhật Bản và lịch sử - xã hội Nhật Bản, nó cũng góp phần làm phong phú thêm tủ sách lịch sử - xã hội Nhật Bản. 4. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu Đối tượng nghiên cứu: Nghiên cứu về xã hội của quốc gia Yamato cổ đại. Qua việc nghiên cứu về quá trình hình thành và thống nhất của quốc gia Yamato; cơ sở kinh tế, xã hội và đời sống tinh thần của cư dân cổ đại Nhật Bản để làm rõ tính 6 chất hình thái kinh tế - xã hội Nhật Bản lúc bấy giờ. Từ đó, có định hướng đúng đắn trong việc nhìn nhận đặc điểm và tính chất của xã hội Yamato tiền Cải cách Taika. Phạm vi nghiên cứu: Về thời gian: Từ cuối thế kỉ III đến trước Cải cách Taika (năm 646). Cuối thế kỉ thứ III, đầu thế kỉ IV, xuất hiện một nhà nước lớn mạnh ở quốc gia quần đảo Nhật Bản. Trước đó ở quần đảo này có hàng trăm nước lớn nhỏ. Hay nói một cách khác, từ cuối thế kỉ III, Nhật Bản đã cơ bản thống nhất được được đất nước, thiết lập một bộ máy trung ương và địa phương. Đến sau cải cách Taika, Nhật Bản đã hình thành một nhà nước phong kiến trung ương tập quyền, xóa bỏ được chế độ thị tính. Vậy thì, từ cuối thế kỉ thứ III đến trước Cải cách Taika, thì xã hội quốc gia Yamato lúc này vẫn còn tồn tại nhiều tàn dư của xã hội nguyên thủy, chế độ thị tính vẫn tồn tại trong lòng một xã hội mới tiền Tư bản. Về không gian: Trong lãnh thổ quốc gia Yamato cổ đại và mối liên hệ với các xã hội có ảnh hưởng đến sự vận động và phát triển của xã hội Yamato (Trung Quốc, Triều Tiên). 5. Cơ sở lí luận và phương pháp nghiên cứu Luận văn được trình bày dựa trên cơ sở lí luận của chủ nghĩa Mác – Lênin, mà cụ thể là học thuyết hình thái kinh tế - xã hội. Với cách nhìn biện chứng, chúng tôi cố gắng khái quát, tổng hợp, phân tích vấn đề và đối chiếu so sánh ở nhiều góc độ khác nhau. Trong luận văn nay, chúng tôi sẽ sử dụng các phương pháp nghiên cứu sau: Phương pháp luận của chủ nghĩa duy vật lịch sử: thông qua phương pháp này để lí giải các bước vận động xã hội chuyển từ giai đoạn thấp lên giai đoạn cao. Đồng thời, vạch ra sự phụ thuộc mang tính nhân quả của tất cả các mặt, các bộ phận đã cấu thành nên cơ cấu xã hội Yamato tiền Taika vào phương thức sản xuất, vào nhân tố kinh tế. Từ đó vận dụng vào việc xem xét sự phát triển của xã hội Yamato 7 trong tiến trình lịch sử Nhật Bản. Sau cùng, là xác định quy luật đặc thù của xã hội phương Đông. Phương pháp phân tích – tổng hợp: phương pháp này xuất pháp từ cơ sở khách quan của cấu tạo sự vật, hiện tượng cũng như trong hoạt động thực tiễn của con người. Hiện tượng khách quan luôn tồn tại cái toàn bộ và cái bộ phận, yếu tố và hệ thống, phân tán và kết hợp. Trong hoạt động thực tiễn của con người cũng bao gồm hai quá trình: quá trình chia tách các đối tượng và quá trình hợp nhất các đối tượng bị chia tách để thành cái thống nhất mới. Những quá trình đó được thể hiện trong tư duy bởi những thao tác tư duy, phương pháp tư duy. Phương pháp phân tích tổng hợp của tư duy chỉ là sự phản ánh những quá trình hoạt động thực tiễn của con người. Phân tích và tổng hợp là hai phương pháp nhận thức khác nhau, nhưng lại thống nhất biện chứng với nhau. Không phân tích thì không nhận thức được cái bộ phận, còn không tổng hợp thì không thể nhận thức được cái toàn bộ như một chỉnh thể. Phân tích đi liền với tổng hợp, chuẩn bị cho tổng hợp, được bổ sung bởi tổng hợp và tổng hợp giúp cho phân tích đi sâu vào cái bản chất của sự vật, hiện tượng. Vì vậy, vận dụng phương pháp này nhằm phân tích các tiền đề kinh tế – xã hội tác động đến bước chuyển biến xã hội của Quốc gia Nhật Bản cổ đại.Từ đó tổng hợp lại, làm rõ đặc trưng của xã hội Nhật Bản cổ đại từ thế kỉ III đến trước Cải cách Taika cũng như xu hướng vận động và biến đổi của nó. Phương pháp lịch sử - logic: Theo quan điểm của chủ nghĩa duy vật lịch sử, lịch sử là tính thứ nhất, còn logic của tư duy là tính thứ hai. Thống nhất giữa lịch sử và logic là một trong những qui tắc của nhận thức. Logic của tư duy có thể đạt tới bản chất của lịch sử,vạch ra quy luật vận động, phát triển của lịch sử, tước bỏ những gì bề ngoài, ngẫu nhiên, không phải bản chất của lịch sử, tái hiện cái logic khách quan của lịch sử trong logic vận động của những khái niệm. Phương pháp lịch sử là phản ánh trong tư duy quá trình lịch sử - cụ thể của sự vật, hiện tượng với những chi tiết và sự phong phú, đa dạng của nó trong tính toàn thể và trong tiến trình lịch sử. Đây là phương pháp vô cùng quan trọng trong nghiên cứu các chế độ chính trị trải 8 qua các thời kì lịch sử. Phương pháp logic là dựng lại cái logic khách quan của sự vật, hiện tượng giúp nhận thức đạt tới mặt bản chất, tính quy luật của sự vật, hiện tượng dưới hình thức lý luận trừu tượng và khái quát. Phương pháp logic kết hợp hai yếu tố của sự nghiên cứu: Nghiên cứu cấu trúc và nghiên cứu lịch sử trong sự thống nhất hữu cơ. Phương pháp lịch sử và logic là hai phương pháp khác nhau, song gắn bó, thống nhất biện chứng với nhau. Quán triệt sự thống nhất logic và lịch sử là một nguyên tắc của phương pháp nhận thức và nghiên cứu. Để nhận thức đúng đắn bản chất và quy luật của sự vật, hiện tượng, nhất thiết phải hiểu được lịch sử phát sinh, phát triển của nó; ngược lại, chỉ có trên cơ sở nhận thức thấu đáo bản chất và quy luật của sự vật, hiện tượng mới nhận thức được lịch sử của nó đúng đắn và sâu sắc. Do đó, bằng cách vận dụng phương pháp lịch sử và logic để nghiên cứu và so sánh các đặc điểm xã hội phương Đông cổ đại khác, nhằm làm sáng rõ được các vấn đề còn vướng mắc trong quá trình lí giải tính chất, đặc điểm của xã hội Yamato. Phương pháp so sánh: Trên cơ sở những thông tin, tư liệu đã được phân tích, trình bày, sẽ so sánh, đối chiếu để tìm ra những điểm giống nhau và khác nhau về các vấn đề chính trị giữa các thời kì lịch sử và giữa các khu vực, quốc gia với nhau. Đó là việc nghiên cứu cơ cấu xã hội ở quốc gia Yamato bằng cách so sánh nó với xã hội ở các quốc gia hay khu vực khác trên những tiêu chí khách quan nhất định, nhằm tìm ra nhứng nét tương đồng và khác biệt giữa chúng. Có thể vận dụng phương pháp so sánh để tìm ra những điểm thống nhất và những nét khác biệt giữa các thời kì lịch sử khác nhau của cùng một quốc gia hay khu vực, tức là tìm ra những quy luật phát triển lịch sử của quốc gia. Phương pháp chính trị học: sử dụng phương pháp này để tập trung phân tích cơ cấu xã hội – giai cấp, những đặc trưng và xu hướng biến đổi trong cơ cấu xã hội – giai cấp, sự tác động và ảnh hưởng của những biến đổi trong cơ cấu xã hội – giai cấp đến các lĩnh vực khác của đời sống chính trị xã hội và ngược lại. Nhờ vậy làm bật lên bản chất chính quyền nhà nước Yamato - công cụ quản lý, vận hành hoạt 9 động xã hội và sự tác động trở lại của các thành tố trong cơ cấu xã hội quy định quyền lực chính trị và văn hóa chính trị của quốc gia Yamato. 6. Lịch sử nghiên cứu vấn đề Nghiên cứu lịch sử Nhật Bản ở Việt Nam có nhiều thành tựu nhưng chủ yếu là tập trung vào thời cận hiện đại, trong khi thời cổ đại vẫn còn bỏ ngỏ. Các nhà nghiên cứu chủ yếu quan tâm đến lịch sử quan hệ Nhật – Việt hơn là nghiên cứu bản thân lịch sử Nhật Bản. Lịch sử cũng như xã hội Nhật Bản trước cải cách Taika còn nhiều điều phải bàn bạc, xem xét, tuy nhiên ít được nghiên cứu và trình bày một cách rõ ràng. Theo tìm hiểu của bản thân, trong Tạp chí Nghiên cứu lịch sử hay tạp chí Nghiên cứu Nhật Bản và Đông Bắc Á, cũng như trong các luận văn, khóa luận, có nhiều công trình nghiên cứu về Nhật Bản nhưng các công trình nghiên cứu về xã hội Yamato cổ đại trước cải cách Taika còn ít ỏi. Bài viết Dòng họ di cư Aya và quốc gia cổ đại Nhật Bản của tác giá Phạm Thị Thu Giang đăng trên tạp chí Nghiên cứu Nhật Bản và Đông Bắc Á tháng 08/2002, trình bày chi tiết về nguồn gốc và vai trò của dòng họ Aya di cư từ Triều Tiên đối với xã hội Yamato tiền Takia. Tuy vậy, bài viết lại chưa thể làm rõ đặc trưng và cơ cấu xã hội Yamato thời kỳ này, cũng như các tiền đề kinh tế, xã hội dẫn đến những biến đổi quan trong cho xã hội Yamato. Có nhiều sách về lịch sử Nhật Bản ở Việt Nam trình bày về nước Nhật trước cải cách Taika. Bên cạnh đó, các cuốn sách về lịch sử thế giới cũng có đề cập đến Nhật Bản tiền cải cách Taika. Nhưng hầu hết các tác giả trình bày rất ít thông tin về lịch sử Nhật Bản trước cải cách Taika và có ý kiến cho rằng xã hội cổ đại Nhật Bản là xã hội chiếm hữu nô lệ nhưng là chế độ nô lệ gia trưởng như trong cuốn Lịch sử Nhật Bản của tác giả Lê Văn Quang và Lịch sử Nhật Bản Tập 1 Từ Thượng cổ đến năm 1334 của học giả George Samsom, hay chung chung là một xã hội theo chế độ thị tính như cuốn Lịch sử Nhật Bản do tác giả Nguyễn Quốc Hùng (chủ biên). 10 Trong khi đó, một số nhà nghiên cứu chỉ trình bày lịch sử Nhật Bản cổ đại, chứ không đưa ra những nhận xét, đánh giá hay phân tích các tiền đề cho sự vận động, biến đổi xã hội Yamato và cơ cấu xã hội Nhật Bản giai đoạn này. Văn hóa sử Nhật Bản (2003) của Ienaga Saburou (do Nguyễn Ngọc Thảo dịch và chú thích) giúp người đọc có nhận thức khái quát về văn hóa Nhật Bản. Trong đó, tác giả dành hẳn ba chương trên tổng số bảy chương, để nói về văn hóa xã hội nguyên thủy, văn hóa sơ kỳ thời xã hội thượng cổ và văn hóa trong xã hội luật lệnh. Như vậy, tác giả đã trình bày chi tiết về văn hóa Nhật Bản trước cải cách Taika. Tuy nhiên, tác phẩm chưa trình bày những yếu tố khác cấu thành nên xã hội Nhật Bản như kinh tế, tôn giáo – tín ngưỡng,... Nhật Bản thời tiến sử - Những triển vọng đầu tiên trên hòn đảo Đông Á của tác giả Keiji Imamura (2005) mô tả về giai đoạn “Tiền sử” Nhật Bản dựa trên những tư liệu về khảo cổ học. Theo chúng tôi đánh giá đây là cuốn sách nghiên cứu chuyên sâu về Nhật Bản trước cải cách Taika. Thông qua cuốn sách này có thể thấy được bối cảnh đối với sự phát triển của Tiền sử Nhật Bản. Tuy nhiên, nó chỉ “đơn thuần về khảo cổ học Nhật Bản nói riêng” – đúng như chính tác giả cuốn sách tự giới thiệu trong những trang đầu. Quả thật vậy, cuốn sách này mô tả chi tiết các di chỉ khảo cổ được phát hiện tại Nhật Bản, từ đó tác giả đồ lại những sinh hoạt trên quần đảo Nhật Bản trong buổi bình minh lịch sử. Thế nhưng, tổng quan về một xã hội Nhật Bản thời kì trước cải cách Taika vẫn chưa được phác họa trọn vẹn. Tìm hiểu các nước trên Thế giới Trung Quốc – Triều Tiên – Nhật Bản: Đỉnh cao văn minh Đông Á (2006) của tác giả Ginal Barnes là một tổng hợp mang tính khu vực về mặt khảo cổ lẫn lịch sử Đông Á. Đồng thời, phác họa lại những phát triển chính trị - xã hội bên trong đất nước Trung Quốc, Triều Tiên, Nhật Bản từ lúc hình thành cho đến thế kỷ thứ VIII sau công nguyên. Do đó, cuốn sách chỉ mô tả các phát triển lớn về văn hóa – xã hội Đông Á để người đọc có được cái nhìn toàn cảnh khu vực Đông Á cho đến năm 800 sau công nguyên. Chính vì vậy, xã hội Nhật Bản trước năm 646 chưa được giới thiệu cụ thể, liên tục. 11 Nghiên cứu về xã hội Nhật Bản cũng không có ít tác phẩm chuyên sâu, như cuốn Cơ cấu xã hội Nhật Bản của tác giả Fukutake Tadashi (Hồ Hoàng Hoa dịch), do Viện nghiên cứu chủ nghĩa Mác Lê nin và tư tưởng Hồ Chí Minh xuất bản năm 1991, đã làm rõ được những đặc trưng về xã hội Nhật Bản cũng như các vấn đề đặt ra cho xã hội Nhật Bản và sự vận động, biến đổi của xã hội Nhật Bản. Nhưng tác phẩm này chỉ dừng lại ở giai đoạn xã hội Nhật Bản tiền hiện đại và hiện đại. Những giai đoạn trước đó thì hoàn toàn chưa đề cập đến. Đây quả là một thiếu sót, bởi lẽ cơ cấu xã hội cổ đại cũng góp phần định hình nên xã hội Nhật Bản hiện nay. Có thể thấy, vấn đề hình thái kinh tế - xã hội của Nhật Bản trước cải cách Taika vẫn chưa được giải quyết. 7. Bố cục của luận văn Ngoài phần mở đầu, kết luận và tài liệu tham khảo, nội dung của luận văn gồm ba chương như sau: Chương 1: Tổng quan về Nhật Bản trước cải cách Taika. Chương này sẽ khái quát về vị trí địa lý ảnh hưởng đến sự hình thành kinh tế - xã hội, và dân cư Nhật Bản trước thế kỉ VII sau công nguyên. Đồng thời xác đinh vị trí, đánh giá ý nghĩa giai đoạn trước cải cách Taika trong bức tranh lịch sử Nhật Bản. Chương 2: Xã hội nguyên thủy Nhật Bản. Chương này gồm bốn phần, lần lượt trình bày cơ sở kinh tế, cơ sở xã hội, đời sống và sinh hoạt tinh thần đặc trưng trong xã hội nguyên thủy Nhật Bản. Phần thứ tư sẽ làm sáng tỏ các tiền đề phát triển cho hình thái xã hội tiếp theo. Chương 3: Xã hội phong kiến thời kì đầu ở Nhật Bản. Tương tự như bố cục của chương hai, ở chương ba, chúng tôi lần lượt trình bày cơ sở kinh tế, cơ sở xã hội, đời sống và sinh hoạt tinh thần đặc trưng trong xã hội phong kiến thời kì đầu ở Nhật Bản. Đồng thời trình bày thêm Thiết chế tổ chức chính trị của Nhà nước Yamato. Sau cùng, giới thiệu các tiền đề phát triển cho hình thái xã hội tiếp theo ở phần thứ năm. 12 CHƯƠNG 1: TỔNG QUAN VÊ NHẬT BẢN TRƯỚC CẢI CÁCH TAIKA 1.1. Điều kiện tự nhiên – dân cư 1.1.1. Ảnh hưởng của điều kiện tự nhiên đến sự hình thành nền kinh tế Nhật Bản Phần lớn quần đảo Nhật Bản nằm trong vùng khí hậu ôn hòa và ở cực đông bắc của khu vực khí hậu gió mùa chạy từ Nhật Bản qua bán đảo Triều Tiên, Trung Quốc, Đông Nam Á tới Ấn Độ. Khí hậu Nhật Bản còn chịu ảnh hưởng của các dòng hải lưu: hai dòng hải lưu nóng Kuroshio và Tsushima chảy từ nam lên và dòng hải lưu lạnh Oyashio chảy từ bắc xuống. Nhiệt độ trung bình khoảng 14,5oC, nhưng sự chênh lệch nhiệt độ giữa các vùng là rất lớn. Ở Nhật Bản, một năm có bốn mùa. Mùa hè nóng ẩm, có gió mùa đông nam thổi từ Thái Bình Dương vào mang theo nhiều mưa ở bờ biển phía đông và gió lớn ở bờ biển Nhật Bản. Từ giữa tháng 6 đến giữa tháng 7 thường có mưa dầm. Mùa đông có gió mùa tây bắc thổi từ lục địa ra làm bờ biển Nhật Bản thường u ám và có nhiều mưa tuyết, còn bờ Thái Bình Dương lại ôn hòa với nhiều ngày nắng. Mùa xuân và mùa thu là hai mùa khí hậu ôn hòa, mặc dù tháng 8 đến tháng 10 thường có bão. Rừng ở Nhật Bản khá phong phú. Các khu rừng thay đổi tùy theo vĩ độ. Theo đó, rừng cây lá bạc được tìm thấy ở phía tây nam Nhật Bản, những rừng cây lá rộng sớm rụng ở đông bắc Nhật Bản, với các khu rừng tùng bao phủ vùng cực bắc và các dãy núi cao. Các khu rừng vẫn chiếm 70% tổng diện tích của Nhật Bản ngày nay. Lượng mưa nhiều cũng thuận lợi cho sự phát triển của các khu rừng rậm. Địa hình khí hậu trên đã tạo cho nước Nhật một hệ sinh thái đa dạng với các loại động thực vật á nhiệt đới, ôn đới và á hàn đới. Vì vậy, phương thức sinh sống săn bắn – hái lượm giúp cư dân sớm có thể tồn tại trên Quần đảo. Đây được xem là sinh kế đầu tiên và hiệu quả trên quần đảo Nhật Bản. 13 Với diện tích gần 37,79 vạn km2, quần đảo Nhật Bản gồm 4 đảo lớn lần lượt là Honshu, Hokkaido, Kyushu, Shikoku và hơn 3000 đảo lớn nhỏ; đường bờ biển dài, khúc khuỷu, nhiều vũng, vịnh nhỏ cùng với hoạt động của các dòng hải lưu tạo cho nước Nhật nhiều bãi cá tự nhiên và nguồn hải sản phong phú. Với tính chất một quốc gia quần đảo như vậy, nên từ xa xưa, người Nhật chủ yếu sống bằng nghề biển, đặc biệt là nghề đánh cá. Nhật Bản là một đất nước quần đảo, bao quanh bởi đại dương, đáng lý ra thương mại hàng hải và văn hòa biển phải phát triển. Nếu vậy, có thể xã hội Nhật Bản đã tuân theo xu hướng vận động và phát triển như các xã hội phương Tây. Nhưng tại sao, khác với các nước phương Tây, thương mại đường biển ở Nhật Bản lại không phát triển? Bởi lẽ, các nước phương Tây không nằm trong khu vực gió mùa như Nhật Bản, nên khí hậu thường là khô hạn, nông nghiệp không có điều kiện phát triển. Bên cạnh đó, ở Nhật Bản, các khu vực có nhiều đất đai canh tác và đủ nước cày cấy, nên họ có thể định cư lâu dài trên mảnh đất của họ, chẳng quan tâm nhiều đến việc mở rộng buôn bán hàng hải với nước ngoài, nếu có thì có chăng chỉ do hứng thú nhiều hơn là do nhu cầu. Vì vậy, xã hội Nhật Bản đã không nằm ngoài vùng văn hóa phương Đông, vùng văn hóa nông nghiệp gió mùa. Mặc dù Nhật Bản ở vị trí cao phía bắc, điểm mút của vùng gió mùa, nhưng khí hậu của nước này vẫn có đầy đủ tính chất của các nước vùng gió mùa Đông và Đông Nam Á. Do trải dài từ vĩ tuyến cao gần Bắc cực xuống tới vùng Cận nhiệt đới nên Nhật Bản có nhiều vùng khí hậu. Ở những nơi khí hậu tốt lành thuận lợi cho sản xuất, mật độ dân số rất cao. Tuy nằm trên vành đai sinh khoáng nhưng do hoạt động địa chất không ổn định, nên tài nguyên khoáng sản của nước Nhật rất nghèo nàn. Ở Hokkaido, Honshu và Kyushu có các mỏ than nhưng chất lượng thấp mà trữ lượng cũng ít. Các mỏ sắt, đồng, vàng bạc, lưu huỳnh, chì cũng trong tình trạng tương tự. Có lẽ, yếu tố này làm cho Nhật Bản không có điều kiện để bước vào giai đoạn đồ đồng, đồ sắt như ở 14 Trung Quốc, Việt Nam. Người Nhật phải trao đổi thành phẩm đồ đồng, đồ sắt cũng như nguyên liệu với Trung Quốc, Triều Tiên. Về khí hậu, phần lớn Nhật Bản nằm trong vùng ôn đới. Bên cạnh đó, quốc gia này còn được bao quanh bởi vùng biển và đại dương, do đó nhận được không khí ẩm từ mọi hướng và có hướng bị ngăn trở bởi những dãy núi ở trung tâm. Vì vậy, Nhật Bản có lượng mưa lớn nhất (1000 – 3000mm/năm) trong số các nước ôn đới, vượt xa các nước Nam Âu cùng vĩ tuyến. Trái ngược với các nước châu Âu, ở Nhật Bản thường mưa nhiều vào mùa hè do vị trí phía đông của lục địa [15:3]. Điều này lý giải vì sao ở Nhật Bản, nông nghiệp lúa nước có thể thích nghi và phát triển. Với lượng mưa như vậy, đặc biệt vào mùa hè, thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ của thảm thực vật, do đó Nhật Bản có sản lượng cây trồng lớn nhất so với các nước ôn đới. Trong những điều kiện đó, những đồng cỏ không thể tồn tại lâu dài mà dần bị thay thế bằng các loại rừng thực vật bậc cao. Ở Nhật Bản không có những thảm cỏ tự nhiên. Điều này không có nghĩa là do khí hậu không thích hợp, mà do các thảm cỏ bị lấn áp bởi cây cối. Do các cây nông nghiệp được vào Nhật Bản như các loại ngũ cốc, đều có nguồn gốc từ cỏ nên thật khó cho chúng tồn tại trong một môi trường như vậy. Hơn nữa, những loại ngũ cốc này lúc đầu được canh tác ở xa Nhật Bản trong những điều kiện khí hậu khác nhau, và do vậy chúng yếu hơn so với cỏ bản địa Nhật Bản. Vì vậy, ở Nhật Bản, các loại ngũ cốc cần nhiều sự chăm sóc của con người, nếu muốn có những vụ mùa tốt [15:4,5]. Chính vì những lẽ đó, chăn nuôi hay trồng trọt các loại ngũ cốc không đủ điều kiện để có thể phát triển, khi mà trình độ con người lúc bấy giờ còn hạn chế. Và là lý do vì sao Nhật Bản không thể phát triển nên một nền văn hóa du mục như ở châu Âu, dù có một số điều kiện tương tự. Tuy các loại cây ngũ cốc không thể thích nghi tốt với thổ nhưỡng ở Nhật Bản, nhưng canh tác lúa nước lại thích ứng được và cho ra những vụ mùa năng suất cao so với trình độ kỹ thuật trong xã hội thời bấy giờ. Nhiều mưa vào mùa hè, các dòng 15 suối lại tràn trề, những đồng bằng thoai thoải và những dãy núi bao quanh đồng bằng có chức năng như những hệ thống cung cấp nước cho phép sự phát triển của các cánh đồng lúa nước trên phạm vi rộng. Có lẽ, ngay từ đầu, thâm canh nông nghiệp đã cho thấy lượng lao động bỏ ra cân xứng với sản lượng mà nó đem lại. Năng suất lao động cao là lý do đầu tiên giải thích tại sao dù đất nông nghiệp có hạn lại có thể phục vụ một lượng dân đông [15:4,5]. Có thể thấy, cũng như các nước Đông Nam Á, Đông Ấn Độ và Nam Trung Quốc, lúa trở thành vụ mùa quan trọng nhất, và canh tác lúa nước cũng trở thành văn hóa nền tảng của Nhật Bản, có ảnh hưởng sâu sắc đến nhiều mặt và giai đoạn văn hóa của Nhật Bản. Từ giai đoạn khởi đầu trong lịch sử Nhật Bản, canh tác lúa nước đã là mối quan tâm hàng đầu, trong khi chăn nuôi gia súc chưa bao giờ giữ vai trò quan trọng ngay từ thời kì đầu của nông nghiệp. Tuy Nhật Bản là một quần đảo nằm tách biệt khỏi lục địa châu Á, thế nhưng vẫn có hai điểm để Nhật Bản tiếp cận với các nền văn hóa lục địa. Đó là Bắc Hokkaido ở phía bắc và Bắc Kyuushu ở phía nam. Đây là hai điểm tiếp cận gần nhất. Điểm thứ hai đặc biệt quan trọng như một cửa ngõ dẫn đến các nền văn hóa tiên tiến trên bán đảo Triều Tiên và lục địa Trung Quốc. Mặc dù vượt qua khoảng cách 180km với hai hòn đảo giống như đá bậc thang nằm giữa, không phải là không thể, nhưng cũng không dễ dàng do trình độ hàng hải thời cổ đại. Đó là một khoảng cách rõ rệt khiến cho các nền văn hóa trên đất nước quần đảo đôi lúc tách biệt, nhưng mặt khác nó lại khiến cho những nền văn hóa này có thể tiếp xúc với các nền văn hóa lục địa. Nhờ vậy giao thương giữa Nhật Bản với Trung Quốc, Triều Tiên có điều kiện hình thành và phát triển. 1.1.2. Điều kiện tự nhiên ảnh hưởng đến sự hình thành xã hội Nhật Bản Nhật Bản là một quần đảo hình vòng cung hẹp, dài khoảng 3000km, nằm ở phía đông của lục địa châu Á. Về phía Bắc, Nhật Bản tiếp giáp Nga qua biển Nhật Bản và biển Okhotsk, phía Nam cách Đông Nam Á và lục địa Châu Đại Dương qua 16 Thái Bình Dương, phía Tây giáp với Đài Loan, Trung Quốc và bán đảo Triều Tiên qua biển Nhật Bản và biển Đông Trung Quốc, phía Đông đối diện với lục địa Châu Mỹ qua Thái Bình Dương. Miền đất gần nhất với lục địa tại eo biển giữa Nhật Bản và bán đảo Triều Tiên cũng rộng tới 100 dặm, tức là gấp nhiều lần so với eo biển giữa nước Anh và Pháp. Do vậy, ngày xưa, khi chưa có những phương tiện giao thông liên lạc thuận lợi như ngày nay thì Nhật Bản quả là một vùng nằm khá tách biệt với phần còn lại của thế giới. Chính đặc điểm địa lý này đã tạo nên tính độc lập tương đối và tính độc đáo của văn hóa, tín ngưỡng, xã hội Nhật Bản, giúp cho Nhật Bản giữ vững nền độc lập tương đối lâu dài trước sự xâm lăng của các thế lực hùng mạnh đương thời. Đây chính là điều kiện vô cùng quan trọng cho một quốc gia quần đảo có thể “tự chủ” phát triển kinh tế, xã hội. Họ chủ động hơn trong việc định hướng xây dựng và phát triển nhà nước, xã hội. Điều này hoàn toàn trái ngược với Việt Nam, so với cùng một lớp cắt lịch sử, khi Việt Nam bị các vương triều Trung Quốc đô hộ trong gần 1000 năm. Có thể nói, sự cô lập về mặt địa lý đã mang lại những hệ quả xã hội hết sức sâu sắc cho nước Nhật ngày nay. Thiết nghĩ, chính đặc điểm địa lý này cũng giúp cho việc hình thành nên tính cách của dân tộc Nhật Bản, chính là độc lập, tự chủ trong cách làm việc cũng như học hỏi. Bên cạnh đó, các thế lực quân đội hùng mạnh đã từng tồn tại trên các vùng lục địa Á – Âu như nhà Đường, quân Mông Cổ,.. luôn luôn bị chặn lại tại bán đảo Triều Tiên trước khi có thể vươn tới quần đảo Nhật Bản. Vì lẽ đó, đại đa số các cư dân của những hòn đảo này từ buổi đầu lịch sử nước Nhật, chưa bao giờ bị buộc phải chạy trốn rời khỏi quê hương hoặc bị chinh phục. Nhờ vậy, người Nhật có một quãng thời gian dài và liên tục để phát triển các giá trị văn hóa, xã hội, cũng như giữ gìn, phát triển xuyên suốt trong lịch sử, và còn tồn tại cho đến ngày nay. Theo phân tích ở trên, miền đất gần nhất với lục địa tại eo biển giữa Nhật Bản và bán đảo Triều Tiên rộng tới 100 dặm, tức là gấp nhiều lần so với eo biển giữa nước Anh và Pháp. Cùng với trình độ kỹ thuật còn kém, phương tiện thô sơ nên 17 ngoại thương đường biển ở Nhật Bảnkhông có điều kiện để phát triển giống như phương Tây. Vì lẽ đó nên đặc trưng xã hội Nhật Bản cũng không thể mang những đặc điểm của văn hóa phương Tây được. Ngược lại, tuy là một đất nước xung quanh bao bọc bởi biển, nhưng Nhật Bản vẫn mang những tính chất của một xã hội phương Đông với nông nghiệp lúa nước là chủ yếu. Quần đảo Nhật Bản nằm trong vùng hoạt động của núi lửa và động đất nên mỗi năm Nhật Bản phải hứng chịu hàng chục trận bão, và hàng ngàn trận động đất lớn nhỏ, đôi khi kèm theo sự phun trào của núi lửa tạo nên sức mạnh tàn phá thật khủng khiếp. Điều này đã ảnh hưởng đến cách ứng xử của cư dân trên quần đảo – hay nói cách khác, tính cách dân tộc Nhật Bản có nguồn gốc từ hoàn cảnh họ phải sống triền miên trong môi trường khắc nghiệt. Bấy giờ nghề biển và nghề nông lại là những nghề rất phụ thuộc vào thiên nhiên. Thưở xưa, khi chưa có các tri thức khoa học giải thích cho các hiện tượng trên thì tự nhiên đúng là một lực lượng huyền bí và đáng sợ với con người. Chính vì vậy, mà mặt trăng, mặt trời, bão, dông, núi,... đều được tôn kính và được thờ phụng như các vị thần. Qua đó, chúng ta cũng phần nào lý giải vì sao tín ngưỡng đa thần là một đặc điểm có tính bản địa của văn hóa Nhật Bản ngay từ thời cổ đại. Đồng thời, hiểu được tại sao ở Nhật có tới hàng ngàn vị thần. Bởi lẽ, một thị tộc có một vị thần tổ, phù hộ cho thị tộc mình. Và khi một thị tộc bị một thị tộc khác chinh phục, thì vị thần của thị tộc của thị tộc bị chinh phục không bị mất đi, mà chỉ bị xếp ở bậc dưới sau vị thần của thị tộc chiến thắng. Điều này, cho thấy các cư dân Nhật Bản từ thời xa xưa đã rất tôn trọng các vị thần và có một tinh thần ôn hòa, chấp nhận những yếu tố tín ngưỡng khác chứ không triệt thoái, bài trừ nhau. Qua đó cũng giải thích vì sao, ở Nhật Bản chưa bao giờ xảy ra một cuộc xung đột tôn giáo nào. Ngoài ra, chính sự tôn kính các vị thần mà người dân Nhật Bản cũng luôn tôn kính gia tộc Thiên hoàng, vì Thiên hoàng chính là biểu tượng cho con cháu Nữ thần Mặt trời. Thực tế lịch sử cũng chứng minh rằng dù trong triều đình, thực quyền có thể không nằm trong tay Thiên hoàng, nhưng các thế lực khác không bao giờ có 18

Tìm luận văn, tài liệu, khoá luận - 2024 © Timluanvan.net