Xác định, phân loại và lập danh sách các từ ngữ dùng theo nghĩa hoán dụ trong tiếng việt đề tài nghiên cứu khoa học cấp trường năm 2008

đang tải dữ liệu....

Nội dung tài liệu: Xác định, phân loại và lập danh sách các từ ngữ dùng theo nghĩa hoán dụ trong tiếng việt đề tài nghiên cứu khoa học cấp trường năm 2008

ĐẠI HỌC QUỐC GIA THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH TRƯỜNG ĐẠI HỌC KHOA HỌC XÃ HỘI VÀ NHÂN VĂN -----&----- ĐỀ TÀI NGHIÊN CỨU KHOA HỌC CẤP TRƯỜNG NĂM 2008 XÁC ĐỊNH, PHÂN LOẠI VÀ LẬP DANH SÁCH CÁC TỪ NGỮ DÙNG THEO NGHĨA HOÁN DỤ TRONG TIẾNG VIỆT Chủ nhiệm đề tài: TS. Nguyễn Hữu Chương TP. HỒ CHÍ MINH - 2008 PHẦN 1: CƠ SỞ LÝ THUYẾT 1. Đặt vấn đề Hoán dụ (metonymy) là cách gọi tên một sự vật này bằng tên gọi của một sự vật khác dựa trên cơ sở của một mối liên hệ gần gũi (closely association), còn gọi là tương cận (contiguity association) nào đó. Hoán dụ là một hiện tượng của lời nói, một biện pháp tu từ, sau được cố định trở thành hoán dụ từ vựng. Theo quan điểm của ngôn ngữ học truyền thống thì hoán dụ được coi là một hiện tượng ngôn ngữ, còn theo quan điểm của ngôn ngữ học tri nhận hiện đại thì hoán dụ được coi là một phương thức tư duy. Nhờ hoán dụ cũng như ẩn dụ mà con người nhận thức về thế giới và về bản thân mình ngày càng sâu sắc hơn. Để có thể đi đến một nhận định chính xác hơn về bản chất của hoán dụ là một hiện tượng ngôn ngữ hay là một hiện tượng của tư duy thì cần phải nghiên cứu thật kỹ lưỡng cơ chế, cơ sở của hoán dụ theo cả hai quan niệm. Ở đề tài này, chúng tôi tiếp cận vấn đề theo quan điểm của ngôm ngữ học truyền thống, cụ thể là nghiên cứu các hoán dụ từ vựng. Các nhà nghiên cứu đã đạt được những thành tựu quan trọng khi nghiên cứu về hiện tượng hoán dụ trong tiếng Việt, trên cả hai phương diện lý thuyết và ứng dụng. Về lý thuyết, đã có những công trình nghiên cứu về hoán dụ từ vựng, hoán dụ tu từ (xin xem phần lịch sử vấn đề). Về ứng dụng, các nhà làm từ điển đã tách các nghĩa hoán dụ trong từ đa nghĩa. Các nhà nghiên cứu đã chú ý phân loại các loại hoán dụ trên cơ sở chỉ ra các mối liên hệ tương cận, chỉ ra một số loại sự vật có thể làm cái biểu trưng cho nghĩa hoán dụ. Tuy nhiên, do chưa có một công trình chuyên khảo nào nghiên cứu một cách toàn diện về vấn đề này cho nên đến nay, chúng ta vẫn chưa có thể đi đến kết luận là trong tiếng Việt hiện có bao nhiêu loại hoán dụ từ vựng, những từ loại nào, những sự vật hiện tượng nào đã được dùng làm cái biểu trưng cho nghĩa hoán dụ và cũng chưa có một cuốn từ điển hoán dụ, hay thực tế hơn là một cuốn từ điển ẩn dụ - hoán dụ nào được công bố để phục vụ cho việc tra cứu 1 của đông đảo các nhà nhiên cứu, giáo viên, sinh viên, học sinh, và những người nước ngoài học tiếng Việt v.v… Việc biên soạn một cuốn từ điển ẩn dụ - hoán dụ chuyên dụng là rất cần thiết, bởi các loại nghĩa hoán dụ và ẩn dụ là loại nghĩa biểu trưng, khó hiểu. Nhiều từ ngữ cần phải tra cứu mới hiểu được đúng nghĩa hoán dụ của nó. Người bản ngữ do có kinh nghiệm và thói quen sử dụng ngôn ngữ nên có thể sử dụng các từ đa nghĩa, có nghĩa hoán dụ một cách vô thức. Thế nhưng khi gặp các hoán dụ tu từ, do chỉ mới là cách nói của một cá nhân nào đó, thường thấy trong các sáng tác văn chương, chưa quen dùng đối với cả xả hội thì thường lại không hiểu được. Vì người ta không nhận ra được cơ sở (mối liên hệ tương cận) của hoán dụ ở đây là gì, do đó không suy ra được nghĩa bóng hoán dụ là gì. Để hiểu đúng các nghĩa hoán dụ thì phải hiểu được cơ chế, cơ sở của hoán dụ. Dựa vào nghĩa đen (nghĩa gốc) mà suy ra được nghĩa bóng của hoán dụ theo cơ chế, cơ sở đó. Nếu có được một cuốn từ điển ẩn dụ - hoán dụ để tra cứu, người ta có thể nhận biết loại hoán dụ tu từ đó thuộc loại nào, từ đó suy ra nghĩa hoán dụ của nó theo nguyên tắc suy luận đồng dạng. Chẳng hạn báo Người lao động ngày 13 tháng 12 năm 2007, mục thể thao có một bài viết mang tiêu đề “Cần có một cuộc thay máu”. Bạn đọc có thể hiểu được thay máu ở đây là thay cầu thủ theo nguyên tắc suy luận bộ phận – toàn thể. Với những lý do như trên, chúng tôi chọn đề tài này để nghiên cứu. Về mặt lý luận, việc nghiên cứu đề tài này sẽ góp phần nhiên cứu bản chất của hiện tượng hoán dụ, cơ sở của các phép chuyển nghĩa theo hoán dụ, phân loại các loại hoán dụ, vv... Về mặt ứng dụng, đây là bước chuẩn bị để đi đến biên soạn một cuốn từ điển ẩn dụ - hoán dụ trong tương lai. 2. Phương pháp nghiên cứu Để làm đề tài này, chúng tôi đã sử dụng các phương pháp nghiên cứu sau đây: 1/ Phương pháp phân tích nghĩa của từ 2/ Phương pháp thống kê 3/ Phương pháp biên soạn từ điển. 2 Phương pháp phân tích nghĩa của từ được sử dụng để phân tích nghĩa của từ, xác định các nghĩa phái sinh theo hoán dụ, phân lập các trường từ vựng, trường phái nghĩa… Phương pháp thống kê được sử dụng để thống kê số lượng từ có nghĩa hoán dụ trong mỗi trường, số lượng từ có nghĩa hoán dụ dùng độc lập. Phương pháp biên soạn từ điển được sử dụng để lập danh sách các từ dùng theo nghĩa hoán dụ dưới dạng từ điển. 3. Đối tượng nghiên cứu, ngữ liệu nghiên cứu Đối tượng nghiên cứu là các từ, các thành ngữ có từ mang nghĩa hoán dụ. Ngữ liệu nghiên cứu là cuốn Từ điển tiếng Việt, 1992 Trung tâm Từ điển Ngôn ngữ, Hà Nội, Việt Nam do Hoàng Phê chủ biên [39]. Dựa vào cuốn từ điển trên, chúng tôi nhận diện các từ có nghĩa hoán dụ. Tuy nhiên, cũng cần lưu ý là quyển từ điển trên không nêu lên nghĩa hoán dụ của từ trong một số trường hợp. Đó là “không tách thêm nghĩa trong trường hợp có hiện tượng chuyển nghĩa đều đặn, có tính quy luật, trong hàng loạt từ cùng một loại của tiếng Việt, như: từ chỉ đồ đựng, dùng để chỉ lượng đựng; tên gọi của cây đồng thời dùng để chỉ quả, củ, hoa, lá, gỗ, v.v… nói chung là bộ phận hữu ích, sản phẩm thu được từ cây; từ chỉ quan hệ thân thuộc đồng thời dùng làm từ xưng gọi; từ chỉ số dùng để chỉ thứ tự; một số từ vừa có nghĩa nội động, vừa có nghĩa ngoại động, v.v…” [39,12]. Trong công trình này, chúng tôi có nêu một số trường hợp mà từ điển không nêu như đã kể trên. Những trường hợp là các tên riêng (tên người, tên nước, tên thủ đô, …) có số lượng quá lớn, những cách nói mới như thay máu (thay cầu thủ), chúng tôi cũng không đưa vào nghiên cứu. 4. Nhiệm vụ nghiên cứu (1) Xác định các từ đa nghĩa có nghĩa hoán dụ. (2) Phân lập các trường từ vựng (word field) để biết được số lượng các loại đối tượng được dùng làm cái biểu trưng cho nghĩa hoán dụ. (3) Nêu nghĩa hoán dụ, các trường ngữ nghĩa (semantic field) theo nghĩa hoán dụ, chỉ rõ cơ sở (mối liên hệ tương cận – contiguity) của mỗi nghĩa hoán dụ. (4) So sánh các nghĩa hoán dụ đồng nghĩa. 3 (5) Lập danh sách dưới dạng từ điển các từ ngữ có nghĩa hoán dụ. 5. Lịch sử vấn đề Metonymy (hoán dụ) bắt nguồn từ tiếng Hy Lạp – Mεt nghĩa là “xa hơn, xa xôi, thay đổi” và – νum , một hậu tố, có nghĩa là “lối nói” (theo Wikipedia, the free encyclopedia). Một từ được dùng theo nghĩa hoán dụ được gọi là metonym. Hoán dụ không những được nghiên cứu trong từ vựng học (một quy luật chuyển nghĩa của từ đa nghĩa), tu từ học mà còn được nghiên cứu trong nhiều lĩnh vực khác vì nó là một phương thức sử dụng từ có liên quan đến tâm lý của con người, chẳng hạn như : Y học, Phân tâm học, v.v… Hiện nay, theo quan điểm của Ngôn ngữ học tri nhận (cognitive linguistics), người ta quan niệm hoán dụ cũng như ẩn dụ (metaphor) là những phương thức tư duy, hình thành một cách tự nhiên trong đời sống tinh thần của con người (theo các công trình [44], [45], [48], [49], [50], [51], [52], [53], [54], [55], [56], [57], [58], [59], [60], [61], [62], [63]). Ở Việt Nam, các nhà Việt ngữ học đã và đang nghiên cứu về hiện tượng hoán dụ ở địa hạt: Từ vựng học, Tu từ học và gần đây là Ngôn ngữ học tri nhận. Ở địa hạt Từ vựng học, hoán dụ được coi là một phương thức chuyển nghĩa của từ đa nghĩa (polysemy). Các nhà nghiên cứu rất chú trọng xác định khái niệm hoán dụ, phân biệt hoán dụ với ẩn dụ, phân loại các loại hoán dụ. Đó là Nguyễn Văn Tu, 1960, trong Giáo trình khái luận ngôn ngữ; Đỗ Hữu Châu, trong các giáo trình Từ vựng học tiếng Việt 1962 [2], 1981 [3]; Nguyễn Thiện Giáp, trong giáo trình Từ vựng học tiếng Việt; 1985 [8]; Sái Phu, 2005 [25]. Các nhà biên soạn từ điển giải thích tiếng Việt đã tách các nghĩa hoán dụ thành những nghĩa riêng trong hệ thống nghĩa của các từ đa nghĩa. Ở địa hạt Tu từ học, đã có nghiều công trình đề cập đến phép tu từ hoán dụ. Đó là các giáo trình Phong cách học của các tác giả như: Cù Đình Tú. 1983 [37]; Nguyễn Nguyên Trứ, 1988 – 1989 [35]; Đinh Trọng Lạc (chủ biên) – Nguyễn Thái Hòa, 2002 [14]; Đinh Trọng Lạc, 2005 [15], v.v... Hoàng Trinh, 1997 [33] tìm hiểu vai trò của hoán dụ trong Thi pháp học. 4 Nhiều nhà nghiên cứu khác nghiên cứu về nghĩa biểu trưng hoán dụ của từ trong văn bản. Đó là Bùi Khắc Việt, 1978 [40]; Nguyễn Đức Dân, 1986 [5]; Nguyễn Thế Lịch, 1987 [17]; Vũ Trọng Khánh – Chăm Phôm Ma Vông, 1998 [13]; Nguyễn Thị Thanh Nga, 2001 [20]; Nguyễn Đức Tồn, 2008 [32], v.v… Nhiều luận văn đại học, thạc sĩ, tiến sĩ đã và đang nghiên cứu về hoán dụ trong văn bản, chẳng hạn Nguyễn Thị Hường, 2006 [12]; Hà Thị Tuyết Nhung, 2008 [22], v.v… Hiện nay, có nhiều người đi vào nghiên cứu hoán dụ theo quan điểm của Ngôn ngữ học tri nhận. 6. Định nghĩa và phân loại các loại hoán dụ 6.1 Các định nghĩa của nước ngoài về hoán dụ, các loại hoán dụ (1) Định nghĩa của Từ điển di sản văn hóa Mỹ (American Heritage Dictionary) [55]: “Hoán dụ (metonymy) là một lối nói mà trong đó một từ hay một cụm từ dùng để thay thế cho một từ hay một cụm từ khác, dựa vào mối liên hệ gần gũi (closely associated)”. Chẳng hạn như dùng Washington thay cho The United States government hay dùng the sword (thanh gươm) thay cho military power (sức mạnh quân sự). (2) Định nghĩa của Từ điển các thuật ngữ Văn học của ChirsBaldick 2001, 2004 [56]: “Hoán dụ (metonymy) là lối nói thay thế tên của một vật này bằng tên của một vật khác mà giữa hai vật có mối liên hệ gần gũi (closely associated) với nhau”. Chẳng hạn như: the bottle (cái chai) thay thế cho alcoholic drink (rượu), the press (báo) thay cho journalism (nghề báo, báo giới), skirt (cái váy) thay cho woman (phụ nữ), Mozart thay thế cho Mozart’s music (nhạc của Mozart), the Oval office (tòa nhà bầu dục) thay cho the US presidency (tổng thống Mỹ), hand (cái tay) thay cho worker (người lao động, công nhân). Từ điển này cho rằng hoán dụ và ẩn dụ khác nhau tựa như quan hệ ngữ đoạn (syntagm) và quan hệ hình (paradigm). (3) Định nghĩa của Từ điển bách khoa đại học Colombia [57]: “Hoán dụ (metonymy) là lối nói sử dụng một đặc trưng (attribute) của vật hay một số vật có liên hệ gần gũi với vật đó để thay thế cho chính bản thân vật đó”. Chẳng hạn 5 như: sweat (mồ hôi) có thể dùng với nghĩa là hard labor (lao động vất vả) và Captal Hill (tòa nhà Capital Hill) thay thế cho The US Congress (Quốc hội Mỹ). (4) Định nghĩa của Từ điển quốc tế về phân tâm học [58]: “Hoán dụ (metonymy) là lối nói lấy tên gọi của vật này chỉ vật khác trên cơ sở những mối liên hệ tiêu biểu nào đó, như lấy tên gọi của kết quả để chỉ nguyên nhân, lấy toàn thể để chỉ bộ phận, lấy cái chứa đựng để chỉ cái được chứa đựng”. Chẳng hạn như cách nói: “a sail on the horizon” (một cánh buồm ở phía chân trời) được hiểu là “a ship on the horizon” (một con tàu ở phía chân trời). (5) Định nghĩa của Từ điển Y khoa [59]: “Hoán dụ (metonymy) là một sự rối loạn ngôn ngữ mà trong đó một từ không thích hợp nhưng có liên quan được dùng trong vi trí của một từ thích hợp”. (6) Định nghĩa của Michael A.Fischer [60]: “Hoán dụ (metonymy) là lối nói dùng một từ hay một cụm từ thay thế cho một từ hay cụm từ khác dựa trên mối liên hệ gần gũi (closely associted)”. Chẳng hạn như trong cách dùng Washington thay cho the United States government hay the sword thay cho military power. (7) Định nghĩa của Từ điển thuật ngữ thơ ca [61]: “Hoán dụ (metonymy) là lối nói mà trong đó có sự thay thế một danh từ này cho một danh từ khác bằng một thuộc tính (attribute) hay một mối liên hệ gần gũi nào đó (closely associated)”. Chẳng hạn the kettle bloils (ấm nước) hay He drank the cup (Anh ta đã uống cốc nước). (8) Định nghĩa của Đại học Princeton qua thông tin trên mạng về hoán dụ [62]: “Hoán dụ là sự thay thế tên của một thuộc tính hay một số đặc điểm nổi bật cho tên gọi của chính vật đó”. Chẳng hạn như lấy head (đầu) làm đơn vị chỉ người, ví dụ: They counted heads (Họ tính theo đấu người). (9) Định nghĩa của chính Từ điển bách khoa trên mạng [63]: (9.1) Định nghĩa theo quan điểm Tu từ học: “Hoán dụ là sự thay thế một từ cho một từ khác mà chúng có liên hệ với nhau”. (9.2) Định nghĩa theo quan điểm của Ngôn ngữ học tri nhận: “Hoán dụ được hiểu là việc sử dụng một đặc trưng riêng (a single characteritics) để chỉ 6 một thực thể phức tạp hơn (to indentify a more complex entity) và là một trong những đặc trưng cơ bản của nhận thức”. Ví dụ về hoán dụ: Word Original Use Metonymic Use sweat (mồ hôi) perspiration (mồ hôi, sự hard work (làm việc cực đổ mồ hôi) nhọc) dish (dĩa) item of crockery (loại a course (in dining) một bát dĩa bằng sành) món ăn (trong phòng ăn) the press (báo) printing press (báo in) the new media (nhà báo) The Crown (vương King’s head gear The British monarchy miện) (vương miện của vua) (đế chế quân chủ nước Anh) (10) Định nghĩa hoán dụ theo quan điểm tri nhận của Zoltan Kovecses 2002: “Hoán dụ là một quá trình tri nhận, trong đó một khách thể ý niệm đem lại khả năng nhận biết một khách thể ý niệm khác ở trong cùng một lĩnh vực ý niệm hay mô hình tri nhận lý tưởng hóa (ICM)” (Zoltan Kovecses – Metaphor: A practical Introdution. New York: Oxford University Press, 2002, P450 – Dẫn theo Võ Kim Hà, chuyên đề: Phân biệt ẩn dụ và hoán dụ trong Ngôn ngữ học tri nhận, ĐHKHXH và NV TPHCM, 2008). Nhận xét: Các định nghĩa về hoán dụ như đã nêu ở phần trên đã cho thấy loại bản chất của hoán dụ là cách gọi tên một sự vật này bằng tên gọi của một sự vật khác dựa vào một mối liên hệ gần gũi (closely association) tức tương cận (contiguity) nào đó. Có nhiều loại liên hệ gần gũi và mỗi loại làm thành cơ sở của một loại hoán dụ. Đó là: lấy bộ phận chỉ toàn thể hay ngược lại (synecdoche), như lấy hand (cái tay) chỉ worker (người lao động, công nhân), lấy cái chứa đựng chỉ cái được chứa đựng như bottle (cái chai) chỉ acoholic drink (rượu), lấy tên gọi của sản phẩm để chỉ nghề nghiệp, như lấy press (báo) để chỉ journalism (nghề báo), lấy 7 y phục để chỉ người mặc, như lấy skirt (cái váy) để chỉ woman (phụ nữ), lấy tên người sáng tác để chỉ tác phẩm, như lấy Mozart để chỉ Mozart’s music (nhạc của Mozart), lấy tên gọi của tòa nhà để chỉ người làm việc ở đó, như lấy the Oval office để chỉ the US presidency (tổng thống Mỹ), lấy đồ dùng để chỉ chế độ, như lấy Crown (vương miện) chỉ the British monarchy (chế độ quân chủ nước Anh) v.v… Những mối liên hệ gần gũi chính là những mối liên hệ logic. 6.2 Các định nghĩa của các nhà Việt ngữ học về hoán dụ, các loại hoán dụ 6.2.1 Định nghĩa hoán dụ theo quan điểm Từ vựng học 1. Nguyễn Lân trong cuốn Ngữ pháp Việt Nam lớp 7, Bộ giáo dục xuất bản, H, 1956, dẫn theo [42], đã quan niệm: “Hoán dụ là phương thức chuyển đổi tên gọi, cách sử dụng từ ở nghĩa chuyển của từ đa nghĩa bằng cách thay tên gọi của sự vật này bằng sự vật khác theo quan hệ tiếp cận của hai sự vật; hai sự vật liên quan với nhau về một khía cạnh nào đó có thể được định danh bởi một từ”. “Cơ sở của hoán dụ là các quan hệ phạm trù riêng rẽ của hiện thực được phản ánh trong nhận thức của con người và được định danh bằng ý nghĩa của từ. Các quan hệ đó có thể là quan hệ giữa các sự vật, quá trình, hoạt động, còn người, vị trí, thời gian, sự kiện, v.v... Hoán dụ là cách nêu lên một bộ phận để nói cả toàn thể hoặc nêu hình thức bên ngoài để nói đến nội dung bên trong, hoặc trái ngược lại”. 2. Nguyễn Văn Tu trong cuốn giáo trình “Khái luận ngôn ngữ học, NXB Giáo dục, H, 1960, tr 159 [dẫn theo 42] đã định nghĩa: “ Hoán dụ là phép gọi tên một sự vật bằng tên của một sự vật khác. Hoán dụ dựa vào mối liên hệ trực tiếp tức là chỗ giống nhau của hai sự vật mà người ta thấy trực tiếp được”. 3. Đỗ Hữu Châu trong cuốn Giáo trình Việt ngữ, tập 2, phần Từ hội học, 1962, [2] đã định nghĩa: “Hoán dụ là hiện tượng chuyển hóa về tên gọi – tên của một đối tượng này được dùng để gọi vật kia – dựa trên quy luật liên tưởng tiếp cận”. Có các loại hoán dụ như sau: 8 (1) Lấy bộ phận thay cho toàn bộ hay ngược lại lấy toàn bộ thay cho bộ phận. Kiểu hoán dụ này được gọi là cải dung (synecdoque). Ví dụ: một tấm lòng vàng, một chân trong nghị viện, một tay anh chị. - Tên vũ khí, tên dụng cụ có thể chỉ người sử dụng: Tiểu đội có mười tay súng, một cây viôlông. - Tiếng kêu, màu sắc, bộ phận của cơ thể dùng để gọi tên, các động vật. Ví dụ: chim chào mào, cá bạc má, con cuốc, con tu hú, con vành khuyên, vv... - Hiện tượng hoán dụ lấy toàn bộ thay cho bộ phận. Ví dụ: một ngày công, một buổi lao động, một tuần lễ vệ sinh, vv... (2) Lấy vật chứa đựng thay cho cái bị chứa được. Ví dụ: Cả thành phố xuống đường. Cả nhà vui hẳn lên. Cả rạp vỗ tay. Cả làng hốt hoảng, vv... (3) Tên sản phẩm được gọi bằng tên nguyên liệu chế tạo. Ví dụ: đồng, bạc là những từ chỉ tiền tệ do tên gọi các nguyên liệu của nó. (4) Tên người, tên riêng của sản phẩm, tên của địa phương sản xuất có khi được dùng chỉ chỉ các sản phẩm. Ví dụ: Anh đã đọc Nguyễn Du chưa?, Y uống hết một chai Văn Điển, vv... Trong cuốn giáo trình Từ vựng ngữ nghĩa tiếng Việt, 1981 [3,155] Đỗ Hữu Châu định nghĩa hoán dụ như sau: “Hoán dụ là phương thức lấy tên gọi A của x để gọi y, nếu x và y đi đôi với nhau trong thực tế”. Theo ông, trong hoán dụ, mối liên hệ đi đôi với nhau giữa x và y là có thật, không tùy thuộc vào nhận thức chủ quan của con người như trong ẩn dụ. Trong sách này, tác giả đã nêu ra 15 loại hoán dụ như sau: (1) Hoán dụ dựa trên quan hệ bộ phận _ toàn thể giữa hai ý nghĩa biểu vật x và y; x là bộ phận của y hoặc x là toàn thể, y là bộ phận. Loại này có các loại nhỏ như: Lấy tên gọi của bộ phận cơ thể thay cho cơ thể, cho cả người hay cho cả toàn thể. Ví dụ: có chân trong đội bóng đá, một tay cờ xuất sắc, đủ mặt anh tài, gia đình bảy tám miệng ăn. Trường hợp tiếng, (tiếng Việt) là dùng cái vỏ âm thanh vật chất để chỉ cả ngôn ngữ. Các từ ghép đẳng lập như: đất nước, quốc gia cũng là một loại hoán dụ lấy bộ phận thay cho toàn thể. Lấy tên gọi của tiếng kêu, của đặc điểm hình dáng để gọi tên con vật. Ví dụ: con tu hú, con tắc 9 kè, con mèo, con quạ, con rắn sọc dưa, cạp nong, nạp nia, con vành khuyên. Lấy tên gọi của đơn vị thời gian nhỏ gọi tên đơn vị thời gian. Ví dụ: xuân, thu, đông để chỉ năm. Các từ ghép ngày tháng, năm tháng được dùng để chỉ thời gian. Tên riêng được dùng để thay cho tên của loại. Ví dụ: Tam Đảo, Thăng Long, có nhiều khi được dùng để chỉ thuốc lá. Lấy tên gọi của một số nhỏ để chỉ một số lớn. Lấy tên gọi của một số cụ thể để nói một số không xác định. Ví dụ: trăm, nghìn, trăm người như một. Lấy toàn thể chỉ bộ phận. Ví dụ: một ngày công, một đêm văn nghệ. Có thể lấy tên của chủng loại lớn để chỉ loại nhỏ: đi sửa xe (xe đạp hoặc xe máy). (2) Hoán dụ dựa trên quan hệ vật chứa và vật bị chứa. Ví dụ: Một nhà sum họp. Cả làng tỉnh dậy. Cả thành phố nhộn nhịp. (3) Hoán dụ dựa trên quan hệ nguyên liệu và sản phẩm. Ví dụ: cái thau, 1000 đồng, đeo kính. (4) Hoán dụ dựa trên quan hệ đồ dùng, dụng cụ và người sử dụng. Ví dụ: cây viôlông, cây sáo, cây bút trẻ. (5) Hoán dụ dựa trên quan hệ dụng cụ và ngành nghề. Ví dụ: sân khấu thủ đô để chỉ ngành nghệ thuật như tuồng, chèo, kịch, vv... Các từ tay búa (công nhân), tay cày (nông dân), tay súng (quân đội), vv... (6) Hoán dụ dựa trên quan hệ vật chứa và lượng vật được chứa đựng. Ví dụ: mấy thùng gạo, ba bồ sách, vv... (7) Hoán dụ dựa trên quan hệ cơ quan chức năng và chức năng. Ví dụ: đầu chỉ trí tuệ, tim chỉ tình cảm, mũi chỉ thính giác, vv... (8) Hoán dụ dựa trên quan hệ tư thế cụ thể và nguyên nhân của tư thế. Ví dụ: tắt thở chỉ cái chết, khoanh tay chỉ sự bất lực, ngẩng đầu chỉ sự bất khuất, vv... (9) Hoán dụ dựa vào âm thanh để gọi tên động tác. Ví dụ: đét, bịch, bợp, vv... (10) Hoán dụ dựa vào quan hệ giữa hoạt động và sản phẩm được tạo ra do hoạt động đó. Ví dụ: điểm, chấm, nắm, gói, vv... 10 (11) Hoán dụ dựa vào quan hệ giữa hoạt động và công cụ. Ví dụ: giũa, đục, vv... (12) Hoán dụ dựa vào quan hệ giữa động tác tiêu biểu và toàn bộ quá trình sản xuất. Ví dụ: đóng (đóng bàn), đúc (đúc tiền), cắt (cắt áo), vv... (13) Hoán dụ dựa vào quan hệ giữa nguyên liệu và hoạt động dùng nguyên liệu đó. Ví dụ: muối (muối dưa), thuốc (thuốc chuột), vv... (14) Hoán dụ dựa vào quan hệ sự vật và màu sắc. Ví dụ: da cam, da lươn, da trời, nước biển, vv... (15) Hoán dụ dựa vào quan hệ giữa tính chất của sự vật và bản thân sự vật. Ví dụ: chất xám, chất cay, vv... Tác giả cho rằng, trên đây chỉ là một số loại hoán dụ thường gặp, những trường hợp không phổ biến lắm có thể bỏ qua. Tổng hợp qua hai giáo trình 1962 [2], 1981 [3], Đỗ Hữu Châu đã nêu ra đến 17 loại hoán dụ. 4. Nguyễn Thiện Giáp trong cuốn giáo trình Từ vựng học tiếng Việt, 1985 [8,185] định nghĩa: “Hoán dụ là hiện tượng chuyển tên gọi từ sự vật hoặc hiện tượng này sang sự vật hoặc hiện tượng khác dựa trên một mối quan hệ logic giữa các sự vật hoặc hiện tượng ấy”. Ông chia ra 10 loại hoán dụ, đó là: (1) Quan hệ giữa toàn thể và bộ phận (synecdoche). Ví dụ: Nhà có năm miệng ăn, Cả thế giới ủng hộ Việt Nam. (2) Lấy không gian và địa điểm để thay cho những người ở đó. Ví dụ: nhà bếp (người nấu bếp), thành phố (người dân thành phố). (3) Lấy cái chứa đựng thay cho cái được chứa đựng. Ví dụ: bát (bát cơm), chai (chai bia). (4) Lấy quần áo, đồ trang phục nói chung thay cho con người. Ví dụ: áo chàm (người dân tộc thiểu số Việt Bắc). (5) Lấy bộ phận con người thay cho bộ phận quần áo. Ví dụ: cổ áo, tay áo, vai áo, vv... 11 (6) Lấy địa điểm, nơi sản xuất thay cho sản phẩm được sản xuất ở đó. Ví dụ: kẹo Xìu Châu. (7) Lấy địa điểm thay cho sự kiện ở đó. Ví dụ: Chín năm là một Điện Biên. (8) Lấy tên tác giả để thay cho tác phẩm. Ví dụ: Suốt mười năm tôi đọc Nguyễn Du. (9) Lấy tên chất liệu thay cho tên sản phẩm. Ví dụ: 1000 đồng, kho bạc. (10) Lấy âm thanh thay thế cho đối tượng. Ví dụ: con cuốc, cái bình bịch, chim tu hú, mèo, vv... Nhận xét: loại 5 và 7 khác Đỗ Hữu Châu. 5. Lê Đức Trọng trong cuốn Từ điển giải thích thuật ngữ ngôn ngữ học Việt – Anh – Pháp – Nga [34] đã nêu ra hai định nghĩa về hoán dụ: (1) Theo quan điểm Từ vựng học: “Hoán dụ (metonymy) là phương thức biến nghĩa (chuyển nghĩa) của từ đa nghĩa dựa vào tính chất tiếp cận của hai sự vật; hai sự vật có liên quan với nhau về một khía cạnh nào đó có thể định danh bởi một từ”. Ví dụ: Cả lớp siêng học, Anh ta là một cây bút trẻ. (2) Theo quan điểm Tu từ học: “Hoán dụ là phép tu từ bao gồm việc dùng hình ảnh mang nghĩa này để diễn đạt thay cho một ý khác có liên quan về mặt nào đó”. Ví dụ: Áo chàm đưa buổi phân ly. 6.2.2 Định nghĩa hoán dụ theo quan điểm Tu từ học 1. Cù Đình Tú trong cuốn “Phong cách học và đặc điểm tu từ tiếng Việt”, 1983 [37, 296 – 297] đã định nghĩa: “Hoán dụ tu từ là cách cá nhân lâm thời lấy tên gọi của đối tượng này dùng để biểu thị đối tượng kia dựa trên mối quan hệ liên tưởng logic khách quan giữa hai đối tượng”. Ông phân biệt nghĩa hoán dụ tu từ với nghĩa hoán dụ từ vựng như sau: nghĩa hoán dụ tu từ thì có tính lâm thời, còn nghĩa hoán dụ từ vựng thì có tính cố định, được ghi trong từ điển tiếng Việt (trang 296). Phân loại hoán dụ tu từ: 12 Theo ông, về nguyên tắc lý thuyết thì có bao nhiều mối quan hệ logic khách quan chúng ta có thể cấu tạo nên bấy nhiêu kiểu hoán dụ tu từ. Trong thực tế, chúng ta thường gặp 8 loại hoán dụ tu từ sau: (1) Quan hệ logic khách quan giữa bộ phận và toàn thể. Ví dụ: đầu xanh chỉ con người ở độ tuổi trẻ đẹp, má hồng chỉ người đàn bà sống kiếp lầu xanh. (2) Quan hệ logic khách quan giữa chủ thể (người) và vật sở thuộc (y phuc, đồ dùng). Ví dụ: áo tứ thân (bầm), đôi dép cũ nặng công ơn (Bác Hồ giản dị). (3) Quan hệ logic khách quan giữa hành động, tính chất và kết quả của hành động, tính chất. Ví dụ: “Đường cái đã nhọ mặt người” (nhọ mặt người (kết quả) biểu thị bắt đầu tối (tính chất)), “Mồ hôi mà đổ xuống đồng” (mồ hôi (kết quả) biểu thị lao động căng thẳng, vất vả (hành động)). (4) Quan hệ logic khách quan giữa hành động và chủ thể. Ví dụ: “Một lúc anh khẽ nói giọng chán nản của một anh chàng bị đánh cắp ái tình”, đánh cắp ái tình (hành động) biểu thị người vợ phụ bạc (chủ thể của hành động). Hoặc “Một nắm cơm nhỏ ăn từ sáng đã bị cái dạ dày chăm chỉ của con nhà nghèo tiêu hết đến phèo một cái còn gì! (NC)”, cái dạ dày chăm chỉ (chủ thể) biểu thị sự đói nhanh (trạng thái hành động). (5) Quan hệ logic khách quan giữa số lượng và số lượng. Ví dụ: “Một trăm con gái rửa chân cầu này”, một trăm (số lượng xác định) biểu thị rất nhiều (số lượng không xác định). (6) Quan hệ logic khách quan giữa vật chứa đựng và vật được chứa đựng. Ví dụ: Vì sao trái đất nặng ân tình, thì trái đất (vật chứa đựng) biểu thị đông đảo nhân loại (vật được chứa đựng). (7) Quan hệ logic khách quan giữa cái cụ thể và cái trừu tượng. Ví dụ: “Kháng chiến ba ngàn ngày không nghỉ Bắp chân, đầu gối vẫn săn gân”. (TH) Thì “Bắp chân đầi gối vẫn săn gân” (cụ thể) biểu thị tinh thần kháng chiến dẻo dai (trừu tượng). 13 (8) Quan hệ logic khách quan giữa tên riêng, tên nhân vật và tính cách con người. Ví dụ: Thời đại ta có bao nhiêu Dôia, thì Dôia (tên riêng) biểu thị người phụ nữ anh hùng (tính cách). 2. Nguyễn Nguyên Trứ, trong cuốn “Đề cương bài giảng về phong cách học”, 1988 – 1989, [35] đã định nghĩa: “Hoán dụ là biện pháp tu từ chuyển nghĩa cơ sở trên mối liên tưởng tương cận (logic, vật chất, lịch sử, thới quen)”. Ví dụ: “Đầu xanh có tội tình gì Má hồng đến quá nửa thì chưa thôi” (Nguyễn Du) Các loại khác của hoán dụ cũng được định nghĩa riêng. Đó là cải dung, cải danh, cải số, tượng trưng. - Cải dung: “Cải dung là biện pháp tu từ chuyển nghĩa cơ sở trên mối liên tưởng tương cận. Ở đây, người ta lấy vật chứa đựng thay thế cho vật bị chứa đựng, địa danh thay cho con người”. Ví dụ: Cả thành phố xuống đường. - Cải danh: “Cải danh là biện pháp tu từ chuyển nghĩa cở sở trên mối liên tưởng tương cận. Ở đấy, người ta lấy tên riêng thay thế cho tên chung”. Ví dụ: Thời đại ta có bao nhiêu Dôia (Nguyễn Văn Tý). - Cải số: “Cải số là biện pháp tu từ chuyển nghĩa cở sở trên mối liên tưởng tương cận. Ở đấy, người ta lấy một con số cụ thể thay cho một số chung”. Ví dụ: Cắc bụp! Cắc bụp xòa ! Ba thằng giặc Pháp bắt gà bắt heo. (Ca dao) - Tượng trưng: “Tượng trưng là biện pháp chuyển nghĩa, ở đấy, sự biểu hiện được thực thiện bằng những ước lệ”. Ví dụ: Búa liềm không sợ súng gươm bạo tàn (Tố Hữu) Tượng trưng có thể được hình thành từ hoán dụ hoặc ẩn dụ. Phân loại hoán dụ: Qua những định nghĩa ở trên, ta thấy Nguyễn Nguyên Trứ chia ra thành 5 loại hoán dụ, đó là: (1) lấy bộ phận thay cho toàn thể, (2) lấy vật chứa đựng thay cho vật bị chứa đựng, lấy địa điểm, nơi chốn để thay cho người ở đó (cải dung), 14 (3) lấy tên riêng thay cho tên chung (cải danh), (4) lấy một con số cụ thể thay cho một số lượng khái quát (cải số), (5) tượng trưng (ước lệ). 3. Đinh Trọng Lạc (chủ biên) – Nguyễn Thái Hòa, 2002 [14,203] nêu một nhóm hoán dụ gồm hoán dụ, cải dung, cải danh, cải số, tượng trưng (có 9 loại nhỏ). - Hoán dụ: “Hoán dụ là phương thức chuyển nghĩa bằng cách dùng một đặc điểm hay một nét tiêu biểu nào đó của một đối tượng để gọi tên chính đối tượng ấy”. Định nghĩa này tương tự định nghỉa của Từ điển bách khoa Đại học Columbia [57]. Ông cho rằng tùy hoàn cảnh mà một đối tượng có thể được gọi bằng một tên gọi riêng, “do vậy số lượng của hoán dụ gần như là vô tận” (tr 203). Chẳng hạn, để chỉ một người trong một hoàn cảnh nào đó mà ta không biết tên, ta có thể gọi bằng những cách khác nhau: . Đặc điểm ngoại hình: chị tóc quăn, anh đeo kính, mụ lùn tịt, vv... . Quần áo vật dụng: anh áo đỏ, cô áo xanh, bà áo lông, anh xe cub, bác xích lô, vv... . Nghề nghiệp: cô giáo, bà bác sĩ, nhà xe, bà đồng nát, anh phở bò, vv... . Chức vụ: (chào) đại tá, giám đốc, thủ trưởng, lớp trưởng, vv... . Quan hệ thứ bậc trong gia đình: ông, bà, cha, mẹ, vv... - Cải dung: “Cải dung là một phương thức hoán dụ chỉ cái chứa đựng thay cho vật chứa đựng”, tr 205. Ví dụ: ăn ba bát cơm, Cả làng đổ ra xem, Cả hội trường đứng dậy vỗ tay, khúc ruột miền Trung, khúc ruột của mình. - Cải danh: “Cải danh là phương thức chuyển nghĩa biểu thị mối quan hệ giữa tên riêng và tên chung, trong đó, tên riêng thay cho tên chung và ngược lại”, tr 206. Ví dụ: Cho tôi một hai nơ ken (bia), một điếu ba số (555), Anh đã đọc Tônxtôi chưa? (tác phẩm của Tônxtôi). - Cải số: “Cải số là phương thức chuyển nghĩa biểu thị mối quan hệ giữa số ít và số nhiều, giữa con số cụ thể và con số tổng quát”, tr 206. Ví dụ: Ba cái thằng xỏ lá ba que, Trăm mớ nở bà giằn, Trăm năm, trăm tuổi, trăm chồng, vv... gọi đích xác là một trăm nhưng ai cũng hiểu là nhiều. 15 - Tượng trưng: “Tượng trưng là phép chuyển nghĩa dựa vào những ẩn dụ và hoán dụ”, tr 207. Ông cho rằng, tượng trưng là lối nói quen thuộc không cần xếp vào một nhóm riêng. Ví dụ: màu xanh tượng trưng cho hòa bình, màu trắng thần khiết, con cò là hình ảnh người nông dân, đào, mai, cúc, trúc tượng trưng cho khí phách của bậc chính nhân quân tử. 4. Định Trọng Lạc, trong sách “99 phương tiện và biện pháp tu từ tiếng Việt”, 2005 [15] đã nêu một nhóm hoán dụ gồm: hoán dụ, uyển ngữ, nhã ngữ, tượng trưng. - Hoán dụ: “Hoán dụ là định danh thứ hai dựa trên mối liên hệ hiện thực giữa khách thể được định danh với khách thể có tên gọi được chuyển sang dùng cho khách thể được định danh”. (trang 66). Ông chỉ ra hai loại hoán dụ là hoán dụ từ vựng và hoán dụ tu từ. Hoán dụ từ vựng là những sự kiện ngôn ngữ và không còn ý nghĩa tu từ nữa. Hoán dụ tu từ là hoán dụ thực hiện hóa mối liên hệ mới mẻ, bất ngờ giữa hai khách thể. Có các loại hoán dụ tu từ sau: (1) Liên hệ giữa bộ phận và toàn thể. (2) Liên hê giữa chủ thể (người) và vật sở thuộc (y phục, đồ dùng). (3) Liên hệ giữa công cụ lao động và bản thân sức lao động hoặc kết quả lao động. Ví dụ: Bàn tay ta làm nên tất cả. (4) Liên hệ giữa số ít và số nhiều, giữa con số cụ thể và con số tổng quát (cải số). (5) Liện hệ giữa vật chứa đựng và vật được chứa đựng (cải dung). Ví dụ: ăn ba bát cơm, Vì sao trái đất nặng ân tình. (6) Liên hệ giữa hành động, tính chất và kết quả của hành động, tính chất. Ví dụ: Mồ hôi mà đổ xuống đồng. (7) Liên hệ giữa cái cụ thể và cái trừu tượng. Ví dụ: Bắp chân, đầu gối vẫn săn gân (cái cụ thể) biểu thị tinh thần kháng chiến dẻo dai (trừu tượng). - Uyển ngữ: “Uyển ngữ thuộc nhóm hoán dụ, là hình ảnh tu từ, trong đó người ta thay tên gọi một đối tượng (hoặc một hiện tượng) bằng sự miêu tả những dấu hiệu cơ bản của nó, hoặc bằng việc nêu lên những nét đặc biệt của nó” (tr 71). Uyển ngữ có những loại như: 16 (1) Tên đặc điểm thay cho tên gọi cả đối tượng. Ví dụ: phái yếu, phái đẹp (phụ nữ). (2) Một khái niệm rộng hơn được dùng để chỉ một đối tượng hoặc người cụ thể. Ví dụ: một công cụ giết người (súng), người bảo vệ trật tự đường phố (cảnh sát giao thông). - Uyển ngữ hình tượng. Ví dụ: Điện Biên Phủ trên không (chiến thắng của Hà Nội đánh bại chiến dịch ném bom B52), rồng lửa bay (tên lửa bay), vv... Các trường hợp đã được từ vựng hóa: vàng đen (than, dầu mỏ), than trắng (thủy điện), xanh hòa bình (xanh da trời), vv... - Nhã ngữ: Tác giả coi đây là một biến thể của uyển ngữ. Tuy nhiên, thực chất đây là một lối nói ẩn dụ. Ví dụ như thay vì nói chết thì nói thành mất, đi gặp cụ Các Mác, cụ Lênin. - Tượng trưng là những ẩn dụ tu từ, hoán dụ tu từ, dùng nhiều lần trở nên phổ biến. Chẳng hạn, trong văn học cổ thường dùng tùng, cúc, trúc, mai để chỉ người quân tử, con cò là hình ảnh tượng trưng cho người nông dân, người đàn bà lam lũ, vất vả. 5. Hoàng Trinh trong cuốn “Từ ký hiệu học đến thi pháp học, 1997 [33] đã chia ra hai nhóm hoán dụ và đề dụ”. “Hoán dụ là chỉ một sự vật A bằng một sự vật B, tuy vẫn là bộ phận đứng riêng, có ý nghĩa riêng nhưng có sự tồn tại là nhờ sự có mặt của sự vật trước là A” (tr 73). Có các loại hoán dụ sau: (1) Hoán dụ về nguyên nhân: lấy nguyên nhân (nghĩa hiển ngôn) để nói về một kết quả nào đó. Ví dụ: Đây đúng là một Trần Quang Khải, một Virgile (kết quả là một tác phẩm kiệt xuất nào đó), một ngòi bút thép (chỉ hành văn mạnh mẽ), những tấm lòng vàng (chỉ những người hảo tâm), v.v… (2) Hoán dụ về phương tiện (lấy phương tiện để nói về con người, tính cách, việc làm, v.v…). Ví dụ: Một ngòi bút tuyệt vời, con dao hai lưỡi, một đầu tàu đối với chúng ta. (3) Hoán dụ về kết quả (lấy kết quả nói nguyên nhân). Ví dụ: Cách mạng đã đưa lại ánh sáng cho bà con mù chữ (ánh sáng là biết đọc, biết viết, văn hóa). 17 (4) Hoán dụ về cái chưa đựng (lấy cái chứa đựng nói cái bên trong, được chứa đựng). Ví dụ: cạn chén, uống cho hết cốc, thiên đường (hạnh phúc), địa ngục (chết chóc, đau khổ), chiến trường (cuộc chiến đấu)… (5) Hoán dụ về nơi chốn (lấy nơi chốn nói về nói về con người, sự vật). Ví dụ: Đúng là người Hà Nội, một Booc Đô, v.v… (6) Hoán dụ về ký hiệu (lấy ký hiệu để nói sự vật, sự kiện). Đây là loại mà các nhà nghiên cứu khác gọi là tượng trưng. Ví dụ: Ngai vàng của bọn chúng đã sụp đổ (chính quyền), tòa áo đỏ (toà hình sự), còn đâu gươm giáo (bọn chiến bại). (7) Hoán dụ về vật thể (lấy cái có tính chất vật thể để nói tinh thần, tư tưởng là cái trừu tượng). Các nhà nghiên cứu khác gọi đây là loại hoán dụ dựa trên mối quan hệ cụ thể , trừu tượng. Ví dụ: Mũ nỉ che tai (lờ hết), trái tim sắt đá (lòng kiên trinh, vững vàng), bụng đói không có tai, v.v… (8) Hoán dụ về sự vật (chỉ một con người, con vật bằng sự vật mang đặc điểm của nó). Đây là loại hoán dụ dưa vào mối quan hệ đặc điểm, tính chất – bản thân sự vật. Ví dụ: Ba vị áo thụng (bác sĩ), tàu ống khói (tàu chạy bằng hơi nước). - Đề dụ: “Đề dụ là chỉ một sự vật bằng tên một sự vật khác cùng sự vật kia làm thành một toàn thể (về mặt vật thể hay tinh thần), ý niệm về sự vật này được bao gồm trong ý niệm sự vật kia” (tr 75). Đề dụ có những loại như sau: (1) Đề dụ về bộ phận (lấy một phần để nói đến toàn thể). Ví dụ: Một mái nhà bình minh bao phủ (một gia đình), những bàn tay khéo léo (những người thợ khéo léo). (2) Đề dụ về toàn thể (lấy toàn thể để nói một phần). Ví dụ: Mua cho tôi màu đỏ (một cái gì đó màu đỏ), Cơm nước xong rồi, ta đi thôi! (ăn xong rồi, đi!). (3) Đề dụ về số lượng (lấy số ít để nói số nhiều hoặc ngược lại). Ví dụ: Con người sinh ra (loài người), Phải học tập những Nguyễn Viết Xuân, những Nguyễn Văn Trỗi (lấy số nhiều để nói một người anh hùng). (4) Đề dụ về giống (lấy giống (cao hơn) để nói loài (thấp hơn)). Ví dụ: Thương hại cho con vật! (con chó, con mèo…gì đó), Toàn người là người (đàn ông, đàn bà, trẻ em). 18 (5) Đề dụ về loài (lấy loài (thấp hơn) để nói giống (cao hơn)). Ví dụ: Bánh mì và hoa hồng (bánh mì (lương thực) hoa hồng (hạnh phúc)). (6) Đề dụ về cái trừu tượng (lấy cái trừu tượng để nói cái cụ thể). Ví dụ: Những phường giáo áo túi cơm sá gì (loại người chẳng ra gì), tuổi thơ (các em bé), các lứa tuổi (các lớp người già trẻ), vv... (7) Đề dụ về cá nhân (lấy cá nhân này nói cá nhân kia có cái tương ứng, lấy cá nhân nói tập đoàn hay ngược lại). Ví dụ: một tú bà, một mã giáng sinh, một tên phát xít, v.v… Đây là loại hoán dụ dựa vào vào quan hệ tên riêng – tên chung hay tên riêng – tính cách đặc điểm. (8) Hoán dụ hỗn hợp (một từ vừa dùng theo nghĩa ban đầu (nghĩa đen) vừa dùng theo nghĩa nội hàm (nghĩa bóng)). Ví dụ: Anh học sinh đó chẳng còn gì là học sinh cả (nhác học, hư hỏng). (9) Đề dụ hỗn hợp. Ví dụ: Chó sói vẫn là chó sói. - Hai loại (8) và (9) thường được dùng trong câu trùng ngôn có cấu trúc D là D, biểu thị quan hệ riêng – chung (cái riêng dù có thế nào cũng vẫn mang bản chất chung). 6. Sái Phu, 2005, [25] đã nêu các loại hoán dụ sau: bộ phận – toàn thể, bên ngoài – bên trong, đồ đựng – nội dung, nguyên nhân – kết quả, chất liệu – vật phẩm, ngoại diện rộng – ngoại diện hẹp (thượng danh – hạ danh), trừu tượng – cụ thể, khái quát – cá biệt. 6.2.3 Tổng kết các loại kiểu hoán dụ trong tiếng Việt. (Trên cơ sở phân loại của các nhà nghiên cứu đã nêu ở trên; QH = quan hệ) (1) QH toàn thể - bộ phận (nhiều loại, trong đó có cả số). (2) QH không gian, địa điểm – người ở đó (cải dung). (3) QH vật chứa – lượng vật được chưa (cải dung). (4) QH nguyên liệu – sản phẩm. (5) QH đồ dùng, y phục – người sử dụng. (6) QH dụng cụ - nghề nghiệp. (7) QH cơ quan chức năng – chức năng. (8) QH tư thế - nguyên nhân của tư thế. 19

Tìm luận văn, tài liệu, khoá luận - 2024 © Timluanvan.net